MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cốc Khai Lai - Một góc nhìn khác

18-12-2012 - 15:52 PM | Tài chính quốc tế

Có chủ ý hay không, Cốc Khai Lai đã thay đổi toàn bộ chính trường Trung Quốc.

Cốc Khai Lai là 1 nữ luật sư thành đạt có chồng là một trong những “ngôi sao đang lên” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, khi bà bắt đầu sử dụng tên tiếng Anh Horus – nữ thần chiến tranh trong thần thoại Ai Cập – trên tấm danh thiếp cá nhân, đây là 1 quyết định khá lạ kỳ. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta bất chợt nhận ra tên gọi ấy phù hợp 1 cách đáng ngạc nhiên: trong năm 2012, bà Cốc chính là “diễn viên chính” trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ của Bắc Kinh.

Gu Kailai©Writer Pictures
Đã có nhiều bài báo viết về Cốc Khai Lai – người phụ nữ hiện đang bị giam trong tù với tội danh ám sát 1 doanh nhân người Anh. Tuy nhiên, bài báo này sẽ kể lại câu chuyện theo 1 hướng hoàn toàn khác biệt. Ảnh hưởng của bà Cốc đến tương lai của chính trị Trung Quốc khiến bà trở thành một trong những phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2012. 

Sinh năm 1958 trong 1 gia đình cách mạng, bà Cốc lớn lên trong bối cảnh của cuộc cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Bà đã từng bị gửi tới vùng nông thôn, làm những công việc như thợ nề hay giúp việc trong cửa hàng thịt lợn. Tại đây, bà có biệt danh “một lát” vì thái thịt rất chính xác. Bà chơi pipa – loại nhạc cụ 4 dây – và sau đó tham gia vào dàn nhạc giao hưởng Bắc Kinh. Đây cũng chính là con đường giúp bà thoát khỏi vùng nông thôn. 

Học xong cấp 3, bà Cốc trúng tuyển vào đại học Bắc Kinh – nơi bà gặp người chồng tương lai Bạc Hy Lai. Cũng giống như Cốc Khai Lai, Bạc Hy Lai sinh ra trong 1 gia đình chính trị. Những người bạn quen biết với 2 người mô tả họ không ngừng theo đuổi quyền lực. Giữa những năm 1980, 2 người kết hôn và đến năm 1987 thì sinh ra người con trai Bạc Qua Qua.

Năm 1995, Cốc Khai Lai thành lập hãng luật riêng mang tên Bắc Kinh Khai Lai (Beijing Kailai). Đây là hãng luật đầu tiên ở Trung Quốc được đặt tên theo 1 người phụ nữ. Trong thời gian này, bà có đóng 1 vai trong vở kịch opera được trình chiếu trên TV. Bà đóng vai luật sư giúp 1 khách hàng người Trung Quốc giành chiến thắng tại toàn án Mỹ. Các bức ảnh thời kỳ đó cho thấy hình ảnh 1 người phụ nữ cân đối với gò má cao và nụ cười chiến thắng. Marion Wynne, một luật sư người Mỹ đã từng làm việc với bà, nhớ lại rằng Cốc Khai Lai là 1 người rất duyên dáng và vui tính. 

Bà cũng đã từng viết 1 cuốn sách có nhan đề “Uphold Justice in America”. Đến nay, khi đọc lại cuốn sách này, nhiều người có thể ngạc nhiên vì nhiều đoạn giống như lời tiên đoán. Cuốn sách có đoạn viết: không quan trọng bạn là chuột trắng hay chuột đen. Miễn là mèo không bắt được bạn, bạn là 1 con chuột tốt. Chỉ khi bạn chiến thắng, bạn có thể tránh được việc bị đổ lỗi.” 

Có lẽ, khi viết nên những câu này, bà Cốc không bao giờ tưởng tượng ra 1 ngày bà lại là người thua cuộc. Cho đến tận đầu năm 2012, gia đình nhà họ Bạc vẫn đang “lên như diều gặp gió”. Ông Bạc đang là lãnh đạo của Đại Liên – thành phố miền biển rộng lớn ở Đông Bắc – và con đường thành công đang rộng mở. 

Tuy nhiên, cũng chính Đại Liên là nơi mà vợ chồng nhà họ Bạc đã gặp gỡ và có mối quan hệ thân thiết với doanh nhân người Anh Neil Heywood. Heywood đã dang tay giúp đỡ gia đình này khi Cốc Khai Lai và con trai Qua Qua chuyển đến nước Anh. Chính Heywood  là người đã giúp Qua Qua học tiếng Anh và trông chừng cậu khi theo học tại Harrow và Oxford.

Năm 2008, Heywood giúp bà Cốc liên lạc với bảo tàng nước Anh và bà trở thành người bảo trợ của bảo tàng này ở Trung Quốc. Một người đã gặp gỡ bà Cốc trong thời gian này mô tả Cốc Khai Lai mặc những bộ quần áo đắt tiền và là 1 quý bà giàu có tài giỏi.

Gu at her trial, August 2012
Quay trở lại Trung Quốc, Bạc Hy Lai được bổ nhiệm vào chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2007. Do thực hiện những chiến dịch nhằm "hồi sinh" các bài hát và khẩu hiệu từ thời Mao Trạch Đông đồng thời đẩy mạnh chống tham nhũng nhắm vào các kẻ thù chính trị, Bạc Hy Lai trở thành 1 hiện tượng trên chính trường Trung Quốc. 

Tuy nhiên, 1 cuộc điều tra tham nhũng nội bộ đã được mở ra đối với Cốc Khai Lai. Và, đây mới chỉ là mở đầu của tấm thảm kịch. Cốc Khai Lai suy sụp và thậm chí phải nhờ tới các biện pháp điều trị tâm lý.  

Cho đến nay, lý do chính xác khiến Cốc Khai Lai coi Heywood là 1 mối đe dọa vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Cốc Khai Lai và  Heywood đã có những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế. Bà Cốc tin rằng Heywood là mối đe dọa đối với Qua Qua. Sau khi mời Heywood đến Trùng Khánh và trải qua 2 tiếng đồng hồ ăn tối và uống rượu trong phòng khách sạn, Cốc Khai Lai chuốc cho Heywood say và sau đó hãm hại doanh nhân người Anh bằng chất xyanua. 

Trong 1 động thái giống với những tiểu thuyết của tác giả John Grisham mà bà Cốc ưa thích, bà cùng với người phụ tá đã cố gắng che dấu tội ác bằng cách phun thuốc ngủ xung quanh căn phòng. Cảnh sát cũng bao che cho vụ án khi báo cáo với đại sứ Anh rằng Heywood chết vì uống quá nhiều rượu.

Hồi tháng 8, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin Cốc Khai Lai đã nói trước tòa rằng vụ án này gây nên tổn thất lớn cho đảng cộng sản và cả đất nước Trung Quốc. Bà phải chịu trách nhiệm và sẽ không bao giờ cảm thấy thanh thản. 

Cốc Khai Lai phải chịu tù chung thân. Tuy nhiên, ngay cả sau khi bà ở đã sau song sắt, câu chuyện vẫn được tiếp tục. Người chồng Bạc Hy Lai bị phế truất. 

Mặc dù Bạc Hy Lai đã lạm dụng quyền lực khi còn đang đương nhiệm, cú ngã ngựa của ông có nguyên nhân rất lớn từ vụ Heywood bị ám sát. Thậm chí, rất nhiều người ở Trung Quốc cho rằng vận mệnh của bà Cốc phản ánh truyền thống ở Trung Quốc: người phụ nữ thường bị đổ tội cho những lỗi lầm của người chồng. 

Lịch sử có thể củng cố lập luận này. Triều đại nhà Đường sụp đổ vì Dương Quý Phi – cung phi được Đường Minh Hoàng sủng ái và được nhiều người cho là nguyên nhân khiến nhà Đường suy vong. Dưới sức ép của binh lính, buộc Đường Minh Hoàng xử tử Dương Quý Phi, bà bị xiết cổ chết lúc 38 tuổi. Vương triều nhà Hạ cũng đi đến diệt vong bởi nhà vua mê muội nàng Muội Hỷ mà lơ là triều chính và mất nước. 

Những câu chuyện trên đây khiến người ta liên tưởng đến câu nói “hồng nhan họa thủy” – người phụ nữ đẹp là mầm mống của mọi rắc rối. Các học giả cho rằng câu nói này thể hiện quan điểm khinh bỉ đối với sức mạnh và sự hấp dẫn của người phụ nữ. Tuy nhiên, dường như tầng lớp “hồng nhan họa thủy” trong lịch sử Trung Quốc đã có thêm 1 thành viên mới. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên