MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Mỹ bên “bờ vực”

12-07-2008 - 08:17 AM | Tài chính quốc tế

Giá nhà đất hạ là khởi nguồn của suy thoái kinh tế. Theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái lâu gấp đôi bình thường.

Những vấn đề trong tuần này đối với Fannie Mae và Freddie Mac là minh chứng rõ nhất về “sức khỏe” của kinh tế Mỹ. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn đang ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế Mỹ.

Những món nợ rủi ro cao đã đẩy hai đại gia cho vay thế chấp này vào những vấn đề hiện tại. Các ngân hàng trên trên toàn nước Mỹ cũng gặp phải tình trạng tương tự, người ta đang mất hàng tỷ USD khi giá nhà hạ mạnh và tỷ lệ thu hồi nhà cửa tăng dần.

Tất cả những thiệt hại này sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế, có thể lần này kinh tế sẽ không suy thoái quá sâu như những lần trước, nhưng sự suy thoái sẽ kéo dài lâu hơn khi các ngân hàng chưa tìm ra được giải pháp để tăng tính thanh khoản.

Người tiêu dùng, ngân hàng, nhà đầu tư, không một ai sẽ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ những khoản nợ của họ.

Trong khi các ngân hàng vẫn còn ngại ngần trong việc cho vay tiền do lo ngại sẽ ảnh hưởng không tốt tới khả năng hoạt động của họ, kinh tế sẽ tiếp tục đi xuống. Một thời kỳ suy thoái kinh tế bình thường kéo dài khoảng 10 tháng, nay các chuyên gia dự đoán lần suy thoái này sẽ kéo dài ít nhất 20 tháng.

Giá nhà đất hạ là khởi nguồn của suy thoái kinh tế. Giá nhà đất hạ không chỉ đơn giản tác động đến những chủ sở hữu nhà ở mà còn là những tổ chức tín dụng và những nhà đầu tư đang nắm những công cụ đầu tư tài chính liên quan đến thị trường nhà đất.

Những tổ chức tín dụng như Freddie và Fannie hiện được phép có dự trữ tiền tệ thấp hơn giá trị những khoản nợ mà họ đang nắm giữ. Ngân hàng Lehman Brothers mới đây đã đặt câu hỏi rất lớn về tiềm năng vốn của hai công ty được sự bảo trợ của nhà nước này.

Để bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính, từ tháng 9 năm ngoái, FED đã liên tục hạ lãi suất để hỗ trợ các ngân hàng cho vay tiền. Tuy nhiên ngân hàng, thay vào việc cho vay, đã tiến hành thắt chặt chính sách tín dụng do lo ngại thua lỗ và tỷ lệ thu hồi nhà ở tăng cao. Cuộc khủng hoảng vay nợ này sẽ kéo dài khoảng vài năm và cản trở lớn đối với sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
 
Lạm phát tăng cao, FED có thể sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên khi tăng lãi suất, chính sách tín dụng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Người dân và doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó.

Sự kiện Fannie Mae và Freddi Mac

Tuần vừa qua là một tuần đáng sợ đối với Freddie và Fannie. Một báo cáo do Lehman Brothers đưa ra hôm đầu tuần đã dẫn tới một làn sóng bán tháo cổ phiếu của hai công ty này, đẩy hai cổ phiếu này xuống mức giá thấp nhất trong vòng nhiều năm vào ngày thứ Năm. Trong phiên giao dịch buổi chiều, cổ phiếu của Freddie mất giá tới 19%, trong khi cổ phiếu của Fannie sụt mất hơn 10%.

Giám đốc công ty xếp hạng tín nhiệm Egan Jones, ông Sean Egan, nhận xét: “Nếu Fannie hoặc Freddi đổ vỡ, hậu quả sẽ tồi tệ hơn nhiều so với sự tan rã của ngân hàng đầu tư Bear Stearns và như vậy sẽ khiến kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng sâu hoặc gần như thế”.

Giới đầu tư Mỹ đang hết sức lo ngại. Các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng - một loại hình bảo hiểm đối với khả năng Fannie và Freddie không thể chi trả cho các loại trái phiếu doanh nghiệp mà họ bán ra, hiện đang có mức giá cao nhất trong vòng 14 tuần trở lại đây.

Thị trường dự báo hai công ty này sẽ công bố những khoản thua lỗ khổng lồ trong quý 2/2008. Lĩnh vực kinh doanh chính của hai công ty là chứng khoán hóa các khoản nợ cầm cố đang nằm dưới áp lực lớn do giá nhà ở Mỹ liên tục giảm và số các vụ thu hồi nhà ở liên tục tăng.

Fannie Mae và Freddi Mac là gì?

Fannie Mae và Freddi Mac là hai công ty được Chính phủ Mỹ bảo trợ, có nhiệm vụ hỗ trợ chức năng thị trường cho vay thế chấp bằng cách mua lại các khoản vay và chứng khoán hóa các khoản vay này. Do đó, nếu một trong hai công ty sụp đổ, hậu quả sẽ rất tồi tệ.

Cuối năm ngoái, riêng Fannie đã chứng khoán hóa và bảo lãnh số khoản vay cầm cố với tổng trị giá khoảng 2.800 tỷ USD, tương đương xấp xỉ 23% tổng dư nợ cầm cố ở Mỹ. Và các chứng khoán này đều được đánh giá tín nhiệm ở mức cao và bán cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Lam Giang
Tổng hợp từ CNN, CNBC

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên