MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán không hào hứng trước mùa ĐHCĐ

Sức ảnh hưởng của mùa ĐHCĐ 2015 tính đến thời điểm này xem ra kém hơn hẳn so với những năm trước. Điều này đã được biểu lộ thông qua các hiện tượng như TTCK giảm điểm, NĐT hờ hững và CP lình xình.

Thông tin không mới

Chỉ trong tháng 3, VN Index giảm khoảng 10%, từ 600 điểm xuống còn hơn 540 điểm. Tháng 3 là thời điểm một loạt công ty niêm yết chốt danh sách để tham dự ĐHCĐ, thậm chí còn chốt cả quyền được hưởng cổ tức. Thế nhưng lực mua vào lại không đủ lớn để tạo ra một xu hướng tích cực cho thị trường. Dù không phải tất cả CP đều giảm trong tháng 3, bởi có những mã ngược dòng hoặc trụ giá khá vững, nhưng nguyên nhân không hẳn do tác động từ ĐHCĐ. Những CP ngược dòng có dòng tiền mạnh và sức hút với thị trường nên mới tăng giá chứ không phải do mùa ĐHCĐ.

Trong khi, với các NĐT sự quan tâm đối với mùa ĐHCĐ cũng đang sụt giảm. Nhiều NĐT cho biết việc đi dự họp ĐHCĐ mất cả buổi sáng (hoặc chiều) cũng trở thành thứ yếu. Đó là chưa nói đến việc nhiều NĐT mua CP với mục tiêu bán kiếm lời hưởng chênh lệch giá, việc dự ĐHCĐ để gặp gỡ doanh nghiệp (DN) có khi trở thành xa xỉ.

Những món quà, buổi tiệc đi kèm với ĐHCĐ cũng không còn là điều gì quá lạ lẫm để có thể thu hút đông đảo các NĐT. Nguyên nhân là các lãnh đạo DN thuyết trình tại ĐHCĐ không có gì mới nếu không muốn nói là nhàm. Gay cấn nhất là những cuộc đối đầu giữa cổ đông lớn với lãnh đạo DN cũng ngày một ít đi, nếu có không phải ai cũng muốn xem vì nhàm. Các vấn đề như cổ tức, phát hành CP cũng liên tục “xào” từ năm này qua năm khác, trong khi ảnh hưởng của cổ đông nhỏ lẻ lên các vấn đề này vẫn còn để ngỏ, dần dần chẳng còn NĐT hào hứng can thiệp hay chỉ trích.

Một người có nhiều năm làm việc trong ngành quản lý quỹ chia sẻ, mùa ĐHCĐ năm nay anh chỉ đi dự ĐHCĐ của những DN mà mình tâm đắc nhất, nhưng nhu cầu cũng không chỉ để thu thập thông tin. Bởi hiện tại việc CTCK hay quỹ đầu tư nếu muốn gặp công ty đều dễ hơn trước rất nhiều nên không nhất thiết phải chờ đến ĐHCĐ mới được gặp lãnh đạo. Thậm chí, một công ty trong ngành hóa chất những năm qua còn có thói quen trước ĐHCĐ sẽ tổ chức một cuộc gặp với các cổ đông lớn để thảo luận các vấn đề, năm nay có lẽ bỏ qua.

Cổ đông không tin tưởng

Trong khi đó, với những công ty có tiếng về minh bạch như REE, Dược Hậu Giang… thông tin cũng đã được công bố quanh năm, hoạt động kinh doanh cũng ổn định, NĐT nhỏ lẻ lẫn tổ chức cũng không có quá nhiều nhu cầu thông tin. Chưa kể đến việc các CTCK có phòng phân tích mạnh, hoạt động của DN đều được cập nhật quanh năm kèm các bình luận, nhận định trong các báo cáo phân tích. NĐT nào chịu khó theo dõi và đọc báo cáo sẽ nắm khá rõ hoạt động của DN.

Ngoài ra, diễn biến của ĐHCĐ hiện cũng đã được tường thuật khá chi tiết trên một số trang tin điện tử tài chính. Nếu NĐT không thể tham dự cũng có thể xem qua các nội dung tường thuật. Cuối cùng, việc các công ty niêm yết không ngừng củng cố, nâng cấp các tài liệu như BCTC hay báo cáo thường niên cũng đã góp phần minh bạch thông tin cho các NĐT, các báo cáo thường niên hiện phản ánh khá đầy đủ.

 Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Khoảng vài năm gần đây, những cuộc tranh cãi tại ĐHCĐ có xu hướng giảm dần. Mặt tích cực ở đây là do DN từng bước vượt qua khó khăn, ngày càng có trách nhiệm hơn nên cổ đông tương đối hài lòng. Nhưng cũng có mặt trái là dường như các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ đã hết kiên nhẫn, không còn quan tâm hoặc buông xuôi trước một số DN.

Có những DN sự thiếu minh bạch tại ĐHCĐ được lặp lại hết năm này đến năm khác, chẳng hạn như một công ty trong ngành bất động sản đã có vài năm sửa nội dung trước và trong quá trình họp ĐHCĐ. Điều này đã khiến cho NĐT từ chỗ bức xúc, chuyển sang chán và không còn quan tâm, từ đó dẫn đến việc CP của công ty này gần đây cũng không còn sóng mạnh như trước.

Với những DN thiếu tôn trọng cổ đông, việc đại hội dần mất đi những tiếng nói phản biện sẽ càng khiến cho tính đại chúng hóa mất đi. Trước mắt, các vấn đề của DN sẽ dễ dàng được thông qua nhưng hệ quả về lâu dài là khó lường trước. Bởi lẽ theo xu hướng, số lượng DN niêm yết ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại, có thể trong ngắn hạn DN vẫn có lợi thế, nhưng sau này sẽ mất đi. Lúc đó, sự tụt dốc nhanh chóng là khó tránh khỏi.

Theo Ngọc Trúc

PV

Sài Gòn Đầu tư

Trở lên trên