MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm điểm tranh cãi khi FED xem xét nâng lãi suất

16-09-2015 - 14:59 PM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Yellen và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện tại đã tốn nhiều thời gian chuẩn bị nâng lãi suất hơn bất cứ hội đồng nào của FED trong quá khứ, nhưng các chuyên gia vẫn không thể đoán được khả năng nào chiếm ưu thế hơn trong cuộc họp tới đây.

Theo Financial Times, hiện FED đang tập trung xem xét 3 yếu tố chính của nền kinh tế Mỹ khi quyết định tăng lãi suất là tỷ lệ lạm phát, thị trường lao động và sự ổn định của thị trường tài chính. Trên lý thuyết, các chuyên gia có thể dự đoán được, hoặc có xu thế nghiêng về một trong 2 khả năng trong cuộc họp tới đây. Tuy vậy, tình hình lại phức tạp hơn các nhà đầu tư nghĩ.

1. Tỷ lệ thất nghiệp

Thất nghiệp tại Mỹ đang giảm khi nền kinh tế nước này dần hồi phục trong 5 năm qua. Trong tháng 8/2015, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đứng ở mức 5,1% và thấp hơn so với thời điểm FED bắt đầu nâng lãi suất lần đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng 2001. Kể từ năm 2004, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ liên tục giảm và FED cũng tiếp tục tăng lãi suất.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay đã khác so với trước. Mặc dù nhiều việc làm được tạo ra nhưng mức lương của người dân Mỹ lại tăng chậm hơn bình thường.

Theo Financial Times, tỷ lệ trên chỉ tính đến những hồ sơ đang tìm việc mà chưa bao gồm những công dân Mỹ từ bỏ tìm kiếm việc làm do thiếu tự tin và những người đang làm bán thời gian nhưng vẫn muốn làm thêm, hay còn gọi là tỷ lệ U-6. Nếu tính thêm những yếu tố này, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ước tính ở mức 10,3%. Con số này vẫn cao hơn mức thất nghiệp vào tháng 5/2004 là 9,3%, ngay trước khi FED bắt đầu tăng lãi suất trở lại.

Nhiều chuyên gia hiện cho rằng kinh tế Mỹ có thể chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp hơn mà không sợ gây ra lạm phát do tiền lương thúc đẩy. Đây là tình trạng xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, nguồn cung lao động thấp nên người lao động có lợi thế trong việc đàm phán lương. Khi mức lương tăng, doanh nghiệp buộc phải nâng giá thành sản phẩm, dịch vụ để bù chi phí lao động, qua đó thúc đẩy lạm phát.

Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, trong đó có sự suy giảm tầm ảnh hưởng của công đoàn hay sự thay đổi trong cơ cấu lao động do cách mạng khoa học kỹ thuật và bùng nổ dịch vụ thuê ngoài. Mặc dù vậy, bất kể là nguyên nhân nào, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ lạm phát có thể chưa giảm xuống đến mức cần thiết buộc FED phải nâng lãi suất.

2. Lạm phát

FED thường sử dụng cách tính tỷ lệ lạm phát và lạm phát cơ bản dựa trên chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE). Rõ ràng, cả 2 chỉ số này đều thấp hơn mức mục tiêu 2% và có vẻ gần mức 0% hơn.

Số liệu trên thị trường giao dịch trái phiếu hoán đổi lạm phát (Inflation Swap) cũng cho thấy nhà đầu tư đang cho rằng có rất ít, hoặc không có áp lực nào cho việc tăng lạm phát trong thời gian dài tới đây.

Nền kinh tế Mỹ rõ ràng tăng trưởng vượt ngưỡng mà FED dự đoán sẽ bắt đầu thúc đẩy lạm phát nhưng giá cả tại nước này lại tăng rất chậm. Trong khi đó, dự đoán gần đây nhất của FED cho thấy tăng trưởng GDP dài hạn của Mỹ sẽ vào khoảng 2-2,3%, thấp hơn rất nhiều so với trước đó. Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là tăng trưởng năng suất thấp, lượng lao động nhập cư giảm và số người nghỉ hưu tăng tại Mỹ. Do đó, nhiều khả năng mục tiêu lạm phát của FED sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn.

Financial Times cho rằng kinh tế Mỹ đã tạo ra sự dư thừa năng suất trước cuộc khủng hoảng 2008 và trong tình hình kinh tế tăng trưởng thì lạm phát chỉ đi lên khi sự dư thừa này được người tiêu dùng “tiêu hóa” hết. Hiện vẫn chưa rõ kinh tế Mỹ tạo ra mức dư thừa năng suất trước năm 2008 là bao nhiêu nhưng Financial Times cho rằng thị trường tiêu dùng quốc gia này cần một khoảng thời gian để có thể “tiêu hóa” hết lượng cung dư thừa đó.

3. Ổn định hệ thống tài chính

Ổn định hệ thống tài chính chỉ là một trong những mục tiêu của FED, nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 và những ví dụ kinh điển trong lịch sử kinh tế đã cho thấy bóng bóng tài chính có thể làm đảo lộn nền kinh tế.

Theo Financial Times, có lẽ Chủ tịch FED Janet Yellen đang lo lắng về tăng trưởng quá nhanh của thị trường tài chính, đặc biệt là qua giá cổ phiếu ngành công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các công ty công nghệ sinh học hiện nay khác rất nhiều so với thập niên 90. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp này có lợi nhuận thực sự qua kinh doanh chứ không phải là loại lợi nhuận ảo, tiềm năng trong tương lai chỉ để thu hút vốn như trước đây. Với những tiến bộ khoa học, khi công nghệ sinh học có thể chữa nhiều loại bệnh nan y hiện nay, việc giá cổ phiếu lĩnh vực này tăng là có cơ sở.

Nhiều cổ phiếu tại Phố Wall hiện nay có vẻ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt đà đi xuống sau những phiên điều chỉnh gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng sự điều chỉnh này là do giá cổ phiếu quá cao chứ không phải là do bong bóng chứng khoán. Hệ số P/E của chứng khoán Mỹ mới chỉ hồi phục lên tương đương mức năm 1997 và 2007, sau khi đã giảm mạnh vào năm 2009 và 2011. Hơn nữa, những số liệu kinh tế cho thấy có rất ít khả năng đà tăng của Phố Wall từ đầu năm đến nay sẽ bị xóa sạch trong năm 2015.

Hiện có nhiều chuyên gia cho rằng FED chưa nên tăng lãi suất bởi động thái này có thể tạo cú sốc cho thị trường tài chính. Số liệu lãi suất liên bang trên thị trường kỳ hạn Mỹ (FED Fund Futures) cho thấy chỉ có chưa đến 1/3 khả năng FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong tuần này.

Mặc dù vậy, có vẻ nhà đầu tư và các chuyên gia trên thị trường đang gặp khó khăn khi dự đoán động thái của FED. Những số liệu của FED Fund Futures nếu so sánh với động thái hạ lãi suất xuống gần 0% năm 2009 sẽ thấy sự không chính xác khi dự đoán trước quyết định của FED.

Một dẫn chứng nữa cho thấy sự bối rối của thị trường là lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm. Tỷ lệ này thường tăng khi FED tăng lãi suất, nhưng số liệu cho thấy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã tăng mạnh vào năm 2011 và hiện đang trên đà đi lên kể từ năm 2013 bất chấp việc FED không điều chỉnh lãi suất.

Hãng Brown Brothers Harriman nhận định thị trường đang vô cùng phân vân trước nghi vấn liệu FED có nâng lãi suất trong tuần này hay không. Chủ tịch Yellen và các quan chức FED hiện nay đã tốn nhiều thời gian chuẩn bị nâng lãi suất hơn bất cứ hội đồng nào của FED trong quá khứ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn không thể dự đoán chính xác và chỉ có thể đặt cược 50/50 vào quyết định điều chỉnh lãi suất của FED.

Bên cạnh đó, cho dù quyết định của FED là gì, một số thị trường như tiền tệ đã chịu ảnh hưởng lớn, đồng USD đang trên đà tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1984. Chỉ số TWBD Index đo lường đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng 8% lên mức cao nhất trong lịch sử trước khả năng Mỹ sẽ nâng lãi suất trong năm nay.

Trong 2 năm qua, đồng USD đã tăng 20% so với đồng Yên và 17% so với đồng Euro. Một chỉ số đo lường đồng USD nữa của FED là Dollar Index (so sánh đồng USD với một rổ 26 đồng tiền chủ chốt) đã tăng 18% kể từ cuối năm 2013 và sắp đạt mức đỉnh xác lập vào tháng 2/2002. Đây là một thông tin xấu với các doanh nghiệp Mỹ khi doanh thu từ thị trường quốc tế của họ bị ảnh hưởng.

Theo Hoàng Nam

Người đồng hành

Trở lên trên