MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tết méo” của dân công sở chẳng có thưởng hay lương tháng 13: Nghỉ ngơi trong gánh nặng

02-02-2024 - 00:05 AM | Lifestyle

“Tết méo” của dân công sở chẳng có thưởng hay lương tháng 13: Nghỉ ngơi trong gánh nặng

Chi tiêu Tết của nhân sự năm nay không có tiền thưởng, lương tháng 13 dịp cuối năm sẽ như thế nào?

Trong năm qua, khi kinh tế khó khăn bao trùm các doanh nghiệp, số đông dân văn phòng chấp nhận ăn Tết khi không có tiền thưởng hay lương tháng 13. Khi Tết đang đến rất gần, việc chuẩn bị tài chính để đón Tết thế nào hẳn là nỗi lo chung của nhiều người.

Không có lương tháng 13, Tết chẳng thể “tròn”

Thu Hà (24 tuổi) đang làm sale cho một công ty thiết bị tại Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, cô vẫn chưa nhận đủ lương của tháng 12. Do đó, Thu Hà cũng biết trước mình sẽ không có thưởng Tết và lương tháng 13.

“Chuyện không có lương tháng 13 mình cũng đoán được, vì tình hình kinh doanh vừa rồi của công ty không được tốt. Mình làm việc tại công ty từ đầu năm ngoái. Tuy nhiên, mình cũng có thể trong tầm ngắm bị cho layoff nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài khi ra Tết".

“Tết méo” của dân công sở chẳng có thưởng hay lương tháng 13: Nghỉ ngơi trong gánh nặng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cũng đón Tết trong tâm trạng lo lắng vì dự đoán không có tiền thưởng cuối năm là Thái Trinh (27 tuổi, Hà Nội). Thái Trinh đã kết hôn và đây là năm đầu tiên vợ chồng cô đón Tết khi cả hai không có lương thưởng trong những ngày cuối năm.

Thái Trinh tâm sự: “Chồng mình làm huấn luyện viên thể hình nên không bao giờ có thưởng tháng 13. Tuy nhiên, cuối năm anh thường có thưởng Tết nếu đạt doanh số tốt. Nhưng năm nay khoản này bị cắt giảm vì anh mới chuyển việc.

Còn phần mình, đây là năm đầu tiên đi làm mà không có lương tháng 13. Do đó, chi tiêu Tết của mình chỉ gói gọn vào mức lương tháng 1 và tiền lương ứng trước của tháng 2. Áp lực để vun vén tài chính cho gia đình những ngày cuối năm là không tránh khỏi".

Giống như Thu Hà, một cái Tết không có tiền lương tháng 13 là điều Thái Trinh đã tính toán trước. Cô tâm sự: “Năm vừa rồi, bộ phận mình hoạt động không hiệu quả. Không chỉ nhiều nhân viên bị sa thải mà lương tháng của người ở lại cũng giảm chỉ bằng 2/3 so với trước đây. Nhiều đồng nghiệp đã phải tìm công việc part time để có thêm thu nhập chi tiêu.

Tiền lương bị giảm mạnh mà trong hôm liên quan cuối năm, cấp trên phát video kể khổ về khó khăn của công ty. Thế nên mình và các đồng nghiệp cũng đoán được trước là năm nay không có lương thưởng gì cho Tết cả".

Kỳ nghỉ thắt lưng buộc bụng, không ăn kiêng nhưng mồm vẫn phải “bóp”

Tết Nguyên đán năm nay đặc biệt hơn mọi năm với Thu Hà. Bởi lẽ ngoài lo toan chuyện chi tiêu Tết, cô cũng cần dự phòng trước một khoản để chuẩn bị sang năm mới nếu chẳng may rơi vào danh sách nhân sự bị sa thải của công ty. Không có thưởng Tết và lương tháng 13 ít nhiều cũng gây áp lực tài chính lên Thu Hà.

“Trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới, một vài kế hoạch chi tiêu trước kia mình đề ra buộc phải huỷ bỏ. Chẳng hạn mình từng dự định sẽ giúp bố mẹ mua vài đồ dùng mới trong nhà như tủ lạnh và lò vi sóng. Ngoài ra, mình định sẽ làm nail và làm đẹp trước Tết, nhưng giờ thấy nó không cần thiết.

Còn về việc có thể bị sa thải, mình đã chuẩn bị một khoản chi tiêu cho sinh hoạt tối thiểu trong 1-2 tháng. Thêm nữa, mình cũng chuẩn bị CV và tìm đến một số trang tuyển dụng để có kế hoạch tìm ra công việc mới phù hợp hơn nếu cần”, Thu Hà nói.

“Tết méo” của dân công sở chẳng có thưởng hay lương tháng 13: Nghỉ ngơi trong gánh nặng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Tết là thời điểm chi tiêu tốn kém nhất của Thu Hà trong năm. Dù còn độc thân nhưng cô thường tốn đến 15 - 20 triệu đồng. Trong đó, cô sẽ biếu bố mẹ ở quê 5 triệu đồng, mừng tuổi ông bà 3-4 triệu đồng, cùng nhiều chi phí phát sinh trong Tết. Ngoài ra, như bao cô gái khác, Thu Hà cũng cần tiền để lo toan mua quần áo, giày dép, mỹ phẩm, làm tóc mới… Tuy nhiên, cô dự tính sẽ cần cắt giảm một số khoản chi do tài chính không còn dư dả như năm cũ.

Được biết, vì ý thức rằng chi tiêu Tết sẽ tốn kém nên từ vài tháng trước, Thu Hà đã chuẩn bị bằng cách để riêng vài triệu đồng mỗi tháng. Do đó, trong những ngày cuối năm dù không có lương tháng 13 cô vẫn xoay xở được.

Còn về phía Thái Trinh, dù “tổng vốn" của vợ chồng sụt giảm nhưng chi tiêu Tết khó có thể lược bỏ khoản nào. Bởi vợ chồng cô làm ăn xa quê, ngày thường mẹ chồng chỉ sống một mình. Do đó, họ tự có ý thức rằng dù thu nhập có giảm thì cũng phải lo toan một cái Tết đầy đủ.

“Tết méo” của dân công sở chẳng có thưởng hay lương tháng 13: Nghỉ ngơi trong gánh nặng - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Chỉ riêng bản thân, Thái Trinh đã dự tính cô cần chi 30 triệu đồng cho mùa Tết. Bao gồm 10 triệu đồng tiền mặt biếu bố mẹ 2 bên, 10 triệu đồng mua đồ chuẩn bị Tết, 10 triệu đồng còn lại để chi tiêu cho bản thân và chuẩn bị tiền lì xì, đồng thời trả các khoản phát sinh khác trong dịp Tết.

“Trước Tết, mình cũng chỉ biết lên danh sách những đồ cần mua, tìm chỗ mua giá rẻ thôi. Và mình tính toán một hồi đều thấy các khoản chi nào cũng cần thiết, không thể bớt được khoản nào. Nếu ‘chắt bóp' nhiều quá thì còn gì ý nghĩa ngày Tết? Vậy nên, mình cũng tự nhủ thôi chấp nhận tiêu nhiều vào những ngày này, có gì năm sau lại cố gắng kiếm tiền lấp bù", Thái Trinh chia sẻ cách vợ chồng cô chi tiêu ngày Tết.

Sau cùng, Thái Trinh cho rằng so với thời độc thân, Tết không còn là những ngày tháng vô tư mà mang nhiều áp lực hơn trước rất nhiều.

Từ sau lấy chồng, Tết với mình là ‘cuộc chiến' chứ không còn là ngày vui như thời độc thân. Ngày trước, đến Tết mình vui lắm, vừa được nghỉ làm mà còn có thời gian về quê, sum vầy cùng gia đình. Nhưng từ ngày kết hôn, Tết trở thành những ngày phải tính toán từng đồng một bỏ ra. Nếu gia đình nào mà không có tài chính đủ mạnh, Tết thực sự là một nỗi ám ảnh", Thái Trinh bày tỏ.

Theo Vân Anh - Design: Anh Nhân

Phụ nữ mới

Trở lên trên