MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu tăng giá, Doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ từ việc thoái vốn (P2)

Chỉ tính trong thời gian 1 tháng trở lại đây đã có nhiều vụ thoái vốn “khủng” được thị trường quan tâm theo dõi.

Năm 2014 xứng đáng được gọi là năm “thay máu cổ đông” của các doanh nghiệp. Hàng loạt các vụ bán vốn tại công ty liên kết đã diễn ra với những giao dịch thỏa thuận cực kỳ sôi động và tạo nên cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư. Chỉ tính trong thời gian 1 tháng trở lại đây đã có nhiều thương vụ “khủng” được thị trường quan tâm theo dõi.

Đạm Phú Mỹ thoái vốn khỏi PVC

Ngày 14/07, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty Cổ phần (Đạm Phú Mỹ - DPM) đã bán 2,6 triệu cổ phiếu PVC của Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP. Giá đóng cửa của PVC ngày 14/07 là 20.900 đồng/cổ phiếu.

Vừa qua DPM công bố đã hoàn tất thoái vốn khỏi PVC. Cụ thể, từ ngày 29/08 – 16/09, DPM đã bán nốt hơn 2,5 triệu cổ phiếu PVC (5,07% vốn điều lệ của PVC) và hiện không còn là cổ đông của PVC nữa.

Trong thời gian giao dịch nói trên, thị giá cổ phiếu DPM dao động từ 32.500 - 44.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số tiền DPM thu về từ việc thoái vốn ước đạt từ 82 - 113 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 2, DPM vẫn nắm giữ 5,13 triệu cổ phiếu PVC và được ghi nhận giá trị 57,3 tỷ đồng, tương đương mức giá 11.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy, việc thoái vốn hoàn toàn khỏi PVC có thể đã giúp DPM thu về một khoản lãi gộp ước đạt từ 72 - 104 tỷ đồng.

SCIC thoái vốn một loạt công ty

SCIC bán HAI

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn góp khỏi HAI thông qua bán 8.693.880 cổ phiếu HAI, tương đương 49,96% vốn điều lệ mà Tổng công ty này sở hữu.

Theo dữ liệu giao dịch, ngày 05/09, HAI được thỏa thuận đúng 8.693.880 cổ phiếu tương đương gần 200 tỷ đồng. Như vậy, SCIC đã thu về 200 tỷ từ việc bán HAI.

Đúng vào ngày này, 3 cá nhân là bà Phạm Thị Hải Ninh đã mua 2.833.880 cổ phiếu, tương đương 16,29% vốn điều lệ HAI, ông Nguyễn Hồng Phong mua 2.940.000 cổ phiếu (16,9% vốn điều lệ), ông Lê Thành Vinh mua 2.920.000 cổ phiếu (16,78% vốn điều lệ) và chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Tổng khối lượng mà 3 cá nhân này mua đúng bằng số cổ phiếu mà SCIC thoái vốn. Nghị quyết HĐQT mới đây của HAI vừa bổ nhiệm ông Lê Thành Vinh vào HĐQT.

Trong ngày 18/09, HAI lại được thỏa thuận 4.263.000 cổ phiếu và đây là số cổ phiếu mà KLF mua vào.

SCIC bán DQC

Ngày 15/09, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu DQC của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, hoàn tất thoái vốn tại công ty này.Trong ngày này, DQC được thỏa thuận 3,8 triệu đơn vị tương đương 174,8 tỷ đồng. Giá đóng cửa của cổ phiếu là 46.000 đồng. Như vậy, có thể SCIC đã thu về khoảng 179 tỷ từ việc bán DQC.

Cũng trong ngày 15/09, 2 nhà đầu tư cá nhân Trần Thị Lĩnh và Hồ Đức Dũng đã mua lần lượt gần 1,7 triệu và 1,2 triệu cổ phiếu DQC (tổng khối lượng là 2,9 triệu) nâng số lượng nắm giữ lên hơn 2 triệu và 2,2 triệu cổ phiếu.

SCIC bán RDP

Ngày 28/08, SCIC đã bán thỏa thuận 6.233.682 cổ phiếu RDP của CTCP Nhựa Rạng Đông thu về 98,5 tỷ. Trong ngày này, có 2 cổ đông cá nhân là ông Huỳnh Minh Đoan mua 2.500.000 cổ phiếu và bà Nguyễn Thị Hương Giang mua 1.533.682 cổ phiếu RDP.

SCIC bán DBC

SCIC đăng ký bán 6 triệu cổ phiếu DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam từ ngày 10/09 – 09/10. Trong ngày 18/09, DBC đã được bán 1,5 triệu đơn vị (tương đương 39,6 tỷ đồng) theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, SCIC vẫn chưa có thông báo nào về việc chính thức bán ra cổ phiếu DBC.

>> Cổ phiếu tăng giá, Doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ từ việc thoái vốn P1 

>>> "Xả hàng" cổ phiếu Dầu khí, PVComBank thu về hơn 600 tỷ đồng trong 1 tháng

Bảo Ngọc

trangntm

Tài chính Plus

Trở lên trên