MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vấn đề mới nổi" của các thị trường mới nổi

25-04-2013 - 19:05 PM | Tài chính quốc tế

TTCK toàn cầu đã tăng 6,3% kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù vậy, các thị trường mới nổi lại có những diễn biến trái ngược.

Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến xu hướng tăng điểm mạnh mẽ trong quý I. Giới phân tích cho rằng thị trường được hỗ trợ bởi rất nhiều yếu tố: niềm lạc quan về kinh tế toàn cầu, những thảm họa (như eurozone sụp đổ hay vách đá tài khóa đe dọa nước Mỹ) bị đảo ngược. 

TTCK toàn cầu đã tăng 6,3% kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù vậy, các thị trường mới nổi lại có những diễn biến trái ngược. TTCK của các nước mới nổi đã giảm tổng cộng 4,2% và điều này hoàn toàn không phù hợp với những gì thường xảy ra. Thông thường, các thị trường mới nổi được cho là chứa nhiều rủi ro hơn, nhạy cảm hơn và thường biến động rất mạnh. 

Theo lẽ thường, trong bối cảnh hiện nay, các thị trường mới nổi phải trở thành địa điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư. SocGen nhận định các thị trường mới nổi đem lại lợi suất khoảng 3,1%, cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu kho bạc hay lợi suất của chỉ số MSCI World (gồm 23 thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới). Chỉ số P/B của các thị trường này cũng thấp hơn so với các thị trường phát triển. BNP cũng đánh giá cổ phiếu của các thị trường mới nổi đang ở mức rẻ hơn khoảng 20-25% so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008. 

Điều gì đang xảy ra đối với các thị trường này?

Trong một nghiên cứu mới đây, BNP Paribas đưa ra 8 lý do giải thích cho điều này, bao gồm các yếu tố như lợi nhuận thấp, lạm phát cao hay giá hàng hóa sụt giảm. Theo số liệu từ SocGen, tỷ lệ lợi nhuận/cổ phiếu của các thị trường mới nổi đã giảm 1,8% trong năm 2012. Tỷ lệ ở các nước BRIC – nơi tập trung nhiều nhà đầu tư – sụt giảm tới 8%. Thêm vào đó, về dự báo lợi nhuận trong năm 2013, các thị trường mới nổi còn xếp ở mức tương đương với TTCK của các nước eurozone.

Về khía cạnh kinh tế, Capital Economics chỉ ra rằng đà tăng trưởng kinh tế của các nước này đang bị chững lại. Năm 2010, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tăng trưởng 10% trong khi tăng trưởng của các nước Mỹ Latinh và Đông Âu nằm trong khoảng 5-6%. Giờ đây, tốc độ tăng trưởng của châu Á giảm xuống còn 6%, Mỹ Latinh không thể vượt qua con số 2% và tăng trưởng của Đông Âu gần như bằng 0. 

Có lẽ, phải mất một thời gian nữa các thị trường mới nổi mới có thể quay trở lại quỹ đạo. Theo Goldman Sachs, sự yếu ớt của các thị trường mới nổi chỉ có thể chấm dứt khi các chỉ số đo lường diễn biến của nền kinh tế tăng tốc trở lại và vượt qua ngưỡng báo hiệu sự mở rộng. Đặc biệt, các chỉ số thể hiện diễn biến của kinh tế Trung Quốc có vai trò rất quan trọng. Đà lao dốc mạnh mẽ của thị trường hàng hóa trong thời gian gần đây càng khiến áp lực gia tăng. 

Lập luận của Goldman Sachs nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, lập luận này lại trở nên vô nghĩa khi xét đến diễn biến của TTCK Mỹ. Kể từ đầu năm đến nay, thị trường này đã tăng trưởng tổng cộng 9,1%, bất chấp các dữ liệu đều cho thấy nền kinh tế không mấy sáng sủa.  

Thiên Bình

huongnt

Economist

Trở lên trên