MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc cần tự giải cứu khỏi “bẫy” đồng USD

10-08-2011 - 06:20 AM | Tài chính quốc tế

Thật khó chấp nhận việc nền kinh tế giàu có nhất thế giới liên tục ngửa tay vay tiền nền kinh tế còn đang phát triển suốt nhiều thập kỷ qua.

Cũng dễ hiểu khi các quan chức chính phủ Trung Quốc cáu giận với thái độ vô trách nhiệm của chính trị gia Mỹ trong những tuần vừa qua. Thât không may, thị trường tài chính chẳng mấy quan tâm đến điều này.

Sau ngày thứ Ba vừa rồi, nước Mỹ đương đầu với rủi ro rằng từ nay trở đi, bất kỳ yếu tố khẩn cấp nào xung quanh tình hình tài khóa sẽ không còn như vậy nữa. Trong khi đó, Trung Quốc đương đầu với rủi ro nước này đã không học được bài học cần thiết, cụ thể là đã đến lúc chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng USD.

Trung Quốc lo lắng về khả năng nước Mỹ vỡ nợ vì nhiều lý do khác nhau. Trong vai trò nước sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất thế giới, việc nước Mỹ vỡ nợ hay bị hạ xếp hạng tín nhiệm sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại nặng nề.

Ngay cả sau thỏa thuận được thông qua trong tuần qua, vẫn tồn tại rủi ro nợ Mỹ sẽ tăng đến mức chính phủ Mỹ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc vay nợ nhiều hơn.

Dù Trung Quốc không thể làm được gì nhiều với số trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ, Trung Quốc có thể nghĩ lại chính sách đã đưa ra trong quá khứ, bằng cách nào mà Trung Quốc rơi vào cái bẫy này và Trung Quốc nên tự giải thoát cho mình như thế nào.

Suốt hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc liên tiếp có thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư tài khoản vốn. Trung Quốc nhờ vậy có dự trữ ngoại tệ lớn. Rõ ràng, không phải lúc nào Trung Quốc cũng hưởng lợi từ việc duy trì thặng dư này.

Một nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người xếp hạng dưới 100 của thế giới, cho nền kinh tế giàu nhất thế giới vay tiền suốt nhiều thập kỷ qua, sự thật này thật khó chấp nhận.

Tồi tệ hơn, trong vai trò một trong những nước nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới, Trung Quốc cho Mỹ vay lại tiền mà Trung Quốc đã vay với chi phí cao, thông qua mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, chứ không phải nhập khẩu thêm hàng hóa và dịch vụ.

Trung Quốc nắm lượng lớn các tài sản nước ngoài được định giá bằng đồng USD, cùng như nhiều nợ khác định giá bằng đồng nhân dân tệ. Tất nhiên cấu trúc tài sản và nợ này khiến vị thế đầu tư của Trung Quốc rất dễ chịu tác động từ việc đồng USD hạ giá so với đồng nhân dân tệ.

Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng dự trữ ngoại hối của nước này đã vượt quá nhu cầu. Trung Quốc đã cố gắng bằng nhiều cách giảm bớt tốc độ tăng trưởng của dự trữ và bảo vệ giá trị của những tài sản mà nước này đang nắm giữ.

Chính sách mà Trung Quốc đưa ra có thể kể đến: kích cầu, để đồng nhân dân tệ tăng giá dần dần và tạo ra quỹ thịnh vượng. Trung Quốc cũng khuyến khích cải thiện hệ thống tiền tệ quốc tế cũng như quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đáng tiếc, chẳng biện pháp nào phát huy tác dụng. Với lượng vốn và thặng dư tài khoản vãng lai lớn, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Các chính sách trên thất bại bởi nó không giúp giải quyết được nguyên nhân thực tế đằng sau việc dự trữ ngoại hối ngày một tăng, cụ thể chính là biện pháp can thiệp của chính phủ Trung Quốc để ghìm giá đồng nhân dân tệ. Câu hỏi ở chỗ: Trung Quốc chấp nhận chịu thiệt bao nhiêu để làm chậm đà tăng giá của đồng nhân dân tệ?

Phải cho đến khi Trung Quốc quyết định bán tài sản Mỹ, người ta mới có thể biết Trung Quốc lỗ, lãi thế nào. Nếu Mỹ tiếp tục trả nợ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ tiền tiết kiệm vào chứng khoán Mỹ, trò chơi hiện tại sẽ tiếp tục mãi mãi. Tuy nhiên, tình hình này không thể kéo dài mãi. Nếu mọi chuyện càng dai dẳng, hậu quả cuối cùng chỉ tồi tệ hơn.

Nếu Trung Quốc có thể học được bài học nào từ khủng hoảng trần nợ của Mỹ, Trung Quốc nên ngừng các chính sách dẫn đến việc tích lũy quá nhiều ngoại tệ. Xét đến thực tế chính phủ nhiều nước phát triển không ngừng in tiền (gần đây người ta dự báo nhiều hơn về khả năng Mỹ tung ra QE3) Trung Quốc cần nhận ra không nên đầu tư vào tài sản giấy của nhóm nước phát triển.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cần ngừng mua đồng USD và để tỷ giá đồng nhân dân tệ được điều chỉnh bởi thị trường càng sớm càng tốt. Trung Quốc lẽ ra phải làm điều này từ rất lâu rồi. Việc để đồng nhân dân tệ tăng giá không phải không khiến Trung Quốc chịu thiệt mặt này mặt khác. Dù vậy, cái được sẽ nhiều hơn cái mất và kinh tế toàn cầu cũng có lợi.

Tác giả bài viết là cựu thành viên ban hoạch định chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Ngọc Diệp

ngocdiep

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên