MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn Basel: Các ngân hàng cần nhiều hay ít vốn?

17-11-2012 - 17:59 PM | Tài chính quốc tế

Các ngân hàng đã đúng khi cho rằng nguồn vốn lớn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn mà các nhà quản lý yêu cầu không lớn đến mức họ không thể đáp ứng được.

Năm 2009, Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) là ngân hàng lớn nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 2.400 tỷ bảng (tương đương 3.500 tỷ USD). Sau đó, ngân hàng này bị lỗ 8 tỷ bảng (tương đương 0,3% tổng tài sản). RBS và các nhà quản lý của ngân hàng này đã để cho thước đo đơn giản nhất đo lường sức mạnh bảng cân đối kế toán của ngân hàng này -  tỷ lệ nguồn vốn/tổng tài sản – xuống mức dưới 1%. Các ngân hàng khác cũng ở trong tình trạng tương tự.

Đứng trước tình trạng này, các nhà quản lý muốn các ngân hàng có nhiều vốn hơn. Trong khi đó, các ngân hàng lại cảnh báo những luật lệ mới có thể ảnh hưởng đến tín dụng và do đó là không xác đáng và phù hợp. Vậy thì, ai là người đúng trong cuộc tranh luận này? Hãy nhìn vào lịch sử để xem xét điều đó. 

Trước hết, nguồn vốn lớn có thể mang lại cả những điều tích cực và tiêu cực. Hãy bắt đầu từ điều tích cực. Nguồn vốn là 1 trong 3 nguồn tài trợ chính của các ngân hàng. Các nguồn vốn này được phân bổ vào rất nhiều loại tài sản khác nhau. Tuy nhiên, tài sản ẩn chứa rủi ro và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng nếu như giá trị của chúng giảm xuống. Do đó, nguồn vốn cũng phải giảm xuống để đảm bảo cân bằng. Nguồn vốn đảm bảo nợ và tiền gửi được bảo vệ. Nguồn vốn càng lớn, khả năng chống đỡ rủi ro càng tăng lên. 
 
Tuy nhiên, nguồn vốn cũng đem lại những tác động tiêu cực. Hãy lấy các ngân hàng của Đan Mạch làm ví dụ. Thời kỳ giữa thế kỷ 19, tỷ lệ vốn trung bình của các ngân hàng này là 75%. Các ngân hàng này chủ yếu được tài trợ bằng vốn và có thể cung cấp các khoản vay lớn. Tuy nhiên, họ lại bị hạn chế khả năng trong việc tiếp nhận tiền gửi. 

Biến tiền gửi ngắn hạn thành nợ dài hạn là một trong những lý do chính để các ngân hàng tồn tại. Ngân hàng giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu khi họ có thể rút tiền gửi ra bất cứ lúc nào trong khi vẫn có thể có khoản vay thế chấp kéo dài tới 25 năm. 

Kể cả khi tỷ lệ vốn ở mức thấp hơn, ngân hàng vẫn phải chịu tác động tiêu cực. Mặc dù nhiều vốn hơn có nghĩa là ngân hàng an toàn hơn và có thể giảm chi phí nợ, chi phí vốn vẫn ở mức cao. Hơn nữa, các khoản nợ thường được ưu đãi về thuế, đặc biệt là đối với các khoản trả lãi. Đây cũng chính là lý do tại sao các doanh nghiệp ưa thích đi vay hơn và tài trợ bằng vốn. 

Do đó, các quyết định về tỷ lệ vốn phải được đưa ra dựa trên sự cân bằng giữa các tác động tích cực và tiêu cực. Chỉ đến năm 1988, tiêu chuẩn Basel đầu tiên mới ra đời và tỷ lệ an toàn vốn mới được qui định. Trước đó, các ngân hàng tự lựa chọn tỷ lệ vốn cho riêng họ và theo thời gian tỷ lệ ấy ngày càng giảm xuống. 

Trong một nghiên cứu được 2 giáo sư Harald Benink (đến từ đại học Tilburg) và George Benston (đến từ đại học Emory) công bố năm 2005, tỷ lệ vốn/tổng tài sản trung bình của các ngân hàng tại 6 nước châu Âu trong năm 1900 là 24%. Tuy nhiên, đến năm 1992, tỷ lệ chỉ còn trên 5%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các ngân hàng Mỹ, giảm từ 55% hồi năm 1840 xuống còn 7% vào năm 1992. Điều này cũng xảy ra ở Canada. 

Lý do đầu tiên giải thích cho xu hướng này là các ngân hàng trở nên đa dạng hơn với rất nhiều vụ sáp nhập. Năm 1900, nước Anh có 188 ngân hàng và Canada có 35 ngân hàng. Chỉ trong vòng 25 năm, một nửa số ngân hàng này đã biến mất. Các ngân hàng có qui mô lớn và mở rộng hoạt động ở nhiều khu vực và không còn giới hạn ở một khu vực hoặc một ngành nghề như trước. 

Forrest Capie, giáo sư đến từ trường kinh doanh Cass và Mark Billings (đến từ trường ĐH Exeter) đã miêu tả hiệu ứng ở nước Anh như sau: do có qui mô lớn và hoạt động đa dạng, ngân hàng Midland giữ ít vốn hơn so với Martins, ngân hàng dễ bị ảnh hưởng bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Liverpool. 

Lý do thứ 2, mặc dù nước Mỹ vẫn có nhiều ngân hàng, ngành này đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng ngân hàng đổ vỡ theo sau sự sụp đổ của phố Wall năm 1929. Năm 1933, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) được thành lập để đảm bảo rằng chắc chắn người gửi tiền sẽ được hoàn trả tiền nếu như ngân hàng sụp đổ. Và, FDIC tồn tại có nghĩa là sự an toàn của người gửi tiền ít phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng. 

Hoạt động tại các ngân hàng Anh trong giai đoạn 1920 – 1970 cung cấp một cái nhìn sâu hơn. Kỷ nguyên sáp nhập ngân hàng đã kết thúc. Bảo hiểm tiền gửi cũng không tồn tại. Do đó, các ngân hàng dựa vào vốn của chính họ để tự vệ. Chính sách thuế cũng khá ổn định. 

Tuy nhiên, tỷ lệ vốn của các ngân hàng lại bị giảm xuống bởi 2 nguyên nhân chính: chiến tranh thế giới thứ 2 buộc chính phủ Anh phải đi vay nhiều hơn. Họ phát hành nợ và các ngân hàng mua chúng. Để chính phủ có thể đi vay dễ dàng hơn, các ngân hàng và rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bị cấm không được phát hành vốn mới. Với lượng tài sản tăng lên trong khi lượng vốn không được phép tăng, tỷ lệ vốn/tổng tài sản giảm xuống chỉ còn khoảng 2,5%. 

Các ngân hàng cũng có những biện pháp đối phó. Họ vận động hành lang để được phép phát hành vốn. Họ giữ lại lợi nhuận và lập những quỹ bí mật. 2 giáo sư Capie và Billings chỉ ra rằng nguồn vốn thực sự của các ngân hàng thường cao gấp đôi so với nguồn vốn được công bố. Do đó, tỷ lệ có thể ở mức 5%. 

Trong khi đó, chuẩn Basel 3 mới được đưa ra qui định tỷ lệ an toàn vốn sau khi đã điều chỉnh rui ro của các ngân hàng phải là 7%. Qui đổi sang tỷ lệ vốn/tài sản, con số chỉ là 3,5% - thấp hơn so với tỷ lệ các ngân hàng vẫn đang duy trì trước khi có Basel. 

Lịch sử cũng cho thấy các luật lệ sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đúng là thời điểm tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trùng với những năm nguồn vốn ở mức thấp nhất. Từ năm 1880 đến 1914, tỷ lệ vốn trung bình của các ngân hàng Anh và Mỹ là 17,3%. Cùng giai đoạn đó, tài sản của các ngân hàng tăng từ 30% GDP lên tới 80% GDP ở Mỹ và từ 31% lên 51% ở Anh. Tuy nhiên, khi đó các ngân hàng vẫn có lượng vốn lớn hơn so với mức mà Basel yêu cầu.

Các ngân hàng đã đúng khi cho rằng nguồn vốn lớn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn mà các nhà quản lý yêu cầu không lớn đến mức họ không thể đáp ứng được. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên