MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao giá cà phê và yến mạch tăng nhanh hơn giá dầu?

28-12-2021 - 19:28 PM | Thị trường

Tại sao giá cà phê và yến mạch tăng nhanh hơn giá dầu?

Giá lương thực trên toàn cầu đã tăng mạnh trong năm nay, trong đó yến mạch và cà phê (kỳ hạn tương lai) trở thành những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.

Trong năm 2021, giá yến mạch đã tăng 87%, trong khi cà phê tăng 81%. Tốc độ tăng như vậy đã vượt xa dầu mỏ và khí đốt – những thị trường vẫn đang hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn thế giới hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19.

Nông sản thường không phải là nhóm hàng hoá dễ biến động mạnh. Tuy nhiên, những sự kiện cụ thể có thể tác động rất lớn đến những mặt hàng này.

Phiên giao dịch ngày 23/12, giá cà phê robusta kỳ hạn tương lai trên sàn Liên lục địa (ICE) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ khi nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn bởi những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, bao gồm thiếu nhân lực và container để vận chuyển. Theo đó, cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 đạt 2.381 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 8/2011. Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu mua mạnh để dự trữ trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoán vì dòng chảy cà phê từ Việt Nam – nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới – chưa thông suốt, mặc dù việc thu hoạch cà phê ở Việt Nam đạt tiến độ tốt với hơn 60% đã được thu hoạch trong điều kiện thời tiết khô ráo.

Lượng cà phê dự trữ tại các kho của sàn IEC ngày 22/12 chỉ còn 99.190 tấn, giảm so với 109.040 tấn một tháng trước đó.

Điều kiện thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng

Cà phê và yến mạch là các loại cây trồng khác nhau, cà phê được trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới, còn yến mạch phù hợp với môi trường phía Bắc. Tuy nhiên, cả hai loại cây này trong năm vừa qua đều phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt – yếu tố thường đẩy giá hàng hóa lương thực tăng vọt.

Giá cà phê tăng đột biến bắt nguồn từ các đợt hạn hán, sau đó là các đợt sương giá nghiêm trọng ở Brazil, nơi chiếm 1/3 sản lượng cà phê toàn cầu. Theo Conab - cơ quan dự báo nông nghiệp của Brazil, sản lượng arabica – loại cà phê được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn cầu - của quốc gia này giảm gần 40% so với năm ngoái. Trong khi đó, mưa quá nhiều lại ảnh hưởng đến điều kiện sinh trưởng của cây cà phê ở Colombia, nhà cung cấp arabica lớn thứ hai thế giới.

Những thách thức trong chuỗi cung ứng, như tắc nghẽn cảng hoặc thiếu nhân công, cũng hạn chế hoạt động vận chuyển cà phê cho khắp thế giới, và chi phí năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến giá phân bón cũng góp phần làm tăng giá cà phê. Trong khi đó, để trồng và thu hoạch bổ sung cây cà phê phải mất tới vài năm.

Đối với yến mạch – loại ngũ cốc chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, hạn hán ở khắp miền Tây nước Mỹ bắt đầu từ năm 2020 buộc nông dân phải giảm diện tích trồng yến mạch trong năm nay, dẫn đến sản lượng của Mỹ cũng giảm 40% trong năm nay và đẩy giá tăng lên.

Ngoài ra, nhu cầu yến mạch trên toàn cầu không ngừng tăng. Tom Brady, Giám đốc điều hành của Trung tâm Hàng hóa JPMorgan thuộc Trường Đại học Kinh doanh Colorado Denver, khi kinh tế các nền kinh tế mới nổi ngày càng tăng, thu nhập của người tiêu dùng tăng theo, số người thuộc tầng lớp trung lưu theo đó cũng tăng, dẫn tới việc thay đổi chế độ ăn uống - thúc đẩy nhu cầu ăn thịt nhiều hơn, "Vì vậy, chính những yếu tố cơ bản về cung và cầu cũng như địa chính trị" đang thúc đẩy giá hàng hóa tăng lên".

Khi nào 'gánh nặng' giá nguyên liệu tăng sẽ chuyển sang các quán cà phê và cửa hàng?

Giá hàng hóa các hợp đồng kỳ hạn tương lai tăng có nghĩa là giá cà phê và yến mạch có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai.

Trên thực tế, gánh nặng giá cả có lẽ đã bắt đầu chuyển sang vai người tiêu dùng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá ngũ cốc và các sản phẩm bột mì đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê tại Mỹ đã tăng 7% trong một năm qua, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Theo David Ortega, Phó Giáo sư thuộc Đại học Bang Michigan - người tập trung vào kinh doanh nông nghiệp: Có thể mất một thời gian nữa để toàn bộ mức giá nguyên liệu tăng cao thể hiện đầy đủ ở các sản phẩm hạ nguồn, vì cà phê là một mặt hàng có thể tích trữ. Ví dụ, Starbucks tháng 7/2021 cho biết họ đã mua cà phê trước từ 12 đến 18 tháng. Các nhà bán lẻ cũng đang xác định mức giá và thời điểm chuyển giá cho người tiêu dùng.

Theo PGS Ortega, các quán cà phê sẽ không chỉ phải phải chịu ảnh hưởng của chi phí cà phê mà còn phải chịu các chi phí khác như lao động và những thiếu hụt khác trong chuỗi cung ứng. Ông nói: "Thật bất thường khi thấy những giá này tăng lên", "Những tác động của đại dịch đã thể hiện ở giá một số loại hàng hóa, nhưng phần lớn giá tăng đó sẽ được chuyển sang "ví’ của người tiêu dùng".

Tham khảo: Bloomberg, Ancstockinvestment

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên