MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VBF thất vọng vì NHNN hoãn Thông tư 02

03-06-2013 - 10:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là chia sẻ của nhóm công tác ngân hàng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2013 đang diễn ra tại Hà Nội.

Cụ thể, theo nhóm công tác này việc triển khai Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện và cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng mức sát hơn với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất là thành lập Công ty quản lý nợ mà đi kèm với đó phải là việc triển khai áp dụng Thông tư 02.

“Tuy nhiên, đáng tiếc là NHNN đã chưa áp dụng luôn Thông tư này” – Nhóm công tác ngân hàng của VBF lấy làm tiếc vì điều này.

Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư 02 (Điều 8), các TCTD và chi nhánh NHNNg phải đề nghị Trung tâm thông tin tín dụng (“CIC”) cung cấp danh sách khách hàng thuộc nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất, trường hợp đánh giá của CIC có mức độ rủi ro cao hơn thì phải sử dụng kết quả phân loại của CIC và việc phân loại nhóm nợ và trích lập dự phòng phải tuân theo kết quả phân loại của CIC.

Nhóm công tác ngân hàng của VBF đã đề nghị NHNN cho phép các TCTD được sử dụng kết quả xếp hạng tín dụng khách hàng mà CIC cung cấp chỉ để tham khảo bởi lẽ:

Thứ nhất, các TCTD có những nguồn thông tin cập nhật hơn chính xác hơn cho việc đánh giá rủi ro;

Thứ hai, việc phân loại nợ của khách hàng có thể phụ thuộc vào tài sản đảm bảo, thế chấp với từng TCTD cụ thể khác nhau;

Thứ ba, việc yêu cầu các TCTD phải dựa vào bên thứ 3 là CIC để phân loại khoản vay theo cách của CIC là mâu thuẫn với việc NHNN cho phép các TCTD được tự quyền xây dựng hệ thống phân loại nợ nội bộ;

Thứ tư, khó khăn trong việc vận hành cũng như ảnh hưởng về mặt tài chính, đặc biệt đối với các công ty tài chính tiêu dùng.

Các công ty tài chính tiêu dùng hiện có khoảng 1 triệu khách hàng cá nhân, do đó xét về quy trình thực tế hoạt động sẽ không thể thường xuyên kiểm tra kết quả phân loại nhóm nợ khách hàng của CIC. Mặt khác, việc áp dụng này sẽ rất tốn kém đối với các công ty tài chính tiêu dùng.

Hơn nữa, không giống như khách hàng doanh nghiệp, những khoản vay của khách hàng cá nhân thường là khoản vay riêng lẻ nên việc áp dụng kết quả phân loại nhóm nợ khách hàng do CIC cung cấp cho các công ty tài chính tiêu dùng không có lợi nhiều xét từ góc độ trích lập dự phòng rủi ro.

Ngoài ra, do Thông tư 02 có những điều khoản mới về mặt kỹ thuật, liên quan đến việc sử dụng thông tin từ CIC, đề nghị NHNN tổ chức hướng dẫn cụ thể ở cấp độ làm việc (cấp Vụ, CIC) để các TCTD, chi nhánh NHNNg đảm bảo tuân thủ.

Bên cạnh đó, Nhóm còn đề nghị NHNN xem xét có lộ trình dỡ bỏ các biện pháp quản lý hành chính sau để ngành ngân hàng có thể phát triển mạnh hơn:

1. Dỡ bỏ biên độ giao dịch ngoại hối

2. Cho phép giao dịch kỳ hạn mà không bị hạn chế hành chính

3. Cho phép thực hiện quyền chọn tiền đồng

4. Dỡ bỏ giới hạn 30% vốn tự có đối với giá trị danh nghĩa của các giao dịch phái sinh

5. Dỡ bỏ trần lãi suất

6. Hướng dẫn về việc tính giá trị ròng để bù trừ trạng thái hoặc nghĩa vụ trong các hợp đồng phái sinh

Khánh Linh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên