MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 lý do để tin dòng tiền sẽ tích cực hơn trong năm 2014

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế nếu duy trì được điều kiện vĩ mô ổn định và dự thảo nới room cho NĐT nước ngoài được hiện thực hóa.

Năm 2013, thanh khoản và dòng vốn đầu tư nước ngoài ròng đều có sự cải thiện đáng kể. Xu hướng này liệu có tiếp diễn trong năm 2014 là một dấu hỏi lớn. Những gì diễn ra những tháng đầu năm khiến nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin không trọn vẹn vào sự ổn định của dòng tiền đặc biệt là dòng tiền của khối ngoại.

Báo cáo “Opportunity Knocks” của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ra đời vào những ngày đầu tháng 3 đã đưa ra nhiều nhân tố để khẳng định dòng tiền sẽ tích cực hơn trong năm 2014.

Thứ nhất, Vốn ngoại giải ngân mạnh: Kể từ sau khi FED tuyên bố sẽ cắt giảm dần gói nới lỏng định lượng QE3, một rủi ro luôn thường trực đối với thị trườngcận biên và mới nổi là rủi ro rút vốn từ các NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, VDSC không cho rằng đây là một rủi ro đối với TTCKVN, thay vào đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế nếu duy trì được điều kiện vĩ mô ổn định và dự thảo nới room cho NĐT nước ngoài được hiện thực hóa (dự kiến trong Q1/2014).

Ngoài ra, trong xu hướng rót vốn ròng của khối ngoại, hai quỹ ETF đã cho thấy vai trò quan trọng do ảnh hưởng của chúng đối với các cổ phiếu bluechips. Kịch bản đầu năm 2013 lặp lại lần nữa trong năm nay cho thấy chu kỳ rót vốn mới của quỹ ETF đã bắt đầu và đây sẽ là nhân tố dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm 2014.

Thứ hai, Kênh chứng khoán hấp dẫn nhất: So với các kênh đầu tư khác (vàng, bất động sản, tiền gửi tiết kiệm) thì tỷ suất sinh lợi từ đầu tư chứng khoán có thể coi là cao nhất trong bối cảnh hiện nay.

Theo đánh giá của giới phân tích, vàng sẽ tiếp tục nằm trong kênh giá giảm trong năm 2014, bất động sản phục hồi chậm còn tiền gửi tiết kiệm dù antoàn nhưng lãi suất không thực sự hấp dẫn.

Thứ ba, Cơ quan quản lý tích cực trong việc tái cấu trúc TTCK: Bên cạnh đề án nới room cho NĐT nước ngoài, UBCKNN đang xây dựng hai đề án gồm: phát triển TTCK phái sinh và sáp nhập hai SGDCK.

Thứ tư, có các yếu tố mang tính cộng hưởng tích cực đến tâm lý NĐT và dòng tiền gồm (i) cơ hội đàm phán thành công TPP ngay trong năm 2014, (ii) sự phối hợp của NHNN và cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ hỗ trợ cho thị trường bất động sản và (iii) một số giải pháp tích cực của các NHTM để cải thiệntăng trưởng tín dụng.

Chứng khoán Rồng Việt cũng nhấn mạnh Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang có mức định giá thấp nhất so với các nước trong khu vực. Trong vòng chưa đầy hai tháng đầu năm, các chỉ số trên TTCKVN đã tăng lần lượt 16% (VNIndex) và 22% (HNIndex), và Việt Nam nằm trong top 4 thị trường tăng điểm tốt nhất thế giới. P/E chung của thị trường cũng đã tăng từ mức 12,65x (cuối năm 2013) lên mức 14,85x (28/02/2014),tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực thì hiện tại, TTCK Việt Nam vẫn đang có mức định giá tương đối hấp dẫn.

Từ góc độ P/E theo từng ngành riêng lẻ, đa số các ngành đều đang giao dịch với mức P/E thấp hơn mức P/E trung bình của toàn thị trường. Chỉ có 3 ngành có P/E cao hơn mức bình quân của thị trường là Thực phẩm, Xây dựng và Kim loại công nghiệp. Xét P/E riêng lẻ của các cổ phiếu đang niêm yết, thống kê của chúng tôi cho thấy tỷ lệ cổ phiếu có P/E nhỏ hơn 15x vẫn chiếm tỷ trọng lớn (~57%), tỷ lệ cổ phiếu có P/E âm chiếm 15%, còn lại là nhóm cổ phiếu có P/E lớn hơn 15x (~28%). Như vậy, nếu đơn thuần nhìn từ góc độ P/E, có thể thấy vẫn còn khá nhiều cơ hội lựa chọn cổ phiếu “rẻ” cho các NĐT.

Thanh Hiên (lược ghi)

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên