MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Nhật không còn làm việc cả đời chỉ cho một công ty

26-07-2011 - 17:40 PM | Tài chính quốc tế

Trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng kém sau khi bong bóng tài sản thập niên 1980 vỡ, quá nhiều công ty phá sản, mong muốn làm cả đời tại một công ty không phù hợp nữa.

Bao lâu nay, tầng lớp trung lưu tại Nhật thường có một công thức chung. Sinh viên mới tốt nghiệp sẽ vào làm tại một công ty nơi họ sẽ làm ở đó suốt cuộc đời.

Đối với phụ nữ, công việc đó sẽ kéo dài cho đến khi kết hôn hoặc sinh đứa con thứ nhất. Với đàn ông, họ sẽ làm tại công ty đến khi về hưu.

Sau khi đã làm việc chăm chỉ và cam kết thực hiện quy định của công ty, người làm công ăn lương có thể có được sự an toàn về công việc và mức lương tăng dần theo năm tháng. Chất lượng cuộc sống nhờ vậy cũng ngày một cải thiện và cuộc sống dễ chịu hơn.

Tuy nhiên mọi chuyện đang thay đổi. Trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng kém sau khi bong bóng tài sản thập niên 1980 vỡ, mọi chuyện đang dần thay đổi.

Anh Raisuke Furukawa và vợ mình bắt đầu đi làm theo lối truyền thống của người Nhật. Anh làm việc trong một chuỗi cửa hàng bách hóa vào năm 2003 và vợ anh cũng làm cho một công ty đầu tư vào năm 1998. Tuy nhiên sau đó quá trình đi làm của họ cũng khác so với cha mẹ họ khá nhiều.

Hiện nay anh đang làm ở công ty thứ 3 còn cô đã chuyển đến 5 công ty.

Anh cho biết khi anh tốt nghiệp, suy nghĩ về sự ổn định của việc làm trong tương lai đã không còn hợp thời bởi quá nhiều tập đoàn lớn phá sản khi đó. Anh cũng nhìn thấy tương lai u ám của các cửa hàng bách hóa tại Nhật, một thời từng “làm mưa làm gió” trong ngành bán lẻ của Nhật nhưng nay khốn khổ cạnh tranh với chuỗi cửa hàng chuyên biệt và mạng Internet.

Doanh thu tại công ty của anh giảm và nhiều quản lý bậc trung đã buộc phải sa thải bớt nhân viên để tiết kiệm chi phí.

Thế hệ cha mẹ của Raisuke Furukawa cũng phải chịu chung số phận. Anh nói: “Cách đây khoảng 30 cho đến 40 năm, khi họ ở tuổi chúng tôi, kinh tế Nhật đang tăng trưởng nhanh và vì thế mức lương tăng qua mỗi năm. Khi kinh tế đang tăng trưởng tốt, điều đó dễ dàng hơn nhiều. Và nay, có quá nhiều yếu tố bất ổn và bi quan khi nói về tương lai.”

Cơ quan thuế của Nhật công bố mức lương trung bình hàng năm, tính cả thưởng, giảm liên tục trong khoảng thời gian suốt 1 thập kỷ tính đến năm 2009; giảm 12% từ 4,61 triệu yên xuống 4,06 triệu yên (tương đương khoảng 52.000USD/năm).

Giảm phát kéo dài đồng nghĩa với việc thu nhập thực tế giảm thấp hơn tuy nhiên lương thưởng thấp tác động không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng và giảm tăng trưởng kinh tế nói chung.

Các công ty sản xuất tại Nhật hiện phụ thuộc nhiều vào lao động theo hợp đồng, khoảng 1/3 lực lượng lao động không có được sự đảm bảo trong nghề nghiệp. Các chuyên gia về xã hội học đang lo sợ về sự nổi lên của tầng lớp người lao động nghèo mới.

Trên thực tế, tỷ lệ đói nghèo tại Nhật trong giai đoạn từ thập niên 1980 đến cuối 2000 tăng nhanh; khoảng gần 16% dân số sống với chưa đầy 50% thu nhập trung bình.

Với 2 nguồn lương, mỗi nguồn gần tương đương mức trung bình của Nhật, gia đình anh Furukawas còn lâu mới thuộc diện nghèo. Họ có căn hộ nhỏ tại Tokyo, đi nghỉ ở nước ngoài mỗi năm 1 lần và vẫn tiết kiệm được khá nhiều.

Thế nhưng cũng giống như tầng lớp trung lưu tại khắp các nước phát triển trên thế giới, họ đặt câu hỏi nên trang trải chi phí cho cuộc sống gia đình như thế nào. Cả hai từng học ở trường tư thế nhưng khả năng tài chính của họ không thể đủ cho con cái hiện nay. Họ đã từng mong có hơn 2 đứa con thế nhưng khả năng tài chính hiện tại chỉ cho phép có 1.

Đình Hảo
Theo FT

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên