MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tân trang" cho nợ xấu…

07-02-2014 - 18:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu như một ngôi nhà sau thời gian dài xuống cấp đã kịp tân trang nhanh chóng để đón năm mới.

Nếu từ bên ngoài nhìn vào, Việt Nam hẳn đang trở thành một hình mẫu ấn tượng trong xử lý nợ xấu, giảm rất mạnh chỉ trong vài tháng.

Trước thềm năm mới, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một con số nợ xấu rất khả quan: tính đến cuối 2013, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 3,79%, giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2012.

Sau khi liên tục gia tăng từ khoảng 3% cuối năm 2010 lên trên 4% năm 2012, vàđến gần 5% trong suốt năm 2013, lần đầu tiên tỷ lệ nợ xấu mới cho một xu hướng thực sự giảm mạnh, cũng là lần đầu tiên sau khoảng hai năm mới giảm được về dưới 4%.

Nếu giữ được xu hướng và tốc độ trên, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt mục tiêu trước hạn, cũng như thực hiện sớm hơn dự tính định hướng của Chính phủ và Quốc hội, giảm được tỷ lệ nợ xấu về 3% đến năm 2015.

Nếu từ bên ngoài nhìn vào, Việt Nam hẳn trở thành một hình mẫu ấn tượng trong xử lý nợ xấu, giảm rất mạnh chỉ trong vài tháng.

Mức 3,79% được hiểu là từ tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng. Còn theo các tiêu chí đánh giá khác nhau, nợ xấu sẽ ở các cấp độ khác nhau. Như theo kênh giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước, con số có thể gấp đôi; theo con mắt của một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là các hãng định mức tín nhiệm, nó có thể vẫn ở mức hai con số…

Thôi thì cứ tạm tin ở mức độ công bố, như một góc nhìn chính thống. Vậy, mức 3,79% và thành tích giảm gần 1 điểm phần trăm chỉ trong vài tháng có từ đâu, hay nợ xấu đã được tân trang kiểu gì?

Thứ nhất, dù chưa đo lường cụ thể, song những tháng cuối năm 2013 các ngân hàng thương mại cũng đã thu hồi được nhất định một phần nợ xấu. Điều này gắn với hơi hướng hồi phục của sản xuất kinh doanh. Một số điển hình thu hồi là Vietcombank và SHB.

Thứ hai, cũng chưa có số liệu đo lường cụ thể, nhưng trong hai tháng cuối năm 2013 cũng như thể hiện trước đó, một số tổ chức tín dụng đã tăng cường trích lập dự phòng, tự xử lý nợ xấu và đưa ra ngoại bảng. Hướng này còn được xem là một phần chủ động, giảm tải áp lực trước khi thực hiện Thông tư 02 từ giữa năm 2014.

Ngoài hai yếu tố chính trên, có một số tác động khác có thể xem là cách để “tân trang”, khiến nợ xấu trở nên… “đẹp” hơn.

Thứ ba, nhìn vào dữ liệu thống kê, sau khi tăng vọt lên 4,73% vào tháng 10/2013 - mức cao nhất trong năm, nợ xấu hệ thống đã giảm nhanh từ tháng 11/2013 xuống 4,55% và điểm đến kế tiếp là 3,79%. Mốc thời gian trên gắn liền với yếu tố tác động lớn là sự can thiệp của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Chỉ trong ba tháng cuối năm 2013, VAMC đã mua lại khoảng 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng nghĩa với việc bóc khoảng gần 1,1% dư nợ ra ngoại bảng, giúp giảm trực tiếp khoảng 22% lượng nợ xấu tính so với tháng 10/2013 - một sự can thiệp khá lớn.

Thứ tư, trong những tháng cuối năm 2013, đặc biệt là tháng 12, tín dụng đã tăng trưởng đột biến. Theo đó, miếng bánh tổng dư nợ mở rộng nhanh chóng và “vô tình” giúp co gọn lại tỷ lệ nợ xấu.

Số liệu thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 7,27%, nhưng đến cuối tháng 12 đã vọt lên 12,5% so với cuối năm 2012.

Và có một yếu tố quá đặc thù và khó rạch ròi, thứ năm, là mức độ của ý muốn chủ quan của các tổ chức tín dụng đối với việc xác định nợ xấu.

Nợ xấu có bình thông đáy với lợi nhuận, qua mối liên hệ của mức độ trích lập dự phòng rủi ro. Cuối năm, để có con số lợi nhuận “đẹp” hơn, họ có thể nhượng bộ nhất định với mức độ thực của tỷ lệ nợ xấu, qua đó hạn chế chi phí trích lập dự phòng. Yếu tố này là không loại trừ, tùy thuộc vào ý thức tuân thủ các quy định trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, cũng như tùy thuộc vào ý đồ “tân trang” nợ xấu hay không.

Tính đặc thù của yếu tố thứ năm này thể hiện ở sự nhập nhèm trong cơ chế phân loại nợ hiện hành. Các tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ theo chuẩn của Quyết định 493, nhưng năm qua và hiện nay vẫn có tác động lớn của cơ chế cho phép cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 mà không phải chuyển nhóm.

Cho nên, dù có “tân trang” hay không, thành tích giảm nhanh nợ xấu trong vài tháng cuối năm 2013 cũng chưa hẳn là kết quả đáng mừng, hay phản ánh đầy đủ bản chất của nợ xấu ngân hàng hiện nay.

Nói cách khác, con số nợ xấu hiện nay giống như một vật thể lồi lõm, chiếu một ánh đèn vào đó ở hướng nào cũng có một khoảng tối nhất định. Hay mức độ nợ xấu như thế, tùy thuộc vào góc nhìn, tiêu chí đánh giá và nhìn nhận mà thôi. Với cơ chế và đặc thù của Việt Nam hiện nay, thực khó để có một cái nhìn toàn diện và sát thực tuyệt đối, nhất là với công chúng.

hangnt

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên