MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh nào của Trung Quốc nợ nhiều nhất?

25-02-2014 - 19:14 PM | Tài chính quốc tế

Xác định tỉnh nào nợ nhiều nhất không phải là công việc dễ dàng như người ta vẫn tưởng.

Ở Trung Quốc, chính quyền cấp tỉnh thường được coi là các “chính quyền địa phương”. Tuy nhiên, thành ngữ này không hoàn toàn chính xác. Ví dụ, tỉnh Quảng Đông có dân số hơn 105 triệu người và GDP ở mức hơn 1.000 tỷ USD. Chỉ có 11 nước (trong đó có cả Trung Quốc) đông dân hơn Quảng Đông và 15 quốc gia có GDP lớn hơn GDP của tỉnh này.

Tuy nhiên, ngoài số dân và GDP, mức độ nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng gây ấn tượng không kém. Tính đến cuối năm 2013, cơ quan kiểm toán nhà nước Trung Quốc công bố số liệu cho thấy tổng nợ của các chính quyền địa phương đã tăng lên mức 10.900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.800 tỷ USD) tính đến giữa năm ngoái. Con số sẽ tăng lên 17.900 tỷ nhân dân tệ nếu các khoản bảo lãnh được tính đến. Khối lượng này tương đương với 1/3 GDP Trung Quốc. 

Nói cách khác, khối nợ của chính quyền địa phương đang tăng nhanh với tốc độ đủ để được coi là một gánh nợ quốc gia và khiến giới quan sát quốc tế lo ngại. 

Tài liệu của cơ quan kiểm toán đã nêu lên tầm cỡ của vấn đề nhưng không nêu chi tiết về địa điểm. Không có bất kỳ tỉnh nào phải đứng ra chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, hầu hết các tỉnh đã công bố báo cáo kiểm toán và đây là những thông tin khá hữu ích. Trên nguyên tắc, chí ít thì những địa phương nợ nhiều nhất sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, xác định tỉnh nào nợ nhiều nhất không phải là công việc dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Các con số trên báo cáo kiểm toán có thể được chia nhỏ và “trộn lẫn” theo nhiều cách. Các tỉnh duyên hải Giang Tô và Quảng Đông (ở ngay phía Bắc Hồng Kông) là những địa phương nợ nhiều nhất (chiếm khoảng 14% tổng số nợ). Tuy nhiên, đây cũng là hai địa phương phát triển mạnh nhất về kinh tế, đóng góp 19% tổng GDP cả nước. 

Xét đến tương quan với quy mô nền kinh tế, những tỉnh nghèo ở phía Tây như Yunnan, Thanh Hải và  Cam Túc là nặng gánh nhất, cùng với Trùng Khánh – địa phương vốn đã nổi tiếng với các khoản đầu tư công khổng lồ. 

Tuy nhiên, Quý Châu mới là tỉnh chiếm vị trí số 1. Tính đến giữa năm 2013, nợ phải trả của tỉnh này tương đương với 80% GDP. 

Hơn nữa, những con số trên chưa bao gồm những khoản nợ mà các chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh. Đôi lúc những khoản bão lãnh nợ được hoạch toán một cách rõ ràng nhưng trong đa số trường hợp, chúng được coi như thỏa thuận ngầm. Tính đến cuối năm 2012, trên sổ sách công khai, Trùng Khánh bảo lãnh số nợ tương đương 18% GDP của tỉnh này. Còn ở Cam Túc, số nợ được ngầm bảo lãnh tương đương khoảng 20% GDP. 

Các kế toán viên gọi bảo lãnh là những khoản nợ “tùy biến” bởi chính quyền sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm nếu như điều tồi tệ xảy ra, ví dụ như một công ty cơ sở hạ tầng sụp đổ hoặc một bệnh viện của địa phương phá sản. 

Xác suất để rủi ro xảy ra là bao nhiêu? Trung bình, các tỉnh thành ước tính tỷ lệ ở mức khoảng 23%. Nếu như các khoản bảo lãnh này được hoạch toán trên giá trị ước tính với xác suất như trên (chứ không phải toàn bộ giá trị bề mặt) thì nợ của Cam Túc giảm mạnh từ 44% xuống chỉ còn 19% GDP. Gánh nặng nợ của Trùng Khánh cũng giảm từ 59% xuống còn 38%. 

Kể cả khi những khoản bảo lãnh này không khiến các tỉnh thành của Trung Quốc gặp rắc rỗi, số nợ vẫn là quá lớn so với số thuế mà các địa phương thu được. Ví dụ, nợ trực tiếp của Yunnan và Thanh Hải lần lượt tương đương 260% và 370% nguồn thu ngân sách năm 2012. Thật may là các địa phương của Trung Quốc không chỉ dựa vào nguồn thu ngân sách mà còn hưởng lợi từ các nguồn khác như bán đất và số tiền từ trung ương rót xuống. 

Những số liệu mới nhất cho thấy các “phao cứu sinh” này không dễ kiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của các kênh này vào kinh tế địa phương cũng không phải là nhỏ và thậm chí còn đang tăng lên. Ở một số tỉnh, tỷ lệ lên đến hơn 30% GDP trong năm 2012. Tỷ lệ này cao hơn ở những tỉnh nghèo (trong trường  hợp của Thanh Hải là 50%) và thấp hơn ở những tỉnh giàu có hơn (của Quảng Đông chỉ khoản 8% GDP). 

Những nguồn này cũng tạo nên sự khác biệt lớn khi xét đến gánh nặng nợ của các địa phương có nền kinh tế kém phát triển hơn. Ví dụ, nợ của Quý Châu là lớn nhất nếu như so với GDP. Tuy nhiên, nếu xét đến cả nguồn thu ngân sách lớn, Quý Châu không còn là nơi đáng lo ngại nhất. Địa điểm nợ nhiều nhất lại là thủ đô Bắc Kinh. Đây cũng là nơi có tỷ lệ nợ trực tiếp bình quân đầu người cao nhất. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên