MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ranh giới đúng - sai?

23-02-2014 - 12:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Vừa qua, một số vụ án lớn được đưa ra xét xử đã để lại những vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh và giới DN phải suy xét, ngẫm nghĩ.

Đơn cử, kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) không phải chịu trách nhiệm với khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng mà khách hàng đã gửi vào ngân hàng.

Đại diện ngân hàng này đưa ra nhiều lý do để ngân hàng không phải chịu trách nhiệm như khách hàng đã giao dịch bên ngoài trụ sở VietinBank, khách hàng không quản lý được thẻ tiết kiệm, khách hàng phải tự theo dõi, quản lý toàn bộ tài khoản của chính mình, ngân hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng, số dư tài khoản do khách hàng quản lý còn tiền mặt ngân hàng mới quản lý...

Hiện nay, các ngân hàng có xu hướng mở rộng các tiện ích, có những dịch vụ được thực hiện ngay tại tư gia của khách hàng, có những dịch vụ trực tuyến… Như vậy, tiền gửi của DN, cá nhân sẽ được pháp luật bảo hộ tới đâu? Hành vi của các bên tham gia giao dịch được đánh giá đúng sai đến đâu? Đây là vấn đề cần làm rõ.

Một vấn đề khác là hành vi kinh doanh trái phép trong vụ Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên. Ông Kiên bị buộc tội sử dụng các pháp nhân để kinh doanh trái phép, đầu tư tài chính, mua cổ phần và góp vốn vào công ty khác mà không được cấp phép ngành nghề kinh doanh đầu tư tài chính, với số tiền lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng. Thực tế, rất nhiều DN hiện nay có đầu tư tài chính, có mua cổ phần, có góp vốn vào DN khác như là một phần của hoạt động liên doanh, liên kết trong kinh doanh mà không phải là đầu tư tài chính. Vậy cần nhìn nhận các hoạt động này ra sao?

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, người đã nhận lời bào chữa, bảo vệ trong 3 đại án gồm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án Nguyễn Đức Kiên, vụ án VDB Đắc Nông - Đắc Lắc (Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắc Nông- Đắc Lắc) cho rằng, nếu ranh giới pháp lý này không được trả lời rõ thì sẽ tạo tâm lý hoang mang, e dè, gây tác động không tốt cho cộng đồng DN.

Cho đến hiện nay, 10 đại án của năm 2013 vẫn chưa có kết quả cuối cùng, có đại án mới xử xong sơ thẩm, có đại án vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Các đại án đều để lại những hậu quả xấu của nền kinh tế và sở dĩ gọi là đại án vì các vụ án này đều có quy mô lớn, vừa về tài chính, vừa về tác động đến tâm lý đời sống, an sinh xã hội.

Cách đây vài năm là thời kỳ bùng nổ của sự đa dạng nhu cầu kinh doanh. Áp lực thanh khoản, nhu cầu nguồn vốn, cơ hội lợi nhuận, đi kèm với những lúng túng của hệ thống quản trị rủi ro, pháp luật đã khiến cho nhiều hoạt động, nhiều ý tưởng kinh doanh, trong đó có cả những ý đồ cơ hội phi đạo lý diễn ra và tại thời điểm đó, dường như mọi thứ là tất nhiên, là bình thường? Nhưng khi nền kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh không thuận lợi, phát sinh thua lỗ, không trả được nợ nần, thì vấn đề đúng, sai, trách nhiệm pháp lý được đặt ra và nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí ở mức cao nhất là tử hình.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, quá trình xét xử các đại án này sẽ còn nhiều diễn biến nhưng tác động lớn đến sự quan tâm của cộng đồng DN là vấn đề ranh giới đúng, sai về mặt pháp lý cần làm rõ để đem lại sự an tâm cho DN khi triển khai các hoạt động kinh doanh. Không chỉ thế, việc làm rõ ranh giới đúng sai còn có giá trị đối với vấn đề phòng ngừa tội phạm. “Khi phòng ngừa chung thì phải hướng tới mục tiêu cụ thể gồm các loại tội phạm tham nhũng, tội phạm lừa đảo, tội vi phạm quy định quản lý kinh tế của Nhà nước… Vậy quy định pháp lý như hiện nay đã chuẩn chưa? Có vấn đề gì cần thay đổi, sửa chữa? Đây là những điều dư luận quan tâm hơn là mức án” - Luật sư Trần Minh Hải nói.

Ngoài ra, theo Luật sư Hải, trong kinh doanh, yếu tố sáng tạo, mạo hiểm, khai thác, mở rộng là yếu tố quan trọng và đưa sản xuất, thương mại đi lên, tạo ra doanh thu, của cải cho xã hội. Suy cho cùng, sự phòng ngừa, quản lý hoạt động kinh doanh là vô cùng cần thiết, nhưng nó nên là các giới hạn, hạn mức phù hợp, ngăn chặn những hoạt động lạm dụng cơ hội, không lường đến khả năng quản trị rủi ro, bất thường trong khả năng quản lý hậu quả kinh doanh. Sự phòng ngừa đó nên được biến chuyển thành những quy định pháp luật cụ thể tạo nên một hành lang pháp lý rõ ràng cho cộng đồng DN hoạt động.


Theo Thiên Cầm

hangnt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên