MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi văn phòng Chủ tịch Fed phải thay thảm

31-12-2013 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

2014 sẽ là năm lãi suất đồng USD tiếp tục thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp được kéo xuống thấp hơn nữa, nhưng năm Yellen cũng sẽ là năm bắt đầu cho một chu kỳ lạm phát tăng mạnh…

Ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người quản trị đang chuẩn bị thay thảm trong căn phòng của vị Chủ tịch vì sau 31/1/2014, trong căn phòng bí hiểm và quyền lực nhất thế giới tài chính ấy, suốt 100 năm qua, lần đầu tiên có “đôi giày cao gót” dịch chuyển.

Chân dung nữ Chủ tịch tương lai của Fed

Tháng 12/2013, một cuộc thi vấn đáp cho một thí sinh được không chỉ người Mỹ, mà cả thị trường tài chính toàn cầu quan tâm, đó là bà Janet Yellen. Bà Yellen ủng hộ các chương trình mua lượng lớn trái phiếu của Fed và là một lực đẩy lớn thúc đẩy gắn chương trình kích thích của Fed với các mục tiêu về lạm phát và thất nghiệp. Những cái khoát tay của bà Janet Yellen trong phiên chất vấn dày đặc trên các mặt báo Mỹ.

Từ Bưu điện Washington, Nhật báo Phố Wall, hay New York Times đều đồng loạt chộp được những hình ảnh này, mang thông điệp rõ ràng của bà Janet là kích thích kinh tế, tăng thêm việc làm cho người dân.

"Tôi đã luôn tham vấn bà Janet ngay cả trước khi bà ấy được tổng thống đề cử và tôi cũng đã tham vấn bà ấy rất kỹ về quyết định này giảm gói nới lỏng định lượng (QE3) ngày 19/12/2013 và bà hoàn toàn ủng hộ", đương kim Chủ tịch Fed, ông Bernanke nói sau phiên họp ngày 19/12/2013.


Tại sao ai là Chủ tịch Fed cũng được quan tâm nhiều đến thế? câu trả lời rằng, đó chính là người nắm trong tay vận mệnh đồng USD - đồng tiền có khả năng ảnh hưởng đến bất cứ nhà đầu tư, bất cứ người dân nào.

Trái với dự đoán về cách trả lời nước đôi truyền thống của các quan chức Fed, bà Yellen đã thẳng thắn trả lời câu hỏi mà giới đầu tư toàn cầu đang quan tâm, đó là không có lý do gì để Fed chấm dứt QE3 đột ngột nếu bà làm Chủ tịch. Thái độ mềm mỏng, câu trả lời gãy gọn và chính xác, bà Janet Yellen đã khiến toàn thể hội đồng chấm thi kinh ngạc về khả năng ứng xử và sự quyết đoán của mình.

Trái ngược với phong cách lạnh lùng của ngài Chủ tịch đương nhiệm, bà Janet tỏ ra khá thông minh khi chọn cho mình phong cách mềm mỏng nhưng không kém phần quyết đoán. Trước đông đảo hội đồng giám khảo vốn là những chuyên gia "sừng sỏ" trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, Janet vẫn giữ cho mình một bản lĩnh thép để đối đầu với mọi câu hỏi dù là hóc búa nhất.

Phân tích kỹ hơn, tờ New York Times cho rằng, chẳng qua bà Janet sẽ vẫn tiếp tục con đường của người tiền nhiệm là ông Bernanke. Tiếp tục đóng vai “phù thủy cưỡi chổi”, ôm bọc tiền USD rải khắp nơi. Chỉ có điều chổi của bà Janet mới hơn, chắc hơn và các bọc tiền USD cũng sẽ dày hơn.

Đứng trên quan điểm những người dân thường, sau một hồi cân đo đong đếm, tờ tuần báo Bloomberg vẫn trung thành với tên gọi dành cho bà Janet. Đó là “một con diều hâu lạnh lùng nhưng có trái tim nhân ái của những chú bồ câu”.

Còn trên Phố Wall, mặc cho những ỉ eo đâu đó về chuyện một phụ nữ mà lại được nắm quyền lực tối cao của ngân hàng quyền lực nhất thế giới, những chỉ số chứng khoán dường như đã chọn là “fan” của bà Janet khi phiên vừa qua, một số chỉ số đã tăng lên mức kỷ lục. Bày tỏ trên tờ Nhật báo Phố Wall, một số nhà đầu tư hân hoan dự đoán chỉ số S&P 500 có thể tăng thêm 25% trong năm nay.

Bản lĩnh, kinh nghiệm và… hấp dẫn

Hồi đầu tháng 7/2013 hiếm khi nào Joseph Stigltiz, Paul Krugman, Greg Mankiw hay John Taylor có cùng quan điểm về một vấn đề kinh tế hay chính sách, vậy mà họ cùng lúc viết báo, blog, ký thỉnh nguyện thư và trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông nhất quán ủng hộ Janet Yellen trở thành Chủ tịch Fed thay thế cho Ben Bernanke. Vậy Janet Yellen có gì đặc biệt mà được giới kinh tế ủng hộ đến vậy?

Trước hết cần phải nói một trong những lý do quan trọng Yellen được nhiều người ủng hộ vì ứng cử viên thứ hai mà Tổng thống Obama muốn tiến cử lúc đó là Larry Summers nhưng ông bị cho là quá thân thiện với giới Wall Street.

Ngoài ra Summers có tiếng là người bộc trực, từng gặp rắc rối vì những lời phát biểu gây sốc của mình. Ở điểm này Yellen là thái cực ngược lại, luôn luôn nhẹ nhàng, cẩn trọng trong từng lời phát biểu. Để đăng một bài nghiên cứu kinh tế trên một tạp chí uy tín có thể Summers sẽ hơn Yellen, để vận hành một cơ quan với vô số mối quan hệ kinh tế lẫn chính trị phức tạp như Fed đa số đặt cược vào người phụ nữ có mái tóc bạc trắng này.

Nói vậy không có nghĩa là Yellen kém hiểu biết về kinh tế so với Summers. Trên thực tế tờ Nhật báo Phố Wall đã làm một thống kê cho thấy, hơn 10 năm qua Yellen là quan chức Fed có số lần đưa ra các dự báo kinh tế chính xác nhiều nhất. Bà là một trong số rất ít kinh tế gia dự báo được bong bóng bất động sản trong thập kỷ 2.000 ở Mỹ.

Trong khi Summers và Christina Romer đưa ra một dự báo phục hồi kinh tế đầy lạc quan năm 2009, Yellen đã nhìn thấy một tương lai ảm đạm sau cuộc khủng hoảng tài chính nên đã ủng hộ tích cực cho chính sách nới lỏng số lượng (QE) của Bernanke. Cho đến thời điểm này bà vẫn được coi là người có tư tưởng "bồ câu" nhất trong số các thành viên của Hội đồng Chính sách Tiền tệ (FOMC) của Fed.

Có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Yale, từng giảng dạy tại Harvard, LSE và Berkeley, Janet Yellen hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) của Fed. Nhiều người hy vọng rằng, sau khi Yellen lên thay Bernanke cuối tháng 1/2014, chính sách của Fed sẽ uyển chuyển hơn để vừa tiếp tục kích thích kinh tế vừa tránh được búa rìu của các nghị sĩ "diều hâu" Cộng hòa.

Nhiều khả năng QE sẽ được giữ lâu hơn, cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6% chứ không phải 6,5% như Bernanke đã hứa. Yellen cũng có thể nghe theo khuyến nghị của Oliver Blanchard, kinh tế gia trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), chấp nhận mức lạm phát mục tiêu cao hơn, khoảng 3% thay vì 2% như hiện tại. Điều này có thể sẽ giúp kinh tế Mỹ phục hồi mạnh hơn, nhưng một làn sóng thanh khoản mới có thể sẽ lại tràn vào các nước đang phát triển gây ra sức ép lạm phát như giai đoạn 2010-2012. Kinh tế Mỹ và thế giới phục hồi là một cơ hội, nhưng những nhà làm chính sách tiền tệ phải cảnh giác.

Gánh nặng trên “đôi giày cao gót”

Trong cuộc họp chính sách vừa kết thúc mới đây, các quan chức Fed đã thông báo thời gian bắt đầu thực hiện taper, nhưng với tốc độ khiêm nhường. Chương trình QE vẫn sẽ được tiếp tục, nhưng 85 tỷ USD/tháng giảm xuống còn 75 tỷ USD.

Ngay từ khi chương trình QE đầu tiên được triển khai, các nhà phê bình đã cảnh báo rằng: QE sẽ tạo nên lạm phát. Tuy nhiên, họ đã lầm. Chỉ số giá tiêu dùng của nước Mỹ đã giảm xuống trong tháng 12, khiến tỷ lệ lạm phát trong 1 năm chỉ ở mức 1% - bằng một nửa so với mức mà Fed cho là an toàn.


Những người khác khẳng định, QE gây nên bong bóng trên thị trường chứng khoán và nhà đất. Cũng có nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của QE. Một số chuyên gia cho rằng, hiệu quả là rất khiêm tốn.

Andrew Huzar – một cựu quan chức của Fed và là người phản đối QE, cho rằng: QE là một “cuộc đảo chính” của Phố Wall và có rất ít tác dụng đối với “phố Chính”.

Trong khi đó, Janet Yellen cho rằng, những thiệt hại đối với người tiết kiệm đáng để bù đắp cho sự phục hồi của thị trường lao động và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng QE không thể tồn tại mãi mãi.

Theo Phương Thảo

huongnt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM