MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ thống kê doanh số ô tô tải quý II đang hồi trong khi ô tô khách thu hẹp đà tăng?

Theo thống kê của VAMA doanh số xe tải quý II đang có dấu hiệu phục hồi trong khi doanh số xe chở khách bị chững lại.

Theo kết quả thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng tiêu thụ xe các loại trong 6 tháng đầu năm đạt 125.487 xe, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe chở khách đạt 74.438 xe, tăng trưởng 11% trong khi các loại xe khác vẫn giảm.

Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn từ 2015 đến nay, sản lượng tiêu thụ xe chở khách đang có xu hướng thu hẹp đà tăng trưởng khi mà năm 2015 tốc độ tăng trưởng ở mức rất cao 47%, sang năm 2016 xuống 36% và đến quý I, quý II/2017 chỉ còn tăng lần lượt 16% và 11%.

Ngược lại, sản lượng tiêu thụ xe tải (thuộc nhóm xe thương mại) của các thành viên VAMA trong quý II/2017 cải thiện rõ nét khi tăng mạnh so với quý I/2017 (tăng 40%) và chỉ giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm đáng chú ý vì sau đợt tăng nóng 2015, kết quả bán hàng sản phẩm xe tải kể từ quý III và IV/2016 của các thành viên VAMA đều có sự sụt giảm đáng kể. Nếu như năm 2015, tốc độ tăng trưởng đạt đến 72% thì năm 2016 chỉ còn tăng trưởng 22% và đến quý I/2017 đảo chiều sụt giảm 7% và quý II vừa qua thì đà giảm này là 8%.

Ô tô tải đã thấy điểm hồi?

Nhìn lại từ năm 2016 đến quý I/2017, các đơn vị sản xuất và kinh doanh ô tô tải như CTCP Ô Tô TMT (HOSE: TMT) hay CTCP Kỹ thuật và Ôtô Trường Long (HOSE: HTL), CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) đã chịu ảnh hưởng khá nặng từ việc thị trường bão hòa sau đợt tăng nóng giai đoạn 2014 – 2015, doanh thu và lợi nhuận của hai đơn vị này cùng giảm dần. Cụ thể, hai quý cuối năm 2016, TMT chỉ còn lãi vỏn vẹn vài trăm hay hơn 1 tỷ mỗi quý; bước sang đến quý I/2017 thì chính thức lỗ ròng 12,2 tỷ đồng. Trong khi đó, HTL khá hơn một chút với mức lãi 5,4 và 8,2 tỷ cho quý III và IV/2016, đến quý I/2017 còn lãi 1,9 tỷ đồng. Còn với HHS tuy lợi nhuận ròng vẫn duy trì khả quan nhưng chủ yếu nhờ hoạt động tài chính trong khi lợi nhuận gộp của việc bán hàng giảm dần và thậm chí quý I/2017 bị lỗ gộp.

Đi kèm với kết quả kinh doanh đi xuống là giá cổ phiếu các đơn vị sản xuất và kinh doanh ô tô tải nói trên cũng cắm đầu giảm. TMT từ trên 30.000 đồng rớt về mốc 12.000 đồng/CP, HTL cũng từ 150.000 đồng rớt về dưới 50.000 đồng/CP và HHS giảm từ trên 10.000 đồng xuống dưới 5.000 đồng/CP tính từ đầu năm 2016 đến nay.

Với số liệu mà VAMA công bố đang cho thấy doanh số tiêu thụ xe tải quý II/2017 khá là khởi sắc khi đạt 22.351 chiếc, cải thiện mạnh so với quý I (15.957 chiếc) và đà giảm so với cùng kỳ năm trước dường như đã khựng lại với mức giảm 8% (quý I giảm 7%).

Chia sẻ với báo NDH, đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Huy cho biết nếu tính chung 6 tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ xe tải của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) chỉ đạt 1.092 chiếc, vẫn còn giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, song xét riêng quý II/2017 thì sản lượng tiêu thụ là 625 chiếc, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt đối với một thành viên khác trong Tập đoàn Hoàng Huy là CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HOSE: TCH), quý đầu năm tài chính 2017 (giai đoạn từ 01/4/2017 – 30/6/2017), lượng tiêu thụ xe đầu kéo Mỹ International của Công ty đạt 972 chiếc, tăng mạnh so với 592 chiếc của quý trước đó.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Huy cũng nhìn nhận tốc độ tiêu thụ xe tải có những dấu hiệu cho thấy đã vượt đáy, hai mốc tiêu thụ thấp nhất là giữa quý III và quý IV/2016, còn quý I/2017 là quý Tết nên không xét thì đến quý II/2017 đã tăng nhẹ. Việc doanh số tiêu thụ quý II của HHS đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm trước là một ví dụ.

“Do hiện tượng dư thừa nguồn cung nên năm 2016 cho tới hết quý I/2017, toàn ngành xe tải đều suy giảm mạnh và HHS cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Doanh số quý II cải thiện là nhờ việc Công ty đã nỗ lực trong việc bán hàng để duy trì thị phần, đồng thời thực hiện cải tiến sản phẩm và phát triển hoạt động dịch vụ và linh kiện dễ dàng tới tay người tiêu dùng”, vị lãnh đạo cho biết thêm.

Ông Bùi Văn Hữu - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô TMT (HOSE: TMT), từng chia sẻ trên báo chí là kết quả kinh doanh của Công ty giảm do xe tải Trung Quốc 2 năm qua sản lượng tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017. Lý do chủ yếu do công tác hậu bán hàng, dịch vụ chưa tốt.

Để cải thiện hình ảnh và ràng buộc trách nhiệm của Sinotruck với khách hàng Việt Nam, đầu năm 2017, TMT Motor đã yêu cầu Sinotruk phải ký hợp tác đảm bảo chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, hai bên sẽ đầu tư 3 tổng kho lớn, mỗi kho có diện tích 3.000 - 5.000m2 chuyên để lưu trữ phụ tùng xe Sinotruk tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Với giải pháp này, khi xe gặp sự cố, TMT Motor sẽ có xe lưu động chuyển ngay phụ tùng đó xuống các đại lý, dịch vụ sửa chữa cho khách hàng.

Với những động thái từ HHS và TMT về việc đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, kèm theo đó là doanh số xe tải của các thành viên trong VAMA đang theo chiều hướng tích cực, phải chăng, chu kỳ tăng trưởng của nhóm xe tải đã trở lại?

Ô tô khách phân hóa

Xét về tổng quan, đà tăng trưởng của mảng xe chở khách đang suy giảm nhưng khá phân hóa. Ví dụ như, riêng với mặt hàng Mercedes-Benz Vietnam vẫn đạt mức tăng trưởng cao 37% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017 có 3.375 chiếc Mercedes-Benz Vietnam được tiêu thụ, tăng 908 chiếc tức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh – Haxaco (HOSE: HAX), đơn vị chuyên phân phối xe Mercedes-Benz tại Việt Nam có thể cũng sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan trong quý II.

Hay CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HOSE: SVC) là đơn vị kinh doanh các sản phẩm của Mitsubishi, Toyota, Honda, đây đều là những thương hiệu có mức tăng trưởng trên 20% trong nửa đầu năm 2017. Cụ thể, GM Việt Nam tiêu thụ 5.716 chiếc, tăng trưởng 32%; Mitsubishi tiêu thụ 2.987 chiếc, tăng trưởng 21%, Toyota đạt 19.638 chiếc, tăng trưởng 19%; Honda đạt 5.436 chiếc, tăng trưởng 22%.

Ngược lại, Thaco Kia trong 6 tháng đầu năm 2017 lại có sản lượng tiêu thụ giảm 1.619 chiếc, ứng với mức giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, trong quý I/2017, CTCP Ôtô Trường Hải (THACO) ghi nhận doanh số bán Thaco Kia giảm 7%, tức giảm 450 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty chững lại. Doanh thu quý I/2017 đạt 12.792 tỷ, trong đó, doanh tu bán xe là 11.245 tỷ, giảm 600 đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ sụt giảm 28% chỉ còn đạt 1.255 tỷ đồng.

Một số chính sách tác động đến ngành ô tô đã và dự kiến ban hành

Cuối tháng 5/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 942/2017 điều chỉnh bảng giá tính lệ phí trước bạ (LPTB) với ô tô, xe máy áp dụng từ ngày 24/5. Quyết định này bổ sung giá tính LPTB của 135 loại ô tô chín chỗ trở xuống nhập khẩu; 19 loại ô tô chín chỗ trở xuống lắp ráp trong nước; hai loại ô tô điện nhập khẩu và nhiều loại xe khác.

Từ 1/1/2017, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm xuống còn 30% so với mức 40% của năm 2016 và tiến tới còn 0% vào đầu năm 2018.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Trong đó, có quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên