MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường vào châu Âu qua Bắc Cực của dân di cư Syria

17-09-2015 - 08:46 AM | Tài chính quốc tế

Con đường đi đến nơi mà người di cư cho là thiên đường trải qua vô vàn gian khó...

Để đến được châu Âu, nơi đang được nhiều người di cư Syria coi như thiên đường, có hai cách chính: trả tiền cho các chuyến vượt biển qua Địa Trung Hải, hoặc chui vào những chiếc xe tải ngột ngạt chạy khắp châu Âu.

Và mới đây người di cư đã tìm ra cách thứ ba, đó là đến châu Âu bằng cách đi ngược lên Bắc Cực.

Lấy đêm làm ngày

Thành phố cảng Zuwara miền Bắc Lybia những năm gần đây trở nên rất nổi tiếng. Nó là nơi ra đi của hàng triệu con người mang hy vọng thoát khỏi đói nghèo, chiến tranh để đổi đời.

Cùng giáp biển Địa Trung Hải, nhưng cuộc sống quá đối lập giữa một bên là thế giới các nước thuộc thế giới thứ ba và bên kia là những nền kinh tế giàu có với chất lượng sống tốt nhất thế giới.

Bài báo trên tờ The Guardian mô tả, dọc bờ biển Zuwara là hàng chục chiếc tàu dài 17-18 m, nhác trông cũng giống như các tàu đánh cá khác, nhưng thực tế chúng chính là những cỗ máy in tiền.

Màn đêm buông xuống trên bến cảng Zuwara, một chiếc tàu gỗ màu xanh lặng lẽ rời đi. Hai ngư dân chỉ vào tàu và nói: “Trên tàu kia có ít nhất 200 người”.

Con tàu hướng thẳng sang phía bên kia bờ Địa Trung Hải, nơi mang tới hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người di cư.

Trước đó không lâu, Liên minh Châu Âu (EU) đã từng tuyên bố sẽ tấn công vào những kẻ buôn người ở tất cả các khu vực, trong đó có thành phố cảng Zuwara. Họ khẳng định sẽ phá hủy tất cả những con tàu dùng để chở người sang châu Âu trước khi nó được đưa vào sử dụng.

Thế nhưng không dễ làm được việc đó, bởi tất cả các tàu chở người sang châu Âu ban đầu đều là tàu cá, được chuyển đổi công năng lúc nào tùy theo ý thích của chủ nhân, được neo xen lẫn trong tất cả những chiếc tàu cá ở cảng. Chính vì vậy nếu muốn phá hủy tàu buôn người, máy bay quân sự của châu Âu chỉ có cách san phẳng các bến cảng.

Số lượng những chiếc tàu cá bị ngầm chuyển đổi công năng thành tàu chở người nhiều đến nỗi, những năm gần đây giá cá tại Lybia đắt hẳn lên, vì ít còn ai muốn ra khơi để kiếm số tiền bán cá ít ỏi nữa. Ngư dân kiếm bộn tiền nhờ việc đứng tên mua tàu rồi bán lại cho những kẻ chuyên bán suất sang châu Âu.

Ở vùng đất này, chẳng có ai chuyên làm nghề buôn người cả. Bất kỳ ai nếu thích đơn giản chỉ cần về bán nhà đi, mua tàu, tuyển lấy một lái tàu và nếu may mắn mỉm cười, chỉ cần đến chuyến tàu thứ hai thôi là người đó đã kiếm đủ số tiền mua một căn nhà khác.

Số phận mong manh

Theo WSJ, con số hàng nghìn người bỏ mạng trong những chuyến đi sang châu Âu không khiến cho những người mang ý định nhập cảnh vào châu Âu chùn bước.

Viễn cảnh một tương lai hưởng trợ cấp xã hội, được sống trong cuộc sống hòa bình với chất lượng đời sống cao của các nước phát triển khiến họ bất chấp đánh cược cả tài sản và tính mạng của mình vào các chuyến vượt biển.

Để tìm đến được với những kẻ buôn người, người di cư phải đi quãng đường rất dài, rất xa, và có nhiều khi họ bỏ mạng trên đường. Năm 2014, Syria là nước có số lượng người tham gia các chuyến vượt biển đông nhất.

Để đến được các thành phố cảng ở Lybia, nơi thường tổ chức các chuyến sang châu Âu, người Syria phải đi qua Jordan, Ai Cập, vòng xuống Sudan rồi sau đó mới đi ngược lên Lybia.

Người Eritreans đứng thứ 2 trong nhóm những nước có số người vượt biển đông nhất. Họ cũng phải đi qua Sudan mới đến được Lybia. Người khu vực Tây Phi bao gồm Nigeria, Ghân và Senegalese sẽ phải đi qua Niger và Mali. Khi đến được Lybia, tất cả họ đều phải qua tay vài tay buôn người.

Con đường sang châu Âu của những người mang ý định nhập cư này theo lối này phải trải qua hai cửa tử: cửa thứ nhất là sa mạc Sahara và cửa thứ hai là biển Địa Trung Hải.

Darfurian, Mohamed Abdallah, một thanh niên trẻ người Syria đã đến được bờ biển Lybia để đón tàu sang châu Âu, nói: “Chúng tôi đã phải chịu quá nhiều khổ cực trên sa mạc. Có nhiều người đến được sa mạc thì bị lừa và buộc phải trở thành nô lệ. Có người bị bỏ lại giữa đường mặc cho chết đói chết khát. Chỉ có những ai thực sự may mắn mới đến được đây. Hai anh trai và cháu trai tôi đã chết rồi. Giờ chỉ còn lại có mình tôi’’.

Tại rất nhiều con phố trên khắp đất nước Lybia, mỗi góc phố là hàng dài người xếp hàng chờ có người gọi đi làm các công việc như quét dọn, trông giữ kho hàng, bốc vác, rửa xe. Nhiều người dù đến được cảng Lybia nhưng trước đó đã trót tiêu vào số tiền để sang châu Âu sẽ ở lại khu vực cảng, chấp nhận làm tất cả công việc tay chân mà họ có thể tìm được để tiết kiệm tiền đi châu Âu.

Đường qua Bắc Cực

Sau khi cố gắng đến được Na Uy vào tuần trước, Nemad, một giáo viên 31 tuổi người Syria, nay đã có thể phần nào yên tâm về sự an toàn của mình. Anh đã vào được Na Uy bằng đường đi xuyên qua khu vực biên giới của Nga và Na Uy ở Bắc Cực, bài viết trên tờ WSJ kể lại.

Trước đó, nỗ lực vượt qua khu vực biên giới bằng ôtô của anh đã thất bại, tài xế Nga đã không còn nhận chở người đến khu vực biên giới nữa, bởi sợ bị cảnh sát bắt vì tội buôn người.

Nemad định đi bộ đến bằng đường chính đến biên giới, nhưng khả năng này cũng không thành hiện thực bởi trạm kiểm soát biên giới chắc chắn sẽ không cho anh qua. Cuối cùng, anh quyết định mua một chiếc xe đạp với giá 150 USD và đạp băng rừng đến khu vực biên giới.

Đeo laptop trước ngực và balo trên lưng, Nemad phải mặc hai chiếc quần bò và hai áo khoác rất dày, đeo găng tay và khăn kín mặt. Ngay cả như vậy mà vẫn thấy lạnh tê tái. Anh cho biết vợ, con gái và cha mẹ anh sẽ tiếp tục đến châu Âu bằng con đường tương tự.

Khi mà ngày một nhiều nước châu Âu khép cửa biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư ồ ạt, tuyến đường vào châu Âu qua Nga đang nổi lên như một lựa chọn an toàn hơn so với việc đi qua biển Địa Trung Hải hay chui trong những chiếc xe tải bị nhồi nhét hết cỡ qua khu vực Đông Âu.

Na Uy không thuộc EU nhưng thuộc khu vực miễn visa. Cho đến nay mới có khoảng 150 người tị nạn Syria vào châu Âu thành công bằng đường này, nhưng giới chức Na Uy cho biết số lượng nói trên đang tăng nhanh từng ngày, bởi những người Syria đi trước chỉ dẫn cho người sau.

Tính từ khi cuộc chiến tại Syria bắt đầu, khoảng 5.000 người Syria đã đến Nga, nay khi nhiều người Syria đã vào được châu Âu qua đường biên giới Nga - Na Uy, thời gian tới nhiều khả năng sẽ có thêm người đi con đường tương tự để vào được châu Âu.

Theo NGỌC DIỆP

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM