MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu 1% vốn ngân hàng trở lên phải công bố thông tin để hạn chế sở hữu chéo?

27-09-2014 - 14:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài ra, để hạn chế sở hữu chéo, nhóm chuyên gia cũng kiến nghị thành viên trong HĐQT ngân hàng không được kiêm nhiệm chức vụ trong Ban điều hành.

Theo GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng, cùng các cộng sự đến từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một trong những nguyên nhân chủ quan lớn nhất tạo kẽ hở cho tình trạng sở hữu chéo phát triển tràn lan là hệ thống các quy định pháp luật về quản lý và hạn chế sở hữu chéo chưa chặt chẽ hoặc chưa đồng bộ với các văn bản khác. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm kiểm soát sở hữu chéo là vô cùng cần thiết.

Đóng góp vào tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014 diễn ra cuối tháng 9 tại Ninh Bình, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật bao gồm:

Sở hữu 1% vốn trở lên phải công bố thông tin

Hiện nay chỉ quy định cá nhân, tổ chức và nhóm người có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng hoặc 5% vốn điều lệ của một TCTD mới phải báo cáo về tỷ lệ sở hữu cho các cơ quan quản lý, khiến rất ít cổ đông cá nhân của ngân hàng phải công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu. Với người liên quan, quy định về “người có liên quan” hiện nay cũng chưa rõ ràng, do vậy, việc lách luật như trên hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhóm nghiên cứu đề xuất, để phát hiện được các mối quan hệ sở hữu chéo, cần mở rộng đối tượng công bố thông tin, đặc biệt là nhóm đối tượng là người có liên quan, đồng thời cần hạ tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ngân hàng mà ở đó chủ sở hữu phải công bố thông tin. Cụ thể, các đối tượng phải công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu ngân hàng là: (i) Các cổ đông có tỷ lệ sở hữu NHTMCP từ 1% trở lên; (ii) người có liên quan của các cổ đông phải công bố thông tin có tỷ lệ sở hữu NHTMCP từ 1%. Việc quy định này sẽ giúp cho việc xác định quan hệ sở hữu chéo dễ dàng hơn.

Bên liên quan của cổ đông phải bao gồm cả gia quyến của cả vợ/chồng

Hiện nay, thông qua những pháp nhân và thể nhân khác nhau, một cá nhân có thể sở hữu vượt những quy định. Do vậy, để khắc phục khó khăn trong quản lý, giám sát sở hữu, đầu tư chéo, cần hoàn thiện quy định hiện hành về xác định rõ “người liên quan“, bổ sung quy định về “người sở hữu cuối cùng“ và trao cho Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng quyền xác định “người sở hữu cuối cùng“ dựa trên nguyên tắc theo luật định.

Trong Luật hiện nay chỉ quy định cổ đông và các bên liên quan bao gồm gia quyến của chính cổ đông đó mà chưa bao gồm gia quyến của gia đình vợ/chồng của cổ đông đó. Do đó, NHNN cần mở rộng đối tượng về các bên liên quan trong Luật các TCTD 2010.

Không cho phép thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức vụ ban điều hành

Đối với các quy định về thành phần của ban quản trị và ban điều hành đề xuất NHNN quy định số lượng thành viên ban quản trị của NHTM trong trường hợp điều lệ của của NHTM không có quy định.

Trong ban quản trị cần có thành viên độc lập từ bên ngoài. Thành viên độc lập phải có những tiêu chí khắt khe như là cá nhân không đang làm việc cho ngân hàng, hoặc công ty trực thuộc ngân hàng, hoặc đã làm việc cho ngân hàng hoặc công ty trực thuộc ngân hàng trong một thời gian nhất định; không có mối quan hệ với những người có liên quan mà người đó sở hữu một lượng cổ phần nhất định của ngân hàng… Các thành viên độc lập có vai trò đưa ra các quyết định có tính khách quan và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ đông nhỏ lẻ do các cổ đông lớn, cổ đông có quyền kiểm soát NHTM thông qua sở hữu chéo gây ra.

Ngoài ra, cần tách biệt rõ ràng gữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, theo đó không cho phép thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của ngân hàng kiêm nhiệm chức vụ trong ban điều hành. Trên thực tế, tại Việt Nam đang cho phép hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của TCTD là công ty cổ phần, công ty TNHH được quyền bổ nhiệm một trong số các thành viên của mình làm Tổng giám đốc/Giám đốc. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này có thể dẫn đến việc xung đột về lợi ích khi Tổng giám đốc (là một trong những chủ sở hữu) đưa ra những quyết định phục vụ cho một nhóm lợi ích mà không quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ.

Hơn nữa, cần xác định rõ một pháp nhân không thể là thành viên ban quản trị cho dù một cá nhân đại diện cho pháp nhân đó có thể được bầu vào ban quản trị. Như vậy, cá nhân được bầu vào ban quản trị của NHTM chỉ có thể hành động với tư cách là một thành viên ban quản trị chứ không phải với tư cách là đại diện của pháp nhân, tức là cá nhân đó phải hành động vì lợi ích của tất cả các cổ đông chứ không phải chỉ vì riêng lợi ích của pháp nhân được cá nhân đó đại diện.

Tổng giám đốc, giám đốc ngân hàng không được đồng thời là TGĐ, GĐ của DN khác

Tương tự, NHNN cũng cần có quy định về ban điều hành của NHTM nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo có thể xảy ra như tổng giám đốc/giám đốc không được đồng thời là tổng giám đốc/giám đốc của một doanh nghiệp khác. Theo thông lệ quốc tế, tổng giám đốc/giám đốc không nên tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài những việc liên quan tới vai trò quản lý, điều hành doanh nghiệp và việc quản trị các công ty con của ngân hàng.

ch bạch chức năng ngân hàng đầu tư và NHTM

Từ điều 103 về góp vốn, mua cổ phần và điều 107 quy định về các hoạt động kinh doanh khác của NHTM trong Luật các TCTD 2010, có thể thấy những quy định này đã xóa đi ranh giới giữa chức năng ngân hàng đầu tư và NHTM trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây là một trong những “lỗ hổng” tạo điều kiện cho sở hữu chéo gây ra những sai phạm về đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD, từ đó làm gia tăng nguy cơ rủi ro chéo giữa các khu vực thị trường (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) trên thị trường tài chính quốc gia.

Cụ thể, mặc dù Thông tư 13/2010/TT-NHNN đã quy định hoạt động của ngân hàng đầu tư phải được tách khỏi hoạt động của NHTM, theo đó, ngân hàng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, bằng việc sở hữu chéo, ngân hàng A có thể dễ dàng lách quy định này bằng cách tác động bằng những phương pháp khác nhau để ngân hàng B (mà ngân hàng A đang đồng sở hữu) mua trái phiếu của Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ của ngân hàng A.

Những hoạt động này vô hình chung đã gắn rủi ro trong hoạt động đầu tư vào huy động và cho vay thương mại của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, dẫn đến khả năng lan truyền rủi ro giữa các khu vực của thị trường tài chính. Trong khi tình trạng nhập nhằng giữa hai chức năng đang diễn ra như vậy, nhiều ngân hàng Việt Nam lại thông báo sẽ trở thành tập đoàn tài chính. Bản chất của tập đoàn tài chính là vừa có chức năng đầu tư, vừa có chức năng thương mại, điều này khiến cho vấn đề quản lý càng trở nên khó khăn.

Do vậy, trong thời gian tới, luật cần bổ sung thêm các quy định liên quan đến tập đoàn tài chính đồng thời cơ quan quản lý cần có những biện pháp chế tài hạn chế các NHTM thực hiện những nghiệp vụ như ủy thác đầu tư chứng khoán.

Cần quy định số cổ phần sở hữu tối đa của từng loại cổ đông trong ngân hàng

Luật đã có quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của các cá nhân cũng như các tổ chức trong NHTM. Tuy nhiên, để quy định này có hiệu quả hơn, luật nên bổ sung quy định cụ thể rõ ràng hơn về mức sở hữu cổ phần tối đa với từng loại cổ đông.

Với cổ đông cá nhân có thể phân chi tiết hơn như: cá nhân tham gia quản lý, cá nhân không tham gia quản lý…Với cổ đông là tổ chức có thể phân thành các nhóm: tổ chức tài chính, tổ chức phi tài chính, tổ chức là cơ quan, DNNN…

Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm các hành vi lợi dụng sở hữu chéo để vượt qua các quy định về tỷ lệ sở hữu, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; các quy định về hạn chế cho vay, giới hạn tín dụng cũng như phân loại, trích lập dự phòng rủi ro. Với những sai phạm bị phát hiện, cần có cơ chế xử phạt thật nghiêm bao gồm nâng các mức phạt hành chính nhằm gia tăng kỷ luật đối với các NHTM khác.


>>>Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014



Tùng Lâm
(Lược trích từ tham luận của GS Trần Thọ Đạt và cộng sự tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu)

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên