MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế một động cơ

10-11-2014 - 22:08 PM | Tài chính quốc tế

Chỉ có một trong số bốn động cơ của kinh tế toàn cầu hoạt động tốt.

Những động cơ rệu rã

Nền kinh tế toàn cầu giống như một máy bay phản lực cần tất cả các động cơ của nó hoạt động để cất cánh và điều khiển sao cho thoát khỏi các đám bão và mây đen. Thật không may, chỉ có một trong bốn động cơ của nó hoạt động tốt: đó là nền văn hóa nói tiếng Anh (Mỹ và Vương quốc Anh).

Động cơ thứ hai - khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã lâm vào tình trạng thiếu máu kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Trên thực tế, châu Âu vẫn đang hứng chịu cú sốc từ tình trạng giảm phát và nguy cơ một lần nữa rơi vào suy thoái kinh tế.

Tương tự như vậy, động cơ thứ ba - Nhật Bản, vẫn đang còn chệch choạc sau một năm thi hành chính sách kích thích tài chính và tiền tệ.

Và thị trường mới nổi - động cơ thứ tư - đang giảm tốc đột ngột sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, chính sách lãi suất 0% và nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dồn bão đến khu vực này.

Vì vậy, câu hỏi là liệu nền kinh tế toàn cầu còn bay được bao lâu nữa với một động cơ duy nhất. Phần còn lại của thế giới suy yếu khiến đồng USD mạnh lên, có thể sẽ làm tổn hại đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, bất chấp nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ tại nước này.

Giá dầu giảm có thể cung cấp năng lượng rẻ hơn cho các nhà sản xuất và các hộ gia đình, nhưng cũng làm tổn thương xuất khẩu năng lượng và chi tiêu của các nước này. Và trong khi nguồn cung tăng - đặc biệt từ các nguồn tài nguyên đá phiến sét tại Bắc Mỹ đã gây áp lực giảm giá, do đó, khiến nhu cầu tại khu vực châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều thị trường mới nổi yếu hơn. Hơn nữa, việc giá dầu liên tục giảm giá gây ra sự sụt giảm đầu tư mới, tiếp tục làm suy yếu nhu cầu toàn cầu.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục có chiều hướng biến động và vẫn cần những sự điều chỉnh. Tin tức vĩ mô xấu có thể tốt cho thị trường, bởi sự phản ứng chính sách nhanh chóng có thể thúc đẩy tăng giá tài sản. Tuy nhiên, tin tức vĩ mô xấu gần đây đã ảnh hưởng xấu đến thị trường, do quán tính trong nhận thức về chính sách.

Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang mở rộng việc mua trái phiếu chính phủ trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất và tiến hành nới lỏng định lượng đã cho thấy bằng chứng rằng, việc tăng thuế tiêu dùng năm nay đã cản trở tăng trưởng và kế hoạch tăng thuế trong năm tới sẽ làm suy yếu nền kinh tế hơn nữa.

Về chính sách tài khóa, Đức tiếp tục chống lại gói kích thích được cho là rất cần thiết để thúc đẩy nhu cầu của eurozone. Ngoài ra, Fed hiện đã kết thúc chương trình nới lỏng định lượng và đang sẵn sàng bắt đầu nâng lãi suất sớm hơn thị trường mong đợi. Nếu Fed trì hoãn tăng lãi suất cho đến khi nền kinh tế toàn cầu sáng sủa, thì nước này có thể bỏ lỡ cơ hội cất cánh giống như vận mệnh của nhiều nền kinh tế khác trong vài năm trước.

Việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào 6/11 làm nguy cơ bế tắc trong thực thi chính sách có thể tồi tệ hơn. Nước Mỹ có thể lại phải đối mặt một cuộc chiến tài chính khiến chính phủ phải đóng cửa, đẩy Washington gần như rơi vào trạng thái vỡ nợ kỹ thuật. Nói cách khác, những căng thẳng tại Quốc hội Mỹ sẽ ngăn cản việc thông qua các cải cách cơ cấu quan trọng mà nước Mỹ cần phải tiến hành để thúc đẩy tăng trưởng.

Các nền kinh tế mới nổi chủ chốt cũng đang gặp rắc rối. Trong nền kinh tế của BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), thì có 3 nước (Brazil, Nga, và Nam Phi) đang ở sát ngưỡng suy thoái. Đáng ngại nhất là Trung Quốc đang trong giai đoạn suy thoái cấu trúc khiến tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt mức gần 5% trong hai năm tiếp theo từ mức trên 7% như hiện nay.

Đồng thời, cải cách tái cân bằng đầu tư và tiêu dùng sẽ bị hoãn lại cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố xong quyền lực. Trung Quốc có thể tránh được hạ cánh cứng, nhưng có thể sẽ phải đối mặt với một chặng đường gập ghềnh và khó khăn.

Những hy vọng trong bối cảnh ảm đạm

Nguy cơ nền kinh tế toàn cầu rơi vào cú sốc chớp nhoáng đã xuống mức thấp, bởi vì quá trình giảm nợ công tại các nền kinh tế phát triển đã có nhiều tiến triển; những ảnh hưởng của trở ngại tài chính cũng ít hơn; chính sách tiền tệ vẫn đang được nới lỏng.

Hơn nữa, nhiều quốc gia thị trường mới nổi vẫn đang phát triển mạnh mẽ, duy trì chính sách kinh tế vĩ mô và đang bắt đầu thực hiện cải cách cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng của Mỹ, hiện đang vượt quá sản lượng tiềm năng, có thể mang đến động lực cho tăng trưởng toàn cầu ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Nhưng những thách thức nghiêm trọng vẫn còn ở phía trước. Các khoản nợ tư và công tại các nền kinh tế phát triển vẫn còn ở mức cao và mang tính không bền vững, đặc biệt là khu vực châu Âu và Nhật Bản. Ngoài ra, sự bất bình đẳng thu nhập vẫn tiếp tục gia tăng.

Nợ cao và bất bình đẳng gia tăng có thể là nguồn gốc của sự trì trệ khiến cải cách cơ cấu chính trị khó thực hiện hơn. Ví dụ như việc trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đang gây ra các phản ứng dữ dội chống lại tự do thương mại và di cư lao động. Điều này có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, điều may mắn là chảo lửa ở Trung Đông, xung đột Nga-Ukraine, bất ổn tại Hồng Kông và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng cùng với các mối đe dọa khác như: dịch Ebola và biến đổi khí hậu toàn cầu đã chưa lây lan sang lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, chúng đang là các tác nhân làm chậm lại chi tiêu đầu tư và tiêu dùng.

Do vậy, khi nền kinh tế toàn cầu đang bay với một động cơ duy nhất, thì các phi công cần phải tránh những đám mây bão.

Theo Vũ Anh

huongnt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên