MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2030, kinh tế thế giới sẽ ra sao?

11-12-2012 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ cùng với sự trỗi dậy của châu Á, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, khủng hoảng lương thực và nguồn nước... là những dự đoán được Hội đồng tình báo quốc gia Hoa Kỳ đưa ra.

Công nghệ mới, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt và tăng trưởng dân số bùng nổ trong 18 năm tới sẽ khiến cục diện cân bằng quyền lực của thế giới hoàn toàn thay đổi, kéo theo những thay đổi về kinh tế cũng như chính trị sâu rộng với tốc độ lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại. Đây là dự báo vừa được Hội đồng tình báo quốc gia Hoa Kỳ (National Intelligence Council – NIC) đưa ra. 

Bản báo cáo dài 140 trang nêu ra những rủi ro cũng như cơ hội mà những xu hướng đang khiến cả thế giới thay đổi đem lại cho các quốc gia, các nền kinh tế, nhà đầu tư cũng như các vị lãnh đạo.

4 xu hướng lớn mà NIC đưa ra bao gồm vai trò thống trị của nước Mỹ kết thúc, sự nổi lên của những cá nhân, tầng lớp trung lưu phát triển với những nhu cầu thách thức các chính phủ và cuối cùng là sự thiếu hụt trầm trọng nước, thực phẩm và năng lượng. 

Yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc khuếch đại tầm ảnh hưởng của các xu hướng này chính là nền kinh tế toàn cầu đang quá mong manh trước các cú sốc có phạm vi lớn và các quốc gia đang phát triển với tốc độ quá chênh lệch. 

‘Những chuyển dịch căn bản’

Báo cáo được NIC xây dựng dựa trên những đánh giá của 16 cơ quan trực thuộc Hội đồng tình báo Quốc gia Hoa Kỳ hiện đang tư vấn và làm việc với các viện nghiên cứu, chính trị gia và các tập đoàn ở 14 quốc gia và Liên minh châu Âu. 

Theo Mathew Burrows, chuyên gia tư vấn đến từ NIC, trong khi những yếu tố như tiến bộ khoa học kỹ thuật, làn sóng di cư, chiến tranh là những nhân tố khiến thế giới thay đổi trong thời gian qua, những gì sẽ diễn ra trong những năm tới sẽ đến từ 7 yếu tố: tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, con đường tiếp cận với khoa học công nghệ rộng mở, dân số già hóa, đô thị hóa, nhu cầu về thực phẩm và nước tăng cao, quyền lực kinh tế dịch chuyển và sự độc lập về năng lượng của nước Mỹ. 

Báo cáo đưa ra dự báo về 1 sự dịch chuyển rất lớn với quyền lực kinh tế được chuyển về phương Đông và phương Nam. Đến năm 2030, tỷ trọng của các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giảm từ mức 56% hiện nay xuống chỉ còn dưới 50%. 

Một số sự kiện lớn có nguy cơ diễn ra như sự sụp đổ của đồng euro và Liên minh châu Âu, bệnh dịch, kinh tế Trung Quốc sụp đổ, chiến tranh hạt nhân hay 1 cuộc tấn công mạng trên diện rộng. 

Kể cả những sự kiện này không xảy ra, ngày càng có nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ không thể đạt được mức tăng trưởng cũng như toàn cầu hóa của thời kỳ trước năm 2008. Tổng nợ của các nước thuộc nhóm G7 đã tăng gấp đôi kể từ năm 1980 đến nay, lên 300% GDP. 

Tăng trưởng dân số

Theo dự báo của NIC, dân số thế giới sẽ tăng từ mức 7,1 tỷ người hiện nay lên 8,3 tỷ vào năm 2030. Qui mô của tầng lớp trung lưu tăng lên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Thậm chí, một số người còn cho rằng tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 2 tỷ người trong 18 năm tới. 

Ngành giáo dục sẽ đóng vai trò dẫn dắt và cũng là ngành được hưởng lợi từ sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Các thành tựu kinh tế sẽ gắn kết chặt chẽ với trình độ giáo dục. Trình độ học vấn ở khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ được dự báo sẽ tăng từ 7,1 năm lên 8,7 năm trong khi trình độ học vấn của phụ nữ tăng từ 5 năm lên 7 năm. 

Sự phát triển của các thành phố

Rất nhiều người có mức thu nhập trung bình sẽ di cư ồ ạt đến thành phố. Hiện nay, dân số thành thị chiếm khoảng 50% tổng dân số thế giới và tỷ lệ được dự báo sẽ lên đến 60% vào năm 2030. Thu nhập tăng lên giúp họ thỏa mãn nhu cầu về thực phẩm. 

Đến năm 2030, nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng 35%. Thế giới cần 6.900 m3 nước vào năm 2030, cao hơn 40% so với lượng cung cấp nước hiện tại. Do đó, nước sẽ trở thành nguyên nhân gây nên nhiều xung đột giữa các khu vực, đặc biệt là ở Nam Á và Trung Đông. 

Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu sẽ khiến việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở châu Á, nơi gió mùa đóng vai trò quan trọng đối với mùa màng. Lượng mưa sụt giảm có thể khiến khu vực này không còn có đủ khả năng nuôi sống dân số ngày càng tăng lên. 

Thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Các số liệu mới được công bố gần đây cho thấy tốc độ biến đổi khí hậu đã lớn hơn nhiều so với cách đây 18 tháng, khi dự án này bắt đầu được thực hiện. 

Thay đổi chính trị

Các phát triển vượt bậc trong công nghệ truyền thông và các cơ hội giáo dục rộng mở sẽ trao thêm quyền lực cho tầng lớp trung lưu. Họ sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các dịch vụ công cộng mà chính phủ cung cấp. Nếu không được thỏa mãn, các nước có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản tương tự như phong trào Mùa xuân Arab ở các nước Trung Đông. 

Cùng lúc đó, quyền lực chính trị cũng được chuyển giao từ các quốc gia sang những mạng lưới kết nối có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới. Các quốc gia có những nền tảng vững chãi như GDP hay dân số ở mức cao sẽ không thể có được vị thế nếu như không học được cách hoạt động theo mạng lưới liên minh trong 1 thế giới đa cực. 

Sự trỗi dậy của châu Á 

Quyền lực được chuyển giao từ Bắc Mỹ và châu Âu sang châu Á với qui mô GDP, dân số, chi tiêu cho quân sự và đầu tư vào khoa học kỹ thuật vượt trội các nước phương Tây. 

Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trước năm 2030. Vai trò của các nước chủ chốt trong các khu vực như Colombia, Ấn Độ, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỹ ngày càng tăng lên rõ rệt trong nền kinh tế thế giới. 

Báo cáo nhận định rất khó dự đoán vị thế của Mỹ trong thế giới mới. Tuy nhiên, Mỹ chắc chắn vẫn là 1 trong những cường quốc thế giới và đóng vai trò đặc biệt quan trọng. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên