MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trung Quốc nghĩ gì] Người Nhật đang "hiểu lầm"

20-08-2013 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc và Nhật Bản đang "ghét nhau" kỷ lục do mâu thuẫn lãnh thổ và quan điểm lịch sử. Tuy nhiên một số học giả Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đang "hiểu lầm" nhiều điều về đất nước họ.

Cuộc điều tra của tổ chức Genron NPO và tờ Nhật Báo Trung Quốc gần đây cho thấy trên 90% người dân Trung Quốc không mấy "cảm tình" với người dân Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn trong vấn đề lãnh thổ và quan điểm lịch sử. Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc cho rằng vẫn còn một nguyên nhân quan trọng khác: Nhật Bản đang có những hiểu lầm về Trung Quốc, đặc biệt là về thể chế chính trị.


Thể chế chính trị hai nước Trung - Nhật không hề giống nhau. Giới ngôn luận Nhật Bản cho rằng "Trung Quốc là một đất nước đặc thù, tồn tại rất nhiều vấn đề". Phát biểu trên tư tưởng này đã nhấn mạnh những mặt trái của Trung Quốc, ảnh hưởng lên suy nghĩ của người dân Nhật Bản và khiến họ cho rằng Trung Quốc là một đất nước tồn tại nhiều nguy hiểm. Các học giả Trung Quốc lý luận rằng họ là một đất nước chủ nghĩa xã hội nhưng người Nhật lại không thấu hiểu toàn diện về chủ nghĩa xã hội nên đánh mất cái nhìn đúng đắn về chính sách và đường lối Trung Quốc.

Đã từ lâu, trong lòng Nhật Bản luôn có sẵn tư tưởng phản đối chủ nghĩa Cộng Sản và mọi tư tưởng liên quan. Trước thế chiến thứ hai, Đảng Cộng Sản Nhật Bản phải hoạt động bí mật. Sau chiến tranh, Nhật Bản trở thành thành viên mặt trận các nước phương Tây và cảnh giác các nước chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, Trung Quốc. Hiện tại Mỹ vẫn đóng vai trò ảnh hưởng cực lớn trong ngoại giao của Nhật nên tư tưởng "ghét" Trung Quốc lại càng mãnh liệt. Nhiều người dân Nhật Bản cho rằng, chủ nghĩa xã hội Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội thời đại Stalin với nền chính trị độc tài cá nhân, kinh tế kế hoạch hóa tập trung kém năng suất.

Trung Quốc cho rằng: Trên thực tế nước này không hề áp đặt mù quáng kinh nghiệm và lý luận của nước ngoài, trái lại còn không ngừng sáng tạo những lý luận phù hợp với mình nên hoàn toàn khác biệt với chủ nghĩa của Stalin. Vì vậy, cái nhìn của Nhật Bản đối với đất nước này có phần phiến diện.

Nhiều người Nhật cho rằng, Trung Quốc là một quốc gia không có dân chủ. Liên Xô trong thời kỳ Stalin và Trung Quốc trong thời kỳ Mao Trạch Đông đều tồn tại những cách thức điều hành mang tính sùng bái cá nhân.

Trung Quốc cho rằng: Sau cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thấm nhuần bài học của Mao Trạch Đông nên luôn tích cực bài trừ những nhân tố độc tài trước đây, phát triển nền chính trị dân chủ mang màu sắc Trung Quốc. Vì vậy, việc cho rằng Trung Quốc áp dụng chế độ độc tài cá nhân theo cách của Stalin là không đúng.

Các nhân sĩ cánh hữu Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng vũ trang và có khả năng đi theo con đường chủ nghĩa quân quốc, đe dọa các nước láng giềng. Sau loạt căng thẳng về vấn đề lãnh thổ, phe cánh hữu lại càng nhấn mạnh quan điểm này và liên tục đưa ra những bình luận tương tự.

Trung Quốc cho rằng: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc là phát triển hòa bình. Trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có xu hướng đi theo con đường như đế quốc Nhật Bản và tiến hành xâm lược. Trái lại, lực lượng vũ trang của đội tự vệ Nhật Bản còn đứng đầu thế giới. Chưa kể đến việc quân đội Mỹ còn đóng quân tại nước này. Xét về vũ trang, Nhật Bản thậm chí còn có khả năng uy hiếp Trung Quốc là đằng khác.

Một số người Nhật cho rằng Trung Quốc có những hành động ích kỷ trên vũ đài quốc tế.

Trung Quốc cho rằng: Thời kỳ mới thành lập đất nước, Trung Quốc từng có đường lối đối ngoại tư lợi, "xuất khẩu cách mạng" một thời của Trung Quốc đã khiến nhiều láng giềng lo lắng. Sau cải cách mở cửa, Trung Quốc luôn áp dụng những chính sách ngoại giao coi trọng hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động toàn cầu. Trung Quốc nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên sau này cần phát huy những tác dụng to lớn hơn về kinh tế và chính trị, do đó sẽ không thể thực hiện những hành động tư lợi.

Hiện tại quan hệ Trung - Nhật đang nằm trong giai đoạn nhạy cảm và thiếu sự thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau về chính trị. Theo giới học giả Trung Quốc, để xóa bỏ những hiểu lầm hai bên thì việc giao lưu giữa nhân dân và đặc biệt là trí thức hai nước trở nên vô cùng quan trọng.

Thùy An

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên