MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế hệ 8x, 9x dù gặp khó khăn tài chính cũng đừng "mơ" thừa kế tài sản của ông bà, đây là lý do!

26-11-2023 - 15:51 PM | Lifestyle

Ngày càng có nhiều người xây dựng sự giàu có thông qua các phương tiện khác hơn là dựa vào tài sản của người đi trước.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ann C. Logue trên tờ Business Insider.

Vào năm bà ngoại chồng của tôi – bà Sue – bước sang tuổi 87, gia đình chúng tôi nhận thấy đã đến lúc chúng tôi phải tiếp quản công việc của bà.

Lúc ấy bà đang ốm yếu và ông thì mới qua đời nên chúng tôi quyết định rằng bà nên chuyển giao tài chính của mình cho con cháu. Tổng các khoản tiền tiết kiệm hưu trí và số tiền thu được từ việc bán một căn nhà trước đó, bà có khoảng 250.000 USD (tương đương 6 tỷ VNĐ).

Thế hệ 8x, 9x dù gặp khó khăn tài chính cũng đừng "mơ" thừa kế tài sản của ông bà, đây là lý do!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bà nói với chồng tôi rằng anh ấy sẽ là người thừa kế tất cả số tài sản đó. Nhìn thì có vẻ như khoản thừa kế đó sẽ là nguồn trợ giúp tài chính rất lớn cho gia đình vì nó vừa đủ để trả hết khoản thế chấp của chúng tôi.

Thế nhưng chồng tôi lại không trông chờ lắm vào khoản tiền may mắn này.

Bà có thể trang trải chi phí hỗ trợ sinh hoạt bằng thu nhập bà nhận được từ quỹ an sinh xã hội và thu nhập từ khoản tiền gửi tiết kiệm của bà. Nhưng sau 6 năm, bà cần được chăm sóc suốt ngày đêm và cuối cùng được chuyển vào viện dưỡng lão.

Quãng thời gian hay đổi môi trường sống đó thực sự khó khăn và chi phí tại viện dưỡng lão không hề rẻ. Tuy nhiên chúng tôi đều đồng tình vì việc đó sẽ giúp bà cảm thấy thoải mái. Cuối cùng, bà đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm để thanh toán các hóa đơn. Và sau 8 năm, bà đã tiêu hết phần lớn tài sản vốn định để lại cho cháu trai.

Khi qua đời, bà để lại tài sản cho chồng tôi thông qua hình thức thừa kế phổ biến nhất, được gọi là di chúc không có chủ đích (người thừa kế sẽ được hưởng số tiền còn lại chưa xác định của người viết di chúc sau khi người đó qua đời).

Ngược lại, di chúc có chủ đích là di chúc mà những người thừa kế sẽ được hưởng một khoản tài sản đã xác định, thông thường là thông qua tài khoản ủy thác hoặc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Giới trẻ không nên hy vọng vào tài sản thừa kế

Câu chuyện về sự chuyển giao tài sản giữa các thế hệ không phải là mới. Tờ New York Times đã từng đề cập đến sự bùng nổ tài sản thừa kế vào các năm 2023, 2019, 2014, 2008 và 1999.

Câu chuyện được hiểu một cách rất đơn giản như thế này: "Silent generation" hay còn gọi là "Thế hệ im lặng" – là những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ những năm 1928 đến 1945 và còn có tên gọi khác là "Thế hệ truyền thống nhất" – sẽ để lại những khoản tiền khổng lồ cho "Thế hệ Boomer" – những người được sinh ra từ năm 1946-1964.

Thế hệ 8x, 9x dù gặp khó khăn tài chính cũng đừng "mơ" thừa kế tài sản của ông bà, đây là lý do!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khi đó, những người thuộc Thế hệ Boomer có nhiều tài sản hơn mức họ cần để chi tiêu, vì vậy họ sẽ sớm chuyển những khoản tiền đó cho Thế hệ X (những người được sinh ra từ năm 1965-1980) và thế hệ Millennial (những người được sinh ra từ năm 1981-1996), đây là hai thế hệ đang gặp khó khăn về tài chính.

Vậy khi nào việc chuyển giao này sẽ diễn ra? Có phải cha mẹ chúng ta đang sở hữu hàng triệu USD mà chưa nói với chúng ta? Liệu chúng ta có sớm chứng kiến bước nhảy vọt thay đổi cuộc sống về giá trị tài sản ròng của những nhóm thế hệ trẻ hay không?

Trong một bài báo năm 2011, 2 nhà nghiên cứu nhân khẩu học gồm Edward Wolff của Đại học New York và Maury Gittleman của Cục Thống kê Lao động Mỹ đã xem xét dữ liệu từ năm 1989 đến năm 2007 để xem liệu trên thực tế có một cuộc chuyển giao tài sản lớn hay không và thấy rằng tổng số hộ gia đình có báo cáo thừa kế đã giảm 2,5 điểm phần trăm, tức là rất ít tài sản của Thế hệ im lặng được được chuyển đến cho Thế hệ Boomer.

"Mặc dù thực tế là từ năm 1989 đến năm 2007, Thế hệ Boomer đang ở độ tuổi thừa kế và tài sản của cha mẹ họ, tức là Thế hệ im lặng, đạt mức cao nhất của cuộc đời đối với nhóm tuổi đó, thế nhưng việc chuyển giao tài sản lại rất trầm lắng".

Bên cạnh đó, trong nghiên cứu này, Wolff và Maury lại phát hiện ra một điều rằng, Thế hệ Boomer lại rất giàu có, nhưng sự giàu có đó lại rất ít liên quan đến việc thừa kế tài sản, vì thế họ kết luận rằng ngày càng có nhiều người xây dựng sự giàu có thông qua các phương tiện khác hơn là dựa vào tài sản của người đi trước.

Tuy nhiên, có một thực tế đó là mặc dù tổng tài sản mà những người thuộc Thế hệ Boomer nắm giữ là rất nhiều nhưng phần lớn tài sản đó lại thuộc về số ít người nắm giữ, chẳng hạn như các tỷ phú Michael Bloomberg, Warren Buffett, Larry Ellison và Bill Gates là những nằm trong nhóm nhân khẩu học này, tài sản của họ cực kỳ lớn nhưng nó sẽ không thể đến tay tất cả mọi người.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, giá trị tài sản ròng trung bình của những người trong độ tuổi từ 65 đến 74 là 266.400 USD (645 tỷ VNĐ) vào năm 2019, không cao hơn nhiều so với giá trị tài sản ròng trung bình của các nhóm nhân khẩu học ở độ tuổi khác.

Điều này đang nói đến chênh lệch và khoảng cách giàu nghèo. Xã hội luôn tồn tại hiện tượng này, vì thế việc thừa kế cũng không thể tránh khỏi nó.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang, các gia đình thuộc 1% người Mỹ giàu có nhất cho biết mức tài sản thừa kế họ nhận được trung bình lên đến 941.000 USD/năm (hơn 22 tỷ VNĐ).

Ngược lại những gia đình có thu nhập nằm trong khoảng từ 51% đến 90%, tức là khá giả, khoản thừa kế trung bình là 46.000 USD/năm (1,1 tỷ VNĐ).

Còn những gia đình ở 50% dưới cùng của thang phân bổ tài sản, những gia đình không có điều kiện thì trung bình họ nhận được tài sản thừa kế ở con số 9.700 USD/năm (235 triệu VNĐ). Với số tiền thừa kế như vậy thì rất khó để có thể thay đổi cuộc sống.

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania cũng chỉ ra điều tương tự. Theo đó, họ phát hiện ra rằng khả năng để một người nhận được tài sản thừa kế trong khoảng thời gian 5 năm (ở bất kỳ giai đoạn nào) nào là 7,4%.

Khả năng đó càng tăng ở nhóm người giàu, cụ thể những người nằm trong top 5% người có thu nhập cao nhất có 11,2% cơ hội nhận được tài sản thừa kế trong cùng khoảng thời gian. Các nhà nghiên cứu của Penn ban đầu phát hiện ra rằng mức thừa kế trung bình trong số tất cả những người tham gia khảo sát chỉ hơn 12.000 USD (291 triệu VNĐ).

Tuy nhiên con số này là chưa chính xác bởi nó chia đầu người trên cả những người thực tế không có quyền thừa kế. Do đó, khi họ tiến hành tính toán mức thừa kế trung bình giữa những người thực sự được nhận thừa kế, kết quả cao hơn một chút: 183.914 USD (4,4 tỷ VNĐ). Trong đó, những gia đình nằm trong top 5% nhận được tài sản thừa kế vượt xa những gia đình còn lại - nhận được mức trung bình là 424.343 USD (10,3 tỷ VNĐ).

Cả nghiên cứu của Fed và khảo sát của Penn dường như đều chỉ ra cùng một kết quả, và nó trả lời cho câu hỏi ở phía trên: Nếu gia đình bạn đã giàu có, rất có thể bạn sẽ nhận được một tài sản thừa kế và đó sẽ là một tài sản lớn. Còn nếu gia đình bạn không thuộc nhóm đó thì việc bạn có thể giàu lên phải tìm cách khác, đừng hy vọng nhiều.

Chi phí dưỡng già sẽ dập tắt hi vọng thừa kế

Hai nghiên cứu ở trên mới chỉ chỉ ra được xu hướng thừa kế giữa các thế hệ, nhưng nó chưa tính đến một yếu tố có thể thay đổi hoàn toàn mức thừa kế trung bình – đó là chi phí dưỡng già. Điều này có nghĩa là ngay cả trong số những người Mỹ may mắn được thừa kế, rất có thể lúc cha mẹ của họ qua đời, khoản tài sản để lại sẽ chẳng nhiều như họ nghĩ.

Câu chuyện mà tôi đưa ra về bà ngoại chồng của tôi ở phần đầu chính là ví dụ điển hình cho điều này: Chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ làm vỡ bất kỳ kế hoạch thừa kế nào.

Trong cuộc khảo sát gần đây nhất về chi phí chăm sóc người cao tuổi, Genworth, một công ty bảo hiểm, nhận thấy chi phí trung bình hàng tháng của một nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà làm việc 40 giờ một tuần là khoảng 4.600 USD (111 triệu VNĐ).

Trong khi một phòng riêng ở viện dưỡng lão sẽ tiêu tốn hơn 9.000 USD (218 triệu VNĐ). Hầu như không có khoản nào trong số này được Medicare – bảo hiểm sức khỏe Mỹ - chi trả.

Thế hệ 8x, 9x dù gặp khó khăn tài chính cũng đừng "mơ" thừa kế tài sản của ông bà, đây là lý do!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Khi Thế hệ Boomer già đi, chi phí sống của họ có thể tăng lên cùng với nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng, dẫn đến mức lương cao hơn cho người chăm sóc - và chi phí cũng cao hơn.

"Các con tôi có thể có bất cứ thứ gì mà tôi có thể dành dụm và để lại cho chúng, thế nhưng tôi sẽ không sống cuộc sống của mình theo cách cố gắng để bảo toàn số tài sản để lại cho chúng", đó là câu trả lời của đại đa phần người cao tuổi khi được hỏi.

Và, chăm sóc sức khỏe không phải là chi phí duy nhất đối với người Mỹ lớn tuổi. Tâm lý của những người về hưu đó là họ đã dành nhiều năm để xây dựng cuộc sống và khi họ đã thoát khỏi công việc bận rộn, họ muốn tiêu tiền của mình.

Đó là lý do vì sao mà hầu hết chúng ta đều có kế hoạch xây dựng các khoản tiết kiệm. Tháng 6 vừa qua, số liệu khảo sát của Bank of America Institute đã cho thấy rằng các chủ thẻ Bank of America lớn tuổi đã chi nhiều tiền hơn trong năm qua so với những người trẻ tuổi.

Và dữ liệu từ cuộc khảo sát chi tiêu tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chi tiêu của những người lớn tuổi đã tăng 34,5% kể từ năm 1982, trong khi con số này tăng 16,5% đối với thế hệ trẻ.

Thừa kế tài sản từ thế hệ trước là một điều may mắn đối với bất cứ ai trong chúng ta, thế nhưng tài sản đó sẽ không bền vững bởi nó không phải thành quả lao động của chính bạn. Do đó, hãy nỗ lực bằng chính sức lực của mình.

Nguồn: Business Insider

Theo Thu Thủy

Phụ nữ mới

Trở lên trên