MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ lừa đảo bảo hiểm lớn nhất thập niên 90 ở Nga

17-02-2014 - 16:38 PM | Tài chính quốc tế

Các lãnh đạo của Nasco Taganrog đã cuỗm trọn hơn 6 tỷ rúp tiền bảo hiểm của người dân và trốn biệt tăm.

Nasco Taganrog là một công ty bảo hiểm lớn nhất hoạt động ở thành phố miền cực Tây Liên bang Nga – Taganrog. Năm 1996 công ty này trở thành tâm điểm của vụ bê bối lớn sau khi các lãnh đạo cuỗm trọn hơn 6 tỷ rúp tiền bảo hiểm của người dân và trốn biệt tăm.

Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol đã phát lệnh truy nã nhưng người dân thì vẫn không có chút tia hy vọng nào lấy lại số tiền tích lũy bấy lâu của mình. Vụ việc được phát giác vào tháng 2/1995, khi chi cục thuế tỉnh Rostov-on-Don nhận được tin báo về việc Công ty bảo hiểm Nasco-Taganrog có khoản lưu ký tiền gửi hơn 1 triệu USD tại chi nhánh địa phương của ngân hàng Petrovsky.

Trả lời truyền thông địa phương, đại diện cơ quan thuế cho biết, tin báo này đã khiến họ vô cùng ngạc nhiên, bởi, theo báo cáo thuế, con số lợi nhuận của công ty này không bao giờ vượt quá 25 triệu rúp (khoảng 700.000 USD). Hơn nữa, cơ quan thuế tưởng rằng, công ty này đã ngừng hoạt động từ tháng 6/1994 sau khi cảnh sát  địa phương khởi tố vụ án liên quan đến việc sử dụng giấy phép giả mạo.

Và thế là một cuộc điều tra được tiến hành ngay lập tức. Trong khi đó, đại diện cơ quan cảnh sát kinh tế cho biêt, lãnh đạo công ty này, bà Lylya Noskova đã lách luật bằng cách thành lập một tổ chức mới có tên gọi Văn phòng bảo hiểm xã hội Nasco và giải thích với các cơ quan chức năng là Văn phòng này là đơn vị trực thuộc của Liên đoàn Lao động tỉnh Rostov.

Điều này cho phép Nasco-Taganrog không bị ràng buộc bởi điều kiện cần phải có giấy phép hoạt động bảo hiểm và đăng ký thuế. Ngoài ra, bà Noskova còn tự tin tuyên bố với các nhân viên của mình rằng, tổ chức mới của họ là một đơn vị xã hội nghề nghiệp và không chịu sự kiểm soát của cơ quan thuế.

Vào tháng 7/1994, theo chỉ đạo của bà Noskova tất cả các nhân viên cũ tại Nasco-Taganrog chuyển sang làm việc tại Văn phòng bảo hiểm xã hội Nasco. Đầu tiên, Văn phòng này bán các dịch vụ bảo hiểm cho các cán bộ, nhân viên trong Liên đoàn lao động của tỉnh, đúng như quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên, sau đó Văn phòng này chuyển sang hoạt động bảo hiểm cá nhân.

Sau khi nhận giấy phép vào tháng 3/1995, công ty này triển khai một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông địa phương nhằm thu hút tiền gửi bảo hiểm của người dân. Không ít người dân đã tin vào mức lợi nhuận quá khủng lên tới 195% trong vòng 3 tháng và mang tiền của của mình đổ vào các mạng lưới của Nasco-Taganrog. Theo ước tính, tổng số khách hàng cá nhân của công ty này đã vượt quá con số 10.000 người. Sự tham gia ồ ạt của người dân đã biến Nasco-Taganrog thành công ty bảo hiểm lớn nhất vùng.

Sau khi thu gom được số tiền khủng này từ người dân, Nasco-Taganrog ngay lập tức triển khai các gói tín dụng cho các doanh nghiệp và cá nhân. Tổng số các khoản tín dụng ước tính hơn 1 tỷ rúp (khoảng 28 triệu USD). Ngoài ra, một khoản đóng góp khác cũng của người dân với giá trị 220 triệu rúp đã được gửi tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Don. Tuy nhiên, khoản tiền gửi ngân hàng này không nằm trong hạch toán công khai, trong khi việc trích quỹ dự phòng cũng không được thực hiện.

Tháng 6/1995 cảnh sát thuế quyết định khởi tố vụ án đối với Noskova về tội trốn thuế đặc biệt nghiêm trọng. Quá trình kiểm toán tại Văn phòng Bảo hiểm xã hội Nasco đã làm rõ Phó giám đốc Irina Lydovsky đã làm hai bản kế toán song song. Trong đó, ở một bản kê khai hoạt động của Văn phòng mỗi ngày đưa vào không quá 10% hợp đồng bảo hiểm và tiền gửi. Số còn lại trong ngày được tính vào khoản riêng của Lydovsky.

Cảnh sát cho biết, quá trình khám xét nhà và nơi làm việc của Noskova đã làm rõ bà này đã trốn thuế tổng cộng 6 tỷ 166 triệu rúp (tương đương hơn 170 triệu USD).

Khi quá trình điều tra bắt đầu thì cũng là lúc Noskova cùng con gái và cháu gái bỏ trốn mang theo toàn bộ số tiền hơn 6 tỷ rúp. Ngay sau đó vụ án được mở rộng điều tra theo hướng tội phạm trốn thuế có tổ chức. Ngoài cảnh sát địa phương, các cơ quan sức mạnh khác cũng vào cuộc điều tra, gồm: Văn phòng công tố viên, Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh liên bang FSB.

Quá trình điều tra hồ sơ về Nasco-Taganrog đã làm sáng tỏ công ty này hoạt động theo nguyên tắc của mô hình kim tự tháp tài chính. Vụ án này lại được khởi tố theo khoản 3 điều 147 Bộ luật hình sự Nga về tội “lừa đảo quy mô đặc biệt lớn”. Ủy ban điều tra đã không loại trừ khả năng nghi phạm trốn ra nước ngoài, nên đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Interpol. Tuy nhiên, việc truy tìm kẻ lừa đảo, theo các nhà điều tra, vẫn đặc biệt khó khăn.

Tòa án địa phương đã nhanh chóng tịch biên toàn bộ tài sản của Công ty Nasco-Taganrog và cá nhân Noskova để ngăn ngừa khả năng tẩu tán.

Sau khi chính quyền thành phố phát hiện khoản tiền gửi tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Don, họ đã tịch thu toàn bộ cả gốc lẫn lãi với trị giá 257 triệu rúp để “cứu trợ” những nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ bê bối này. Còn nhiều người bị thiệt hại khác thì chưa rõ sẽ nhận lại được điều gì. Vụ lừa đảo chưa rõ hồi kết này được xem là lớn nhất trong thập niên 1990 ở Nga.

Theo Danh Nguyễn

huongnt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên