MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới đi tìm lời giải cho bài toán Trung Quốc

17-11-2014 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

"Trung Quốc chính là nơi quyết định sự cấu thành của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có tương lai của các thị trường mới nổi như Brazil, Indonesia và Nam Phi".

Đều đặn hàng năm, người đàn ông lãnh đạo quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund) lớn nhất thế giới đều dành một tuần để dạo quanh Trung Quốc.

Mặc dù các tài sản từ quốc gia này chỉ chiếm 1,5% trong danh mục đầu tư 860 tỉ USD của quỹ đầu tư quốc gia Na Uy, Yngve Slyngstad, giám đốc điều hành của quỹ này, nói rằng hầu hết các quyết định đầu tư đều bị ảnh hưởng bởi những diễn biến ở Trung Quốc.

Hiểu được nền kinh tế được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều cốt yếu đối với Slyngstad bởi ông lãnh đạo quỹ mà Na Uy dự đoán có thể đạt một 1.000 tỷ USD trong chưa đầy 3 năm nữa. Ông sẽ đến Trung Quốc tháng này, thăm Bắc Kinh và những thành phố khác.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 29/10 diễn ra ở văn phòng nằm trên tầng 5 của Slyngstad ở Oslo, người đàn ông đã bước sang tuổi 52, cho biết: “Mỗi lần trở lại, nhận thức của tôi về Trung Quốc lại thay đổi. Tôi càng lúc càng phân vân nền kinh tế này sẽ bước tới đâu tiếp theo. Tâm lý không chắc chắn của nhà đầu tư cũng có một phần nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc khó đoán hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác". 

Ông Slyngstad cho biết, Trung Quốc chính là nơi quyết định sự cấu thành của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có tương lai của các thị trường mới nổi như Brazil, Indonesia và Nam Phi. Sự phát triển của Trung Quốc - nền kinh tế được một số tính toán cho rằng đã lớn hơn nền kinh tế Mỹ - đang dần chậm lại và tính thiếu minh bạch càng khiến nhà đầu tư khó có thể lý giải nguyên nhân. 

Tăng cường lobby 

Slyngstad, người mà năm trước đã tới thăm tỉnh Thâm Quyến, Hàng Châu và Sơn Đông, đang tìm kiếm đầu tư để phân phối hàng tỉ USD tiền thu được từ những giếng dầu ở Norway. Ông đang ráo riết thực hiện chiến dịch vận động hành lang để chính phủ Trung Quốc nâng hạn mức đầu tư cho quỹ của mình. Hiện quỹ của Slyngstad chỉ được đầu tư tối đa 1,5 tỷ USD vào các cổ phiếu phổ thông trên TTCK Trung Quốc. 

“Lý do tôi dành thời gian dạo quanh nơi này là vì kinh tế Trung Quốc ít đồng nhất hơn so với người ta vẫn tưởng. Chúng tôi dành sự quan tâm mạnh mẽ cho Trung Quốc và vẫn có một niềm tin mãnh liệt về tầm quan trọng của sự phát triển của nền kinh tế này. ”

Quỹ của Slyngstad cũng có thể đầu tư vào Trung Quốc thông qua TTCK Hồng Kông. Trong quý ba, cổ phiếu trên TTCK Hồng Kông và Trung Quốc chiếm 2,7% tổng số cổ phiếu mà quỹ đang nắm giữ (tăng so với con số 2,5% của năm 2013). Các cổ phiếu đáng chú ý bao gồm công ty sản xuất và thăm dò dầu khí PetroChina và Ngân hàng Công thương Trung Quốc. 

Việc tìm ra cách đầu tư vào Trung Quốc chỉ là một trong rất nhiều những rào cản. Slyngstad cho biết một trong những điều ông lo lắng nhất đó là chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của ông như thế nào. Kinh tế châu Âu ảm đạm và thị trường tín dụng chưa được thả nổi hoàn toàn cũng gây ra quan ngại. 

“Sự sụt giảm liên tiếp của lãi suất ở rất nhiều quốc gia và sự không sẵn sàng của một số quốc gia trong việc tăng cao lại lãi suất, bằng cách nào đó, đã thực sự đẩy lãi suất của toàn bộ thị trường tư bản từ thị trường trái phiếu đến thị trường tiền tệ ” Slyngstad cho hay. Trong tháng sáu, quỹ cho biết quỹ sẽ mở rộng đầu tư trái phiếu ra nhiều loại tiền tệ hơn với nỗ lực gia tăng doanh thu.

Slyngstad cho biết ông đã giảm bớt đầu tư vào thị trường tín dụng sau khi NHTW Trung Quốc bơm thanh khoản vào hệ thống khiến giá cả bị bóp méo. Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng được điều chỉnh, bất chấp đây là loại tài sản sinh lời nhiều nhất trong quý ba. 

Bắt đầu làm CEO từ năm 2008, Slyngstad cho rằng nhiệm kỳ của ông ngẫu nhiên trùng hợp với "thời kỳ hấp dẫn" của thị trường tài chính quốc tế. Trong suốt khủng hoảng tài chính, quỹ đã gom hết các chứng khoán rẻ mà mọi người bán ra. "Khủng hoảng tài chính đã thách thức những quan niệm về quản lý danh mục đầu tư, chính sách tiền tệ, nền kinh tế và thị trường tài chính. Khủng hoảng chỉ ra rằng ngành công nghiệp tài chính có khả năng tự phục hồi, dù có hay không sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo", Slyngstad nói.

Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy đang cố gắng đạt mục tiêu tỉ suất lợi suất thực đạt 4% bằng cách mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các công ty vốn cổ phần tư nhân. Mặc dù thị trường cơ sở hạ tầng toàn cầu hiện chưa đủ lớn và còn quá nhiều rủi ro về mặt chính sách, quỹ vẫn chuẩn bị cho ngày được chính phủ "bật đèn xanh".

Thanh Trà

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên