MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ông lớn “chùn chân” ở Trung Quốc

22-04-2014 - 20:11 PM | Tài chính quốc tế

Các tập đoàn đa quốc gia gặp phải quá nhiều rào cản khi gia nhập thị trường trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang có kế hoạch giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc bởi họ gặp phải quá nhiều rào cản khi gia nhập thị trường trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc. Đây là nhận định vừa được một tổ chức vận động hành lang (lobby) của Mỹ đưa ra.

Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc vừa được Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố cho thấy nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn về khả năng tiếp cận thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Quý I vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp nhất trong 18 tháng trở lại đây. 

“Chúng tôi coi rào cản trong việc tiếp cận thị trường là một trong những lý do hàng đầu khiến các tập đoàn lên kế hoạch cắt giảm đầu tư”, Greg Gilligan – chủ tịch của cơ quan này phát biểu trong cuộc họp báo công bố báo cáo. “Với tăng trưởng chậm lại, các tập đoàn là thành viên của chúng tôi cảm thấy không cần thiết phải đầu tư vào mô hình kinh tế đã cũ kỹ vốn tập trung nhiều vào xuất khẩu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng”.

Báo cáo này cũng nhận định các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đối với một vài lĩnh vực trong một vài năm trở lại đây. Đồng thời, sự hỗ trợ mà chính phủ dành cho các doanh nghiệp nhà nước được nhiều tập đoàn cho là điều ảnh hưởng tiêu cực nhất đến hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. 

40% các công ty là thành viên của Phòng thương mại Mỹ cho biết họ bị tấn công bởi truyền thông Trung Quốc. Điều này tạo ra cảm giác đầu tư nước ngoài không được chào đón ở đây. 

Tuy nhiên, Phòng thương mại Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan về những thỏa thuận mới trong hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung. Tháng 7 năm ngoái, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư. Trước đó, Bắc Kinh khẳng định chỉ đồng ý thỏa thuận nếu một số ngành (đặc biệt là dịch vụ) được miễn trừ khỏi thỏa thuận này. 

Minh Anh

huongnt

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên