MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu kho vận thắng lớn

Hiện có 39 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho vận đang niêm yết trên TTCK, đa phần là doanh nghiệp vận tải thủy và cảng biển.

Không đình đám như nhóm CP bất động sản hay CK, nhóm CP kho vận vẫn lặng lẽ đi lên dù hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không có sự đột biến.    

Trong 39 đơn vị có 23 doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE và 16 doanh nghiệp trên sàn HNX. Tại thời điểm ngày 31-7-2014, tổng giá trị vốn hóa của các mã này đạt 19.000 tỷ đồng, chiếm 1,6% vốn hóa của các công ty niêm yết trên 2 sàn CK.

Thống kê trong vòng 12 tháng gần đây cho thấy nhóm CP ngành kho vận đạt được lợi nhuận trung bình 71%, cao hơn hẳn so với mức tăng của các chỉ số như VN Index (tăng 20%) và HNX Index (tăng 27%). Thậm chí, có những mã tăng rất mạnh như CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) tăng 283%, CTCP Dịch vụ thương mại và Hàng hải (TJC) tăng 238%, CTCP Tập đoàn Mai Linh miền Trung (MNC) tăng 201%.

Dù đạt mức tăng khá ấn tượng nhưng thực tế các doanh nghiệp này vẫn đang trong tình cảnh hết sức khó khăn, điển hình là các doanh nghiệp vận tải thủy. Theo CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), các công ty vận tải thủy phải trải qua giai đoạn khó khăn kể từ năm 2011 và hiện chưa thấy triển vọng phục hồi. Nhiều công ty nhỏ và vừa phải hủy niêm yết như CTCP Vận tải Vinaconex (VCV) lỗ 3 năm liên tiếp. Hiện có 21 mã CP vận tải thủy, bao gồm những công ty sở hữu tàu thủy và những công ty làm dịch vụ đại lý vận tải thủy.

Hoạt động kho vận thường bao gồm: cơ sở hạ tầng (cảng, bến bãi, đường bộ, đường sắt), vận hành (kho bãi, trung tâm phân phối, xe tải, tàu, thuyền), dịch vụ (giao nhận hàng hóa, bốc xếp và hải quan). Mục tiêu của những hoạt động này là vận chuyển hàng hóa từ điểm khởi đầu đến điểm tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Trong năm 2013, chỉ số ROE và ROA lần lượt đạt mức trung vị 8,9% và 3,3%. Tuy vậy, lợi nhuận của những công ty này lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu từ thanh lý tài sản (tàu thủy, các khoản đầu tư). Có thể lấy dẫn chứng từ CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD).

Theo BCTC năm 2013, GMD đạt 171 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo. Tương tự, lãi ròng năm 2013 của CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) đạt 147,3 tỷ đồng, trong đó phần lớn lợi nhuận đáng kể từ việc bán cảng Nam Hải - Đình Vũ cho GMD. 2 quý đầu của năm 2014, tình hình kinh doanh của những công ty này cũng chưa thấy cải thiện, thậm chí còn tệ hơn cùng kỳ năm ngoái do thiếu khoản lợi nhuận từ thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, trái ngược với khả năng sinh lời thấp của các doanh nghiệp, NĐT vẫn khá tự tin khi đầu tư vào các mã CP này do chỉ số P/B thấp và thanh khoản cao. Đặc biệt, hầu hết các mã CP vốn hóa lớn như GMD, Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), VIP, hay CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) có tính thanh khoản cao với khối lượng giao dịch bình quân ngày trên 300.000 đơn vị.

Đối với lĩnh vực cảng, dù có rất nhiều công ty cảng nhưng hầu hết là các doanh nghiệp quốc doanh hoặc liên doanh giữa công ty nhà nước và nước ngoài. Trên sàn CK hiện có 10 mã CP cảng. Cũng như lĩnh vực vận tải thủy, đa số các NĐT đầu tư vào CP cảng, trừ CP của CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) đã thu được lợi nhuận trung bình hơn 70%. Ngay như trường hợp CTCP Cảng Cát Lái (CLL), dù mới niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 8-7 nhưng đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận tỷ lệ tăng trên 25%.

Trái ngược với nhóm CP vận tải thủy, kết quả kinh doanh tốt là một trong những nhân tố thúc đẩy giá CP cảng tăng cao. Theo VPBS, mặc dù một số công ty nhỏ như DXP, CTCP Cảng rau quả (VGP) và CTCP Hải Minh (HMH) có lãi ròng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ số ROE trung bình của ngành cũng khá ấn tượng với mức 18,5% vào năm 2013.

Những tháng đầu năm 2014, kết quả hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù một số doanh nghiệp thiếu vắng những khoản lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý tài sản. Đóng góp vào mức tăng trưởng chung của lĩnh vực cảng có thể kể đến kết quả kinh doanh của CTCP Cảng Đồng Nai (PDN). Theo BCTC quý II-2014, lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, PDN ghi nhận tổng doanh thu đạt 121 tỷ đồng (tăng 30%), lợi nhuận sau thuế đạt 25,7 tỷ đồng (tăng 32%), EPS đạt 3.125 đồng/CP.

Ngành cảng biển bắt đầu chững lại?

Theo Hải Hồ

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên