MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 thị trường ô tô lớn nhất thế giới

13-09-2011 - 15:03 PM | Tài chính quốc tế

Năm 2010, ngành ô tô toàn cầu vượt qua một ngưỡng quan trọng, số lượng xe chạy trên các con đường của thế giới vượt con số 1 tỷ.

Năm nay, dù kinh tế toàn cầu bi quan, doanh số bán xe toàn thế giới tăng 5% trong nửa đầu năm 2011.

Trong khi doanh số bán ô tô tại các thị trường phát triển tăng chậm lại, doanh số bán xe tại nhóm thị trường mới nổi vẫn tăng nhanh. Doanh số bán xe ô tô tại Nga tháng 7/2011 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2010.

Chênh lệch về tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe đang thay đổi vị thế của các thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Những nước ngày trước từng đứng đầu nay đang đi xuống nhanh chóng. Các hãng xe đang cố gắng bắt kịp nhanh nhất xu thế thay đổi này, mở nhiều nhà máy tại các nước đang phát triển cũng như phát triển nhiều dòng xe giá rẻ hơn để phù hợp với nhu cầu của tầng lớp người tiêu dùng mới.

Sự trỗi dậy của các cường quốc ô tô mới cũng đang định hình lại ngành ô tô và các thương hiệu xe. Tata Motors sở hữu thương hiệu Land Rover của Jaguar; Geely của Trung Quốc sở hữu Volvo. Các hãng xe của Trung Quốc và Ấn Độ đang bán hang tại thị trường xa xôi như Braxin.

Dưới đây là danh sách 5 thị trường ô tô lớn nhất thế giới dựa trên dự báo về doanh số bán xe từ công ty tư vấn J.D. Power and Associates. Ngoài ra, bản danh sách còn được đưa ra dựa trên tiêu chí và số liệu của các nguồn như hiệp hội ô tô các nước và công ty tư vấn Boston Consulting Group, ngân hàng Scotiabank. Doanh số bán xe năm 2011 là con số dự báo.

Đức

Doanh số bán xe năm 2011: 3,4 triệu

Doanh số bán xe năm 2010: 3,1 triệu

Tăng trưởng doanh số ước tính: 10%

Đức là thị trường ô tô lớn nhất châu Âu và được coi như nơi khai sinh ra ngành ô tô. Động cơ do kỹ sư Karl Benz và Nikolaus Otto người Đức thiết kế vào cuối thập niên 1870 đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành ô tô hiện đại.

Một số thương hiệu xe nổi tiếng nhất thế giới xuất xứ tử Đức bao gồm Mercedes, BMW, Porsche và Audi; ô tô do người Đức sản xuất nằm trong top 13 mẫu bán chạy nhất tại Đức năm 2010. Mẫu xe được chuộng nhất Volkswagen bán được 195.293 chiếc trong năm 2010, gần gấp đôi so với đối thủ gần nhất.

Những năm gần đây, ngành ô tô Đức vẫn giữ được đà phát triển bằng cách mở rộng hoạt động tại các thị trường mới nổi. Thị trường nước ngoài lớn nhất của VW hiện là Trung Quốc. Doanh số bán xe của VW tăng 16,4% trong 7 tháng đầu năm 2011. Daimler, hãng sở hữu thương hiệu Mercedes, dự báo đến năm 2015 sẽ bán được nhiều xe tại Trung Quốc hơn cả thị trường chính quốc.

Braxin

Doanh số bán xe năm 2011: 3,5 triệu

Doanh số bán xe năm 2010: 3,3 triệu

Tăng trưởng doanh số ước tính: 5%

Năm 2010, Braxin vượt Đức để trở thành thị trường ô tô lớn thứ 4 trên thế giới, doanh số bán xe năm 2010 tăng gần 10% so với năm trước đó.

Nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường Braxin khi người dân tại đất nước Mỹ - Latinh này ngày một giàu có. Với dân số khoảng 192 triệu người, các công ty ô tô dự báo doanh số bán xe tại thị trường Braxin tăng vọt khi tầng lớp trung lưu phát triển mạnh. Hiện nay, khoảng 30 triệu chiếc xe đang chạy trên các con đường của Braxin.

Tháng 12/2010, hãng xe Fiat của Ý công bố sẽ mở nhà máy thứ 2 tại Braxin, tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD trong kế hoạch đầu tư 5,9 tỷ USD vào Braxin trong 3 năm tới. Hãng xe Hyundai của Hàn Quốc và Chery của Trung Quốc cũng đang mở nhà máy tại Braxin.

Tại Braxin, thương hiệu Fiat được ưa chuộng hàng đầu, chiếm đến 23% tổng doanh số bán xe tại Braxin. Thương hiệu Volkswagen cũng không mấy kém cạnh với thị phần 22,7%. Mẫu xe Gol của Volkswagen cũng được người Braxin ưa thích. Gần 305 nghìn chiếc xe Gol được bán trong năm 2010, cao hơn 100 nghìn so với đối thủ gần nhất - Chevrolet Celta.

Nhật

Doanh số bán xe năm 2011: 3,9 triệu

Doanh số bán xe năm 2010: 4,8 triệu

Tăng trưởng doanh số ước tính: -19%

Cường quốc sản xuất ô tô - Nhật đã để mất vị thế đứng đầu thế giới vào tay Trung Quốc năm 2009.

Dù không còn ở vị trí đứng đầu, nhiều thương hiệu ô tô lớn nhất thế giới xuất xứ từ Nhật, ví như Toyota, Honda, Nissan, Mazda và Mitsubishi. Hãng xe Nhật hiện vẫn khó khăn khi sản xuất bị gián đoạn sau động đất, sóng thần ngày 11/03/2011, doanh số bán xe tại nội địa tháng 7/2011 rơi xuống mức thấp kỷ lục. Doanh số bán xe giảm 23% xuống 373.058 chiếc. Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới, công bố doanh số bán xe giảm sâu nhất, mức hạ lên tới 37% trong cùng kỳ.

Các hãng xe nội địa thống trị thị trường ô tô Nhật, chiếm khoảng 62 mẫu bán chạy nhất. Mẫu xe Prius được yêu thích nhất, Toyota bán được 315 nghìn chiếc trong năm 2010 trong khi đối thủ gần nhất Wagon R bán 197 nghìn chiếc trong cùng kỳ.

Mỹ

Doanh số bán xe năm 2011: 12,6 triệu

Doanh số bán xe năm 2010: 11,5 triệu

Tăng trưởng doanh số ước tính: 8,7%

Năm 2009, sự thống trị của Mỹ trong ngành ô tô toàn cầu chấm dứt. Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Trong khủng hoảng năm 2008 và 2009, 2/3 hãng xe lớn nhất bao gồm General Motors và Chrysler phải xin chính phủ giải cứu. Doanh số bán xe năm 2009 xuống mức thấp nhất trong 27 năm.

Thế nhưng từ đó đến nay, thị trường đã hồi phục, doanh số bán xe hồi phục lên mức 11,5 triệu chiếc trong năm 2010 và dự kiến đạt 12,6 triệu trong năm 2011.

Những năm gần đây, người Mỹ vẫn trung thành với các dòng xe ngốn xăng. Dòng xe ô tô cỡ nhỏ chỉ chiếm 3% tổng doanh số bán xe năm 2010, doanh số bán xe hạng trung chiếm khoảng 28%; doanh số bán xe đa dụng thể thao và xe tải nhỏ đóng góp khoảng 20% doanh số trong cùng thời kỳ. Người Mỹ đặc biệt yêu thích mẫu Camry, Toyota bán được 337 nghìn chiếc còn doanh số bán xe Ford F-Series đạt 313 nghìn.

Trung Quốc

Doanh số bán xe năm 2011: 17,7 triệu

Doanh số bán xe năm 2010: 17,2 triệu

Tăng trưởng doanh số ước tính: 3%

Thị trường ô tô Trung Quốc đứng đầu thế giới từ năm 2009 khi doanh số bán xe năm 2009 tăng 46% so với năm 2008. Doanh số bán xe năm 2010 tiếp tục tăng 32%, Trung Quốc củng cố thế vượt trội so với Mỹ.

Các chương trình hỗ trợ của chính phủ như giãn thuế, trợ cấp mua xe cho người nông thôn đã giúp doanh số bán xe hàng năm của Trung Quốc tăng 2 con số trong vài năm qua. Tuy nhiên, một khi các chính sách này kết thúc, tăng trưởng lập tức chậm lại.


Chính quyền thành phố Bắc Kinh, thị trường ô tô lớn nhất tại nội địa Trung Quốc, đã đưa ra biện pháp hạn chế đăng ký xe mới, nhà đầu tư ngày càng sợ hãi hơn về khả năng doanh số ô tô sẽ chững lại. Tháng 5/2011, doanh số bán xe ô tô tại Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 2 năm, doanh số giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2010. Doanh số ô tô 7 tháng đầu năm 2011 tăng 6%.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các hãng xe ngoại thành lập liên doanh và chia sẻ công nghệ với các công ty địa phương. Nhờ vậy, hàng loạt thương hiệu ô tô của Trung Quốc ra đời như Geely, Chery và Dongfang.

Năm 2010, doanh số bán xe Wuling Sunshine đạt 750 nghìn, đứng đầu tại Trung Quốc. Loại xe tải nhỏ này được sản xuấ bởi liên doanh giữa GM, tập đoàn Shanghai Automotive Industry Corporation (SAIC) và Wuling Automobile, giá bán lẻ khoảng 5.000USD. Ngoài ra xe Chana Mini Bus do Changan Auto sản xuất bán được 240 nghìn chiếc trong năm 2010, đứng thứ 2 tại Trung Quốc.

Trong bảng xếp hạng các thị trường ô tô lớn nhất thế giới, sau thị trường Đức, phải kể đến một số thị trường khác như sau: Thị trường Ấn Độ (doanh số năm 2011: 2,9 triệu); thị trường Pháp (2,6 triệu); thị trường Nga (2,4 triệu); thị trường Anh (2,2 triệu); thị trường Italy (2 triệu).

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên