MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chen chân vào các tập đoàn, giới trẻ Hàn Quốc thất nghiệp tràn lan

12-09-2012 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Hàn Quốc đang đau đầu với tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Họ đổ xô thi vào các tập đoàn lớn, khiến khu vực này ở trong trạng thái lượng cung lao động vượt quá nhu cầu nhiều lần.

Kim Hye Min đạt được mức điểm trung bình học tập 4,0 tại 1 trong những trường đại học top đầu của Hàn Quốc, đạt điểm cao trong kỳ thi tiếng Anh và đã từng làm thực tập sinh tại Samsung và AT Kearney Inc. Tuy nhiên, cô gặp thất bại trong cả 20 lần đi xin việc. 

Kim đang theo học 1 lớp tiếng Trung để có thể nâng cao cơ hội gia nhập vào tầng lớp lao động ưu tú nhất của Hàn Quốc. Kim cho biết cô đã học hành rất chăm chỉ và tất cả mọi thứ đều đang đi đúng trình tự. Tuy nhiên, có rất nhiều người cũng đã làm như vậy. 

Ở Hàn Quốc, cứ 4 học sinh trung học thì có tới 3 người vào đại học với tham vọng có được việc làm thu nhập cao trong các chaebol (tập đoàn nhà nước). Do đó, số lượng lao động tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc đã vượt quá nhu cầu. 30 công ty lớn nhất Hàn Quốc chỉ tuyển dụng thêm 260.000 lao động trong năm ngoái, bỏ lại 60.000 lao động khác. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 7,3% trong tháng 7, cao gấp đôi so với mức trung bình của cả nước. 

Cơn sốt bằng cấp

Theo Sung Tae Yoon, giáo sư kinh tế tại đại học Yonsei, đây là cái giá mà Hàn Quốc phải trả cho cơn sốt giáo dục. Vấn đề không phải là Hàn Quốc đang thiếu việc làm mà là thiếu hụt lao động chất lượng cao và những người đi tìm việc thiếu linh hoạt không muốn xem xét các lựa chọn khác ngoài các tập đoàn lớn.

Học sinh Hàn Quốc buộc phải dành hơn 12 tiếng trong 1 ngày học tập để có thể đỗ vào 1 trong các trường đại học hàng đầu như Yonsei. Những tập đoàn lớn như Huyndai hay Samsung đều dành ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp từ các trường này. 

Trong khi ngày càng có nhiều người trẻ đạt được thành công trên con đường học vấn, top 30 doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á chỉ cần đến lực lượng lao động tương đương với 6,8% tổng số lao động. 

Thêm vào đó, rất nhiều người không thể tìm được việc làm thậm chí còn không xuất hiện trong số liệu thống kê về thất nghiệp. 1/4 trong số những người tốt nghiệp đại học dưới 30 tuổi đang được xếp vào nhóm “Neets” --  những người đang không tham gia chương trình giáo dục hoặc đào tạo nào những cũng không có việc làm. Đây là nhóm không được thống kê trong dữ liệu về thất nghiệp. 

Theo ước tính của Lee Joon Hyup, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hyundai, tỷ lệ thất nghiệp thực sự trong giới trẻ Hàn Quốc (những người ở độ tuổi từ 15 đến 29) cao hơn nhiều, lên đến 22%. 

Trong khi đó, tỷ lệ ở Singapore là 0,8% và ở Mỹ là 17%. Theo Tổng thống Lee, việc học đại học 1 cách tràn lan đã làm trầm trọng thêm gánh nặng đối với hệ thống giáo dục tư nhân cũng như tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Theo ông, đây là 1 tổn thất khổng lồ với không chỉ các hộ gia đình mà là với toàn đất nước. 

Năm 2008, gần 84% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đỗ vào đại học. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 34 nước thành viên của Tổ chức các nước phát triển (OECD). Trong khi đó, tình hình hoàn toàn trái ngược ở Mỹ, nơi có 68% học sinh tốt nghiệp cấp 3 vào đại học với triển vọng việc làm sáng sủa hơn và lương cao hơn. 

Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ trong độ tuổi từ 25 trở lên và có bằng cử nhân hoặc cao hơn là 4,5% trong tháng 8, thấp hơn so với tỷ lệ 8,4% của những người tốt nghiệp cấp 3. Mức chênh lệch đã tăng gấp đôi trong vòng 30 năm qua, theo 1 nghiên cứu mới đây của chi nhánh Fed tại Cleveland. 

Giải pháp của Chính phủ

Chính phủ đã có phản ứng ngược lại hoàn toàn so với chủ trương được thực hiện vài thập kỷ gần đây với mong muốn nâng cao sức cạnh tranh của giáo dục Hàn Quốc và biến nước này thành quốc gia hàng đầu trên thế giới về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Lee Myung Bak đã đưa ra thông điệp mới cho các học sinh trung học: hãy bỏ qua đại học và đi làm. 

Để khuyến khích các công ty tuyển dụng lao động tốt nghiệp cấp 3, tháng 9/2011, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng mức thuế ưu đãi lên đến 20 triệu won (tương đương 17.776 USD) cho mỗi lao động mà các công ty tuyển thêm. Các trung tâm tư vấn việc làm cũng giúp người trẻ khám phá các cơ hội khác ngoài việc vào trường đại học. Nguồn vốn rót vào các trường dạy nghề cũng tăng lên. 

Những nỗ lực của chính phủ đang bắt đầu phát huy tác dụng. Trong nửa đầu năm 2012, so với cùng kỳ năm ngoái, các ngân hàng đã tăng gần gấp 3 số lượng nhân viên có trình độ tốt nghiệp cấp 3. Các ngân hàng trực thuộc nhà nước như Woori Bank, Korea Development Bank và Industrial Bank of Korea cũng đã tăng gấp đôi chỉ tiêu đối với nhóm này.  

Kim Ye Bin, 18 tuổi, là 1 trong số những người được hưởng lợi từ chính sách của tổng thống Lee. Sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề Yeosu, cô đã có được 1 công việc tại công ty quản lý tài sản Korea Asset Management Corp. thông qua chương trình tuyển dụng đặc biệt. Cô được đào tạo nghiệp vụ cung cấp dịch vụ tư vấn cho các gia đình thu nhập thấp với mức xếp hạng tín nhiệm thấp. 

Kim Ye Bin cho biết cô đã quyết định tìm việc trước sau khi thông tin cho thấy rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm.  Tuy nhiên, cô vẫn lo lắng con đường tiến thân trong tương lai sẽ bị chậm lại trong xã hội ngập tràn bằng đại học như hiện nay. 

Và, để thành công, chính phủ Hàn Quốc sẽ phải dẹp bỏ văn hóa coi trọng bằng cấp của xã hội. Năm ngoái, các gia đình đã chi 20,1 nghìn tỷ won thuê gia sư cho con cái để có thể tăng cơ hội đỗ vào các trường đại học top đầu.  

Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành giật việc làm tại các công ty top đầu là kết quả của Hàn Quốc đã lệ thuộc vào các tập đoàn nhà nước trong 1 thời gian quá dài. 

Các chaebol đã tìm ra cách tạo ra lợi nhuận mà không cần thuê nhiều nhân công bằng cách tạo thế độc quyền khiến các doanh nghiệp nhỏ không có cơ hội tăng trưởng.  Sự dư thừa lao động đã tốt nghiệp đại học là 1 vấn đề mang tính chất cấu trúc và Hàn Quốc cần đến nhiều chính sách phức tạp để có thể giải quyết triệt để. 

Tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Hàn Quốc là hậu quả kết hợp giữa kỳ vọng quá cao của sinh viên và thiếu hụt các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tháng trước, các nhà làm luật thuộc đảng New Frontier đã đệ trình lên quốc hội yêu cầu giới hạn quyền lực của các tập đoàn gia đình để có thể phân bổ lại nguồn vốn 1 cách hợp lý hơn. 

Trong khi đó, những sinh viên đã tốt nghiệp đại học như Kim Hye Min sẽ phải rất cố gắng để tìm được chỗ trong các công ty hàng đầu hoặc phải chấp nhận bắt đầu ở những công ty nhỏ hơn. 1 cuộc khảo sát được thực hiện năm 2010 cho thấy 40% sinh viên cho biết họ sẵn sàng thất nghiệp 1 năm chứ không muốn làm công việc lương thấp. 

Mức lương trung bình cho người mới ra trường tại các công ty lớn là 34,6 triệu won, cao hơn 54% so với tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Tháng này, các công ty Hàn Quốc đang bước vào đợt tuyển dụng thứ 2 trong năm và Kim Hye Min đang nộp đơn vào chính 20 công ty đã từ chối cô hồi mùa xuân, hy vọng những kỹ năng về tiếng Trung sẽ là 1 lợi thế. 

“Tôi thà thất nghiệp với 1 tấm bằng đại học còn hơn là có việc làm chỉ với bằng tốt nghiệp cấp 3. Tôi không muốn mọi người nghĩ tôi có trình độ thấp. Bằng cấp thể hiện sự chăm chỉ và tôi hi vọng cuối cùng sẽ được đền đáp”. Kim cho biết. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên