MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh vào lòng tham nhà đầu tư

16-05-2014 - 11:22 AM | Tài chính quốc tế

Hoàn toàn có thể dễ dàng phát hiện ra hành vi lừa đảo, nếu khách hàng thấy bất ngờ về mức lãi suất đầu tư, mức tăng vốn…

Bernard Lawrence Madoff (SN 29/4/1938) - một doanh nhân người Mỹ - nguyên là Chủ tịch của Sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ. Ông sáng lập hãng Bernard L. Madoff Investment Securities LLC ở Phố Wall vào năm 1960 và là chủ tịch hãng này đến ngày 11/12/2008. Không thể bàn cãi về tài năng của ông, nếu không có vụ bắt và buộc tội gian lận tài chính liên quan đến sử dụng hình thức “tháp Ponzi” với vị này.

Madoff đã bị kết tội 150 năm tù giam khi lừa đảo một số tiền rất lớn thông qua công ty đầu tư chứng khoán do chính ông sáng lập. Tổng thiệt hại lên đến 65 tỷ USD, nhiều nhất trong lịch sử của nước Mỹ.

Annette Bongiorno là nhân viên của Madoff và cũng là bị cáo trong phiên xét xử vụ án lừa đảo nói trên. Mặc dù làm việc với Madoff gần 40 năm, nhưng Bongiorno đã từ chối nhận tội. Bà cho rằng, mình không làm gì sai.

Bởi, bà tin công việc kinh doanh của Madoff là hoàn toàn hợp pháp và khẳng định không hiểu các khái niệm tài chính của “tháp Ponzi”, chứng khoán tài sản, chỉ số Standard & Poor’s 500, hay là sự sụp đổ của Lehman Brothers lúc đương thời.

Tuy nhiên, phía công tố vẫn giữ quan điểm Bongiorno đã dùng các khoản tiền gian lận phục vụ cuộc sống xa hoa, bao gồm xe Bentley và kế hoạch để mua lại các căn hộ siêu cao cấp ở Boca Raton, Floria với giá 6,5 triệu USD/căn.

Nguy hiểm hơn, nạn nhân “chính sách Ponzi” của Madoff không chỉ tồn tại đơn lẻ, tách rời. Qua số liệu thống kê, mỗi năm, có khoảng 30 triệu khách hàng là nạn nhân của kiểu lừa đảo đầu tư này. Số tiền trung bình bị mất của nhà đầu tư là 15.000 USD, với một số cá nhân có thể mất đến hàng triệu USD.

Vậy, tháp Ponzi là gì? Hình thức hoạt động của nó ra sao?

Charles Ponzi thực chất là một người nhập cư vào Mỹ những năm 1920 của thế kỷ trước, nhưng chưa bao giờ được công nhận là một công dân Mỹ. Với hình thức bán hàng đa cấp (Pyramid Scheme), khái niệm “Ponzi Scheme” được đặt theo tên của Charles Ponzi là một hình thức lừa đảo rất nổi tiếng.

Ponzi đã từng hứa rằng sẽ đạt được lợi tức đến 50% trong vòng 45 ngày, thực chất là một hình thức lừa đảo. Vì, toàn bộ số tiền trả cho người tham gia trước được trích ra khi một thành viên mới tham gia vào hệ thống. Cuối cùng, hệ thống này sụp đổ cùng với 5 ngân hàng bị phá sản, những ngân hàng khác ít nhất cũng bị thiệt hại 30% tổng tài sản. Ước tính, 20 triệu USD đã bốc hơi…

Câu hỏi đặt ra là tại sao những người đầu tư này lại sập bẫy? Thậm chí, trong một thời gian rất dài, một cách rất tự nhiên, các nhà đầu tư này không mảy may có bất cứ nghi ngờ nào? Lãi suất cao cùng với hạch toán tài chính dường như hợp pháp đã qua mặt được nhà chức trách trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, cuối cùng thì mọi việc đều vỡ lở, khi cơ quan điều tra chứng minh được 734 trường hợp lừa đảo đầu tư vào năm 2012.

Nêu câu chuyện về Madoff để liên tưởng đến việc vỡ nợ của các chủ hụi tại Việt Nam. Nó cũng đang có những quy trình lừa đảo khá giống nhau với một hình thức đơn giản hóa tiến trình. Qua lãi suất hấp dẫn, họ vẽ ra một tương lai đẹp đẽ và lộng lẫy. Madoff cũng như các chủ hụi của Việt Nam dễ dàng đánh vào lòng tham của những người có tiền đầu tư.

Với việc ban đầu thấy sự uy tín về việc giao tiền lời đúng và đủ, những nhà đầu tư này ngày một nhúng sâu và sẵn sàng vay mượn để có thể đầu tư vào nơi mà họ nghĩ là con gà đẻ trứng vàng.

Theo một số nhà chức trách, mặc dầu có thể phạm pháp nhưng rất nhiều người vẫn chơi và cho vay thêm, bởi sự khôn khéo của người lừa đảo khiến khách hàng luôn tin tưởng. Điều này dẫn đến những vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng, nhưng người thua thiệt không làm gì được.

Bởi, đây là hoạt động không được Nhà nước bảo trợ. Trên thực tế, còn nhiều trường hợp lừa đảo trong việc đầu tư tài chính diễn ra hàng ngày, mà đa phần trong đó dính líu đến việc đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.

Không nói đâu xa, những công ty kinh doanh đa cấp trong thị trường Việt Nam cũng như ở châu Á ngày càng nhiều và biến dạng. Những loại đầu tư Pyramid Skim này đã bị cấm tuyệt đối ở châu Mỹ và châu Âu. Nhưng những công ty bán hàng đa cấp lợi dùng lòng tin và thúc đẩy khách hàng bằng cách mượn khách hàng của họ làm những công việc gần như sales và tiếp thị mà không phải trả một đồng lương nào. Thậm chí, khách hàng còn phải đóng thêm tiền cũng như lấy hàng của công ty đi bán.

Với những hình thức này, theo giới chuyên môn, có bị lừa hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư cũng như khách hàng. Họ có đủ tỉnh táo và thông tin để kịp thời phát hiện ra, cũng như không bị sập bẫy của những nhà đầu tư không chính thống hay không? Hoàn toàn có thể dễ dàng phát hiện ra hành vi lừa đảo, nếu khách hàng thấy bất ngờ về mức lãi suất đầu tư, mức tăng vốn…

Theo Lâm Anh

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên