MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ngân hàng Nhật "ngủ yên"?

19-06-2011 - 08:56 AM | Tài chính quốc tế

Nhật Bản là bài học cho cơ quan điều tiết nào có ý định bóp nghẹt ngành ngân hàng, đồng thời cản trở sáng tạo và thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Khó có nơi nào ngành ngân hàng lại tẻ nhạt như ở Nhật Bản. Các ngân hàng lớn nhất đối xử với Internet cứ như thể nó chỉ vừa mới được phát hiện.

Khách hàng của họ ít sử dụng mobile hoặc intetnet banking hơn nhiều so với tại các nước giàu khác (xem đồ thị). Ngay cả máy ATM cũng làm việc theo giờ hành chính, cho phép rút tiền miễn phí trong giờ làm việc, còn ngoài giờ phải mất phí.

Nói vậy không có nghĩa là ngân hàng Nhật hoàn toàn chẳng cải tiến gì. Quốc gia này dẫn đầu thế giới về thẻ thanh toán. Dù vậy, những sáng tạo ấy nhìn chung không có nguồn gốc từ ngân hàng.

Dù có đứng trên góc nhìn nào thì cứ như thể hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã ngủ yên suốt 20 năm qua.

Chưa bao giờ chứng khoán hóa thực sự cất cánh. Tài sản được chứng khoán cao nhất cũng chỉ chiếm chưa tới 2% GDP. Ngược lại, năm 2007 giá rị các khoản vay thế chấp được chứng khoán hóa chưa thanh toán tại Mỹ là ¼ GDP.

Thậm chí giới lãnh đạo ngân hàng Nhật cũng cổ lỗ. Phần lớn bọn họ xuất thân từ bộ phận ngân hàng thương mại với một sự nghiệp thăng tiến từ từ qua các chi nhánh thay vì tiến thẳng từ bộ phận giao dịch trái phiếu lên phòng họp ban giám đốc như thường thấy ở phương Tây.

Thu nhập của họ cũng ít hơn nhiều so với quan chức các tập đoàn công nghiệp lớn. Chưa tới một nửa thu nhập của quan chức ngân hàng phụ thuộc vào lợi nhuận ngắn hạn hay biến động của cổ phiếu ngân hàng, so với tỷ lệ 80% tại Mỹ.

Hệ thống cấp bậc cứng nhắc ở nhiều ngân hàng chỉ khuyến khích sự nịnh bợ và ậm ừ thay vì những bước đi quyết liệt.

Sau một cuộc khủng hoảng tài chính, có đứng về phía những nhà ngân hàng cực kỳ ngại rủi ro như thế cũng không có gì khó hiểu. Trong số các nước giàu, Nhật Bản là nước hiếm hoi ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng. Tổng giá trị tài sản ghi giảm tính trên tổng tài sản của ngân hàng Nhật ít hơn 20% so với ngân hàng Mỹ và ít hơn một nửa so với ngân hàng Châu Âu.

Tuy vậy, quá cẩn trọng cũng có nguy cơ của chính nó. Hai thập kỷ trước khủng hoảng ngân hàng bùng phát ở Nhật và có lẽ tới nay đất nước này vẫn chưa vượt qua được nó. Tổng lợi nhuận của các ngân hàng Nhật âm trong vòng 10 năm kể từ năm 1993 và sau một giai đoạn ngắn làm ăn có lãi, họ lại quay trở về với thua lỗ trong năm 2008.

Công bằng mà nói, ngân hàng Nhật cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như tăng trưởng yếu ớt, giảm phát kéo dài và lãi suất gần mức 0.

Dù vậy, các giải pháp của họ hãy còn quá rụt rè. Quanh vành đai Thái Bình Dương không thiếu cơ hội cho ngành ngân hàng, dù vậy giới ngân hàng Nhật Bản nhìn chung đều không thể tận dụng được chúng.

Trong mấy năm gần đây khoản đầu tư lớn nhất của họ là vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản thay vì cho khách hàng vay tiền. Các ngân hàng hiện nắm giữ 45% chứng khoán nợ Nhật Bản, tăng gấp đôi so với cách đây một thập kỷ.

Một nguyên nhân là Nhật Bản không dám đối mặt với nợ xấu và để cho giới ngân hàng tiếp tục rót tiền cho các công ty thua lỗ kéo dài. Điều này khiến toàn ngành phải gặp khó khăn trong suốt một thập kỷ.

Nguyên nhân thứ hai là vốn, các ngân hàng Nhật trong nhiều năm trời có tỷ lệ an toàn vốn rất thấp. Họ là người mua hơn một nửa số chứng khoán nợ do chính phủ Nhật phát hành.

Nhật Bản là bài học cho cơ quan điều tiết nào có ý định bóp nghẹt ngành ngân hàng, đồng thời cản trở sáng tạo và thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ngân hàng dẫu sao vẫn là cái ngành không thể thịnh vượng nếu không có chút tâm lý bầy đàn.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên