MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử Mỹ năm 2012: Kinh tế nước Mỹ dưới thời Obama

05-11-2012 - 06:25 AM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, kinh tế đã trở thành chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ như hãng tin Reuters ghi nhận.

Kinh tế Mỹ bước vào suy thoái từ cuối năm 2007 trong nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush, cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 1929. Tổng thống Obama nhậm chức vào tháng 1-2009. Vào thời điểm đó, hệ thống tài chính-ngân hàng sụp đổ, công nghiệp ô tô đình đốn. Mỗi tháng hơn 700.000 lao động mất việc. Tỉ lệ thất nghiệp lên đến ngưỡng 10%.

Từ mùa hè năm 2009, GDP của Mỹ hồi phục dần. Theo số liệu mới công bố vào cuối tháng 10, tăng trưởng GDP trong quý III đã tăng 2% so với quý trước (1,3%). Chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng gấp đôi so với tháng 3-2009. Dù vậy, mức tăng trưởng GDP chưa đủ mức tối thiểu Ngân hàng Trung ương Mỹ kỳ vọng (2,3%-2,5%) để giảm thất nghiệp.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chương trình vực dậy kinh tế do Tổng thống Obama quyết định đã làm giảm thất nghiệp xuống dưới ngưỡng 8% vào tháng 8 mới rồi. Tỉ lệ thất nghiệp tháng 9 là 7,8%, tương đương lúc ông Obama bước vào Nhà Trắng. Sang tháng 10, tỉ lệ tăng nhẹ 7,9%.

Bốn ngày trước ngày bầu cử chính thức 6-11, ứng cử viên Obama khẳng định nỗ lực của ông trong cuộc chiến chống thất nghiệp đạt được kết quả, dù vậy như hãng tin AP trích dẫn, ông thừa nhận kết quả đó vẫn chưa đủ và còn nhiều việc cần phải làm. Vậy ứng cử viên Obama hứa hẹn gì nếu ông tái đắc cử?

Ông đoan chắc sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và ô tô. Về thuế thu nhập cá nhân, ông trấn an: “Nếu bạn thuộc về 98% hộ gia đình Mỹ có thu nhập dưới 250.000 USD/năm thì thuế của bạn sẽ không tăng”.

Ông chủ trương không tăng thuế đối với mức thu nhập trung bình và chú trọng tăng thuế đối với hai mức chịu thuế cao nhất. Thu nhập từ 250.000 USD/năm trở lên sẽ bị đánh thuế. Người có thu nhập từ 1 triệu USD/năm phải chịu thuế suất đến 30%. Mức thuế tối đa áp cho người có thu nhập cao nhất lên đến 39,6%. Trong khi đó, thuế thu nhập về đầu tư vốn sẽ tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm.

Về ngân sách, ông chủ trương giảm thâm hụt 4.000 tỉ USD trong 10 năm. Các biện pháp để đạt được mục tiêu này gồm 2.000 tỉ đang trong kế hoạch tiến hành, khoảng 1.500 tỉ có được từ tăng thuế người giàu và không giảm thuế bất hợp lý cho doanh nghiệp cộng với 850 tỉ tiết kiệm sau khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Chi phí công chiếm 23,5% GDP năm 2012 sẽ được kéo giảm còn 21,8% vào năm 2016.

Về việc làm, ông muốn tạo lập 1 triệu việc làm trong lĩnh vực chế biến từ nay đến năm 2016. Các biện pháp thực hiện gồm chủ yếu là sử dụng chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất về Mỹ và trừng phạt doanh nghiệp chuyển dịch lao động ra nước ngoài; tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu; giảm 50% nhập khẩu năng lượng từ nay đến năm 2020 bằng cách phát triển khí đốt và năng lượng xanh.

Theo H.Duy
PLTPHCM

huongnt

Trở lên trên