MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồ sơ vụ cướp Ngân hàng Brink

09-12-2013 - 12:01 PM | Tài chính quốc tế

Gần 50 năm sau, nhân dịp Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kỷ niệm 100 năm thành lập, công chúng mới được biết về chi tiết vụ cướp ngân hàng Brink.

Khi những nhân viên ngân hàng Brink đang bận rộn với những công việc cuối cùng trong ngày, thì bất ngờ 7 tên cướp đeo mặt nạ và mang theo vũ khí xuất hiện. Chỉ trong ít phút bọn chúng đã vơ vét khoảng hơn 2,7 triệu USD ra khỏi ngân hàng rồi biến mất vào bóng đêm.

Vị trí ngân hàng Brink trên phố Prince ở Boston

Đó là câu chuyện đã xảy ra từ năm 1950 và được xem là vụ cướp ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Gần 50 năm sau, nhân dịp Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kỷ niệm 100 năm thành lập, công chúng mới được biết về chi tiết vụ cướp.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19 giờ ngày 17/1/1950, một nhóm đàn ông đeo mặt nạ, tay lăm lăm vũ khí bất ngờ đột nhập ngân hàng Brink tại số 165 phố Prince ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ). Vào thời điểm này chỉ còn một số nhân viên ở lại làm công việc kiểm kê và cất giữ số tiền giao dịch trong ngày.

Khi xuất hiện, bọn chúng chỉ nói một câu ngắn gọn và lạnh lùng “đây là nhóm cướp có vũ khí”, ngay sau đó tất cả nhân viên bị ép buộc nằm úp mặt xuống sàn, tay bị trói quặt ra phía sau và miệng bị dán băng keo. Chỉ trong ít phút bọn chúng đã nhanh chóng vơ vét hơn 1,2 triệu USD tiền mặt và rất nhiều séc, phiếu gửi tiền và chứng khoán trị giá hơn 1,5 triệu USD.

Khi bọn cướp vừa dời đi, một nhân viên của ngân hàng Brink đã gọi điện tới Sở cảnh sát Boston. Chỉ sau vài phút, cảnh sát đã có mặt ở tòa nhà ngân hàng. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, các đặc vụ của FBI đã nhanh chóng vào cuộc.

Các nhân chứng kể lại rằng, có khoảng 5 đến 7 tên cướp, hầu hết đều mặc áo khoác kiểu hải quân, đeo găng tay, đội mũ tài xế. Mặt tên nào cũng được che kín bằng mặt nạ Halloween. Trong quá trình thực hiện vụ cướp, băng cướp hầu như không nói gì. Chúng hành động nhanh chóng và di chuyển chính xác đến mức đáng ngạc nhiên.

Ngay các nhân viên ngân hàng cũng hoàn toàn không biết bằng cách nào, bọn chúng đã mở được ít nhất ba hoặc bốn cửa bị khóa để vào tầng thứ hai tòa nhà ngân hàng Brink. Họ còn cho biết thêm, băng cướp cũng lấy mất bốn khẩu súng lục. Khi cảnh sát đến hiện trường, các điều tra viên chỉ tìm thấy vài bằng chứng nhỏ.

Vụ án trở thành ưu tiên điều tra của FBI, các hoạt động nghiệp vụ được triển khai trên khắp đất nước. Chính phủ Mỹ treo thưởng trị giá 100.000 USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt và truy tố tội phạm.

Suốt quá trình điều tra, số người bị tình nghi đã được thu hẹp. Cảnh sát nghi ngờ Anthony Pino, một người nhập cư nước ngoài và nằm trong số đối tượng trộm cắp cộm cán ở Massachusetts. Tuy nhiên, Pino đưa ra một chứng cứ ngoại phạm hoàn hảo.

Theo đó, hôm ấy hắn ta ở nhà riêng tại khu Roxury ở Boston tới 19 giờ, sau đó đến quán rượu của Joseph McGinnis ở gần nhà và đã có cuộc chuyện trò với McGinnis cùng một nhân viên cảnh sát của Boston. Viên cảnh sát đã xác nhận cuộc chuyện trò này.

Joseph James O’Keefe và Stanley Albert Gusciora - hai trong số những nghi phạm được cho là trợ thủ cũng đã bị cảnh sát Boston thẩm vấn. Cả hai cùng khai là đang uống rượu vào thời điểm xảy ra vụ cướp.

Mặc dù thiếu bằng chứng và nhân chứng nhưng cảnh sát gần như tin chắc rằng O’Keefe và Pino là hai trong những nhân vật trung tâm của vụ cướp ngân hàng Brink.

Câu chuyện về vụ cướp ngân hàng Brink chỉ được biết đến khi sau nhiều điều bất mãn với đồng bọn, O’Keefe cuối cùng đã đưa ra quyết định khai báo tất cả.

Theo đó, trước khi thực hiện vụ cướp thế kỷ, các thành viên băng cướp đều thuộc lòng đường đi lối lại của ngân hàng Brink sau nhiều lần đột nhập vào đây lúc ngân hàng này đóng cửa. Bọn chúng đã phân công nhau việc cụ thể và tập dượt cách tiếp cận và tẩu thoát đến mức hoàn hảo.

Sau lời khai của O’Keefe, sáu thành viên băng cướp gồm Baker, Costa, Geagan, Maffie, McGinnis và Pino bị đặc vụ FBI bắt giữ ngày 12/1/1956. O’Keefe và Gusciora thì đang ngồi tù vì các cáo buộc khác. Banfield đã chết, còn Faherty và Richardson đã chạy trốn và bị FBI đưa vào danh sách truy nã gắt gao. Cuối cùng thì hai tên này cũng bị tóm khi đang chui lủi ở Dorchester, bang Massachusetts.

Ngày 13/1/1956, ban hội thẩm hạt Suffolk đã đưa ra cáo trạng đối với 11 thành viên băng cướp ngân hàng Brink. O’Keefe là nhân chứng chính xuất hiện trước tòa. Phần xét xử kéo dài đến tháng 10/1956, cuối cùng tòa án địa phương tuyên bố tất cả đều có tội và đều nhận án tù chung thân.

Biên bản phiên xét xử dài tới hơn 5.300 trang. Tuy đã tóm gọn toàn bộ băng cướp nhưng số tiền hơn 1 triệu USD trong tổng số 2.775.000 USD bị cướp, đã biến mất không có dấu vết.

Theo Danh Nguyễn

huongnt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên