MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Sacombank-SBS: Không sáp nhập với chứng khoán Phương Nam

Hiện nay Sacombank-SBS đã làm xong hồ sơ để niêm yết trên sàn UPCoM và bắt đầu niêm yết từ tháng 4.

 Sáng nay 26/3, tại Trụ sở công ty chứng khoán Sacombank (Sacombank-SBS) diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013.


11h00: Đại hội thông qua các tờ trình và bế mạc


Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình và báo cáo đưa ra tại Đại hội.

-------------

10h50: Đại hội bước vào nội dung thảo luận

Trả lời câu hỏi liệu Sacombank có kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank thì Sacombank-SBS có sáp nhập với chứng khoán Phương Nam hay không? Ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc cho biết hiện nay chưa có kế hoạch gì và cũng chưa nhận được văn bản nào yêu cầu sáp nhập.

Hơn nữa, chứng khoán Phương Nam hiện nay đang phát triển khá tốt, tôi còn e rằng họ cũng chẳng muốn sáp nhập với một công ty còn yếu như chúng tôi.

Theo kế hoạch thì Sacombank-SBS cũng sẽ tìm kiếm một công ty để sáp nhập phục vụ mục tiêu mở rộng sau này.

Hiện nay đã tìm được đối tác nào để sáp nhập chưa?

Hiện nay có hàng trăm công ty chứng khoán, chúng ta chỉ cần bỏ ra chút tiền là mua được một công ty. Tuy nhiên mục tiêu của Sacombank -SBS là phải xử lý nợ để cắt lỗ lũy kế, thu hồi được bao nhiêu rồi mới tính tiếp. Sau khi tìm kiếm được đối tác, lãnh đạo công ty sẽ thông báo tới cổ đông

Bao giờ có kế hoạch niêm yết trở lại trên sàn HNX?

Hiện nay Sacombank-SBS đã làm xong hồ sơ để niêm yết trên sàn UPCoM. Còn sẽ niêm yết trên HOSE hay HNX thì tính sau. Theo quy định, sau 2 năm có lãi liên tiếp mới được niêm yết.

Kế hoạch kinh doanh lợi nhuận 20 tỷ đồng có quá khiêm tốn hay không?

Hiện nay hoạt động của các công ty chứng khoán là rất khó khăn, nhiều công ty mất cả vốn. Kế hoạch, mục tiêu của chúng tôi là phải thận trọng xử lý được các khoản nợ cũ rồi mới có lợi nhuận, đó cũng là một thành công lớn. Phương châm của Sacombank-SBS năm nay là lấy thu bù chi để lấy lãi.

---------------

10h30: Đại hội thông qua các tờ trình

Một loạt các tờ trình do ông Trần Văn Lân thay mặt HĐQT ký đề nghị đại hội thông qua bao gồm:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty: Trong đó đáng chú ý là thay đổi từ Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty, sửa thành Tổng giám đốc là người đại diện.

2. Cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động Xử lý nợ: đáng chú ý là sáp nhập Hội đồng xử lý nợ và Ban xử lý nợ thành một bộ phận duy nhất là Ban xử lý nợ chuyên trách thực hiện công tác xử lý thu hồi nợ.

3. Tiếp tục triển khai các biện pháp Tái cấu trúc công ty.

10h40: Thông báo kết quả bầu cử

Ông Phan Quốc Huỳnh trúng cử HĐQT với tỷ lệ 113,6%

Ông Trần Minh Trung trúng cử HĐQT với tỷ lệ 86,4%


2 thành viên vừa được bầu cử bổ sung vào HĐQT Sacombank-SBS

---------------

10h00: Đại hội tiến hành thông qua việc từ nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT

Theo báo cáo, trong năm 2013 có 5 thành viên từ nhiệm Hội đồng quản trị, bao gồm:

1. Ông Kiều Hữu Dũng - chủ tịch Sacombank-SBS, từ nhiệm từ ngày 19/8/2013 và đã được HĐQT thông qua. Hiện tại ông Dũng đang là chủ tịch HĐQT Sacombank.

Và các ông:

2. Ông Phạm Nhật Vinh - Phó chủ tịch

3. Ông Võ Duy Đạo - Thành viên

4. Ông Mạc Hữu Danh - Thành viên

5. Ông Hoàng Mạnh Tiến - Thành viên

Từ nhiệm kể từ ngày 18/3 và đã được thông qua.

Hôm nay, ĐHCĐ đưa ra để trình đại hội xem xét thông qua trước khi bầu cử bổ sung.

Theo kế hoạch, Đại hội sẽ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, đó là các ông: Trần Minh Trung (Phó Tổng giám đốc) và ông Phan Quốc Huỳnh (Tổng giám đốc).

-----------

9h20: Mục tiêu tiếp tục có lãi, sớm giao dịch trên sàn tập trung

Theo báo cáo của Phó Tổng giám đốc Phạm Quang Thành, trong năm 2014 Sacombank-SBS hướng tới hai mục tiêu chính đó là tiếp tục có lãi, từng bước xóa lỗ lũy kế và tăng năng lực tài chính; Phát triển bền vững, mở rộng kinh doanh an toàn.

Để đạt các mục tiêu trên, công ty đã đề ra các chương trình hành động, trong đó đáng chú ý là tăng thị phần môi giới trên toàn thị trường (cả HoSE và HNX) lên 3% từ mức 1,5% cuối 2013; đẩy mạnh hoạt động môi giới (tuyển thêm nhân sự, cộng tác viên), hoạt động tự doanh (tìm kiếm cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường phục hồi); tư vấn tài chính (chú trọng vào tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn); tiếp tục xử lý quyết liệt các khoản nợ và nợ xấu…

Mục tiêu xa hơn, Sacombank-SBS sẽ sớm giao dịch trở lại trên sàn chứng khoán tập trung.

--------

9h00: Sẽ giao dịch trở lại trên sàn UPCoM từ tháng 4

Chia sẻ tại đại hội, ông Phan Quốc Huỳnh cho biết, năm 2013 công ty phải trải qua rất nhiều khó khăn. Các khoản nợ đầu tư rất lớn, đặc biệt trong thời kỳ tăng trưởng nóng về margin, vốn chủ sở hữu âm, tỷ lệ an toàn vốn âm, từ một công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường bỗng dưng suy sụp.

Trong quá trình tái cấu trúc, Sacombank-SBS không phải vay vốn, kể cả của cổ đông lớn là Ngân hàng Sacombank. Những nỗ lực của toàn bộ công ty đã giúp Sacombank-SBS “sống lại”.

"Nếu như Sacombank-SBS sụp đổ thì đó là một cú sốc quá lớn với thị trường. Chúng tôi vì trọng trách với cổ đông, với thị trường, nên kiên trì từng bước khắc phục khó khăn. Hôm nay chúng tôi tuyên bố Sacombank-SBS đã hoạt động trở lại bình thường và sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới", Tổng giám đốc Sacombank-SBS nói.

Lãnh đạo Sacombank-SBS cho biết thêm sẽ đưa công ty trở lại giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 4 tới.

------------

8h45 đại hội bắt đầu: Sacombank-SBS "sống lại" sau 1 năm tái cấu trúc

Theo thông báo của trưởng Ban kiểm soát, tỷ lệ tham dự đại hội đạt 73,3% đại diện cổ đông có quyền biểu quyết.

Năm 2013, Sacombank-SBS là công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh top đầu với lợi nhuận 443 tỷ đồng, cũng là năm tái cơ cấu rất thành công với vốn chủ sở hữu từ âm lên dương 191 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên gần 200%. Ngày 6/3 vừa qua, Sacombank-SBS đã chính thức ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.

Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Phan Quốc Huỳnh cho biết, công ty đã tái cơ cấu toàn bộ hoạt động, trong đó nhân sự tinh gọn còn 82 người thay vì 124 người đầu năm; hoàn thành việc đóng cửa công ty con tại Campuchia và thu hồi phần vốn còn lại, bổ sung vốn lưu động cho công ty; phòng pháp chế xử lý nợ đã xử lý được lũy kế đến cuối 2013 là 555 tỷ đồng trên tổng số 1.200 tỷ đồng nợ xấu.

Bên cạnh đó, các khoản nợ cũng được công ty xử lý quyết liệt, trong đó nợ ngắn hạn giảm từ 622 tỷ đồng xuống 392 tỷ đồng; tổng nợ dài hạn giảm từ 801 tỷ đồng xuống 61,9 tỷ đồng trong đó chủ yếu là đã xử lý được khoản 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi; lỗ lũy kế giảm 442 tỷ đồng còn 1.324 tỷ đồng.



Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên