MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đô thị Trung Quốc tái sinh: "Mặt trận kinh tế mới'

20-01-2014 - 16:07 PM | Tài chính quốc tế

Phật Sơn là ví dụ xác đáng nhất về những “mặt trận kinh tế” đang nổi lên ở Trung Quốc.

Số phận đợt cải cách lớn nhất trong 1 thập kỷ qua của Trung Quốc sẽ được quyết định bởi các địa phương. Economist sẽ phân tích đặc điểm của các địa phương, bài thứ nhất tập trung vào những thành phố sầm uất ở vùng duyên hải, bài thứ hai nói về các thành phố kém phát triển hơn trong đất liền. 

Phật Sơn vẫn tự hào là thành phố có chợ nội thất lớn nhất thế giới với đủ loại mặt hàng. Bước vào cửa hàng lớn nhất mang tên “Louvre”, bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì, từ phong cách cổ điển đến hiện đại. 

Chợ đồ nội thất ở Phật Sơn có diện tích hơn 3 triệu m2 và là biểu tượng cho sức mạnh sản xuất của thành phố có dân số 7 triệu người nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Đông. Có thể coi Phật Sơn là một “quần đảo” tụ họp nhiều ngành sản xuất, từ đồ nội thất, dệt may, thiết bị phụ tùng, gạch men … cho tới những máy móc thiết bị cần thiết để sản xuất nên những sản phẩm này.

Phật Sơn cũng là nơi đóng đô của nhiều doanh nghiệp tư nhân thành công nhất Trung Quốc, ví dụ như Midea - nhà sản xuất đồ gia dụng có doanh thu 16 tỷ USD trong năm 2012.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Trung Quốc sẽ không thể vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, không thể chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ và nguồn vốn dồi dào sang nền kinh tế trình độ cao với nhân công lành nghề và tăng sản lượng. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý: không một nền kinh tế nào (huống hồ là với quy mô khổng lồ như Trung Quốc) có thể hoàn toàn chuyển từ mô hình kinh tế này sang mô hình kinh tế khác. Luôn luôn có tình trạng chênh lệch giữa các vùng. 

Trong trường hợp của Trung Quốc, trong khi những tỉnh như Cam Túc (nằm ở vùng Tây Bắc) vẫn đang chật vật với các mỏ khoáng sản chịu sự quản lý của nhà nước, nhiều vùng khác của Trung Quốc đã có mức thu nhập khá cao. Ví dụ, GDP bình quân đầu người của Phật Sơn ở mức gần 15.000 USD trong năm 2012, cao hơn cả một số nước thuộc Liên minh châu Âu. 

Phật Sơn là ví dụ xác đáng nhất về những “mặt trận kinh tế” đang nổi lên ở Trung Quốc. Với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu từ Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, Viện nghiên cứu toàn cầu FGI đang nghiên cứu về Phật Sơn để dự đoán về tương lai của Trung Quốc. 

Không giống như các đô thị ở gần Thâm Quyến, Phật Sơn chưa bao giờ là một đặc khu kinh tế. Cũng không giống với vùng lân cận Quảng Châu, đây không phải là thủ phủ của một tỉnh. Tuy nhiên, Phật Sơn cũng phải chịu đựng những “vết thương” đang ngày càng lớn dần của kinh tế Trung Quốc. 

Thiếu dầu mỏ và than đá, Phật Sơn ở trong tình trạng thiếu điện. Thành phố này cũng ô nhiễm nặng và nợ nhiều: chính quyền thành phố sử dụng 47% nguồn thu thuế cho các nghĩa vụ nợ. Lương thì đang tăng lên, nguồn đất dần cạn kiệt và tăng trưởng cũng suy giảm. 

Kết thúc Hội nghị TW 3, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vạch ra những cải cách mạnh mẽ nhất trong 1 thập kỷ. Các nhà kinh tế chào đón kế hoạch này nhưng cũng lo ngại quá trình cải cách sẽ thất bại. 
Tuy nhiên, một số cải cách đã và đang được thực hiện ở Phật Sơn. Hội nghị TW3 cho rằng thị trường sẽ là đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực. Đây là điều đã có ở Phật Sơn. 


Đầu những năm 1990, quận Shunde đi tiên phong bán các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn cho nhà đầu tư bên ngoài. Giờ đây, trung bình 20 người dân Phật Sơn có một doanh nghiệp tư nhân. 
Trung Quốc cũng đang kêu gọi vốn tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong các dự án đầu tư công về cơ sở hạ tầng. Ở Phật Sơn, trong 9 năm qua, chính quyền đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hơn 500 dự án, trong đó có cả dự án điện, nước và xử lý rác thải. Số lượng cơ quan hành chính cũng giảm từ 41 xuống chỉ còn 16. 

Cải cách ruộng đất là một phần của kế hoạch cải cách lần này và đây cũng là điều mà Phật Sơn đã làm từ lâu. Trong những năm 1980, người dân ở nông thôn đã cho các công ty thuê đất trên “thị trường chợ đen” (vì trên lý thuyết điều này không được nhà nước cho phép). Người dân Phật Sơn cũng được lợi từ quá trình công nghiệp hóa. Theo FGI, đến năm 2010, trung bình mỗi người dân Phật Sơn sở hữu tài sản trị giá gần 50.000 USD.

Liệu những thành tựu của Phật Sơn có giúp nhân rộng cải cách trên toàn quốc? Đôi lúc, những bài học bị “tam sao thất bản”. Việc bán các doanh nghiệp nhà nước là 1 ví dụ. Trong khi Phật Sơn bán các doanh nghiệp sinh lời trước và bán doanh nghiệp thua lỗ sau, chính phủ Trung Quốc lại bán doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và giữ quyền kiểm soát các doanh nghiệp có lãi, chần chừ không muốn cải cách. 

Bộ máy hành chính của Phật Sơn cũng khá đặc biệt. Cho đến năm 2002, hai quận Shunde và Nanhai vẫn là những quận thu được nhiều ngân sách hơn so với cả thành phố. Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, Shunde xây dựng trường bách khoa với khoảng 11.000 sinh viên đang theo học. Bằng cấp của trường này không được Bộ Giáo dục thừa nhận nhưng được đánh giá cao bởi các công ty ở Phật Sơn. Một sinh viên mới tốt nghiệp với kỹ năng tốt có thể nhận mức lương lên tới 990 USD/tháng. Chất lượng lao động luôn luôn được cải thiện. 

Dẫu vậy, Phật Sơn cũng gặp phải những vấn đề đang khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu. Khi quá nhiều ngành sản xuất tập trung ở một chỗ, tình trạng ô nhiễm cũng xuất hiện. Phật Sơn đang cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. 

Duy trì và nhân rộng thành công của Phật Sơn là điều không hề dễ dàng. Khắp lãnh thổ Trung Quốc được điểm xuyết bởi những khu tập trung nhiều doanh nghiệp và trở nên sầm uất với chính quyền địa phương đầy tham vọng đứng đằng sau. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đều thành công.

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên