MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị nới quy định đầu tư, cho vay đầu tư chứng khoán

Đại biểu Quốc hội kiến nghị nới quy định đầu tư, sở hữu, ngân hàng nước ngoài được cho vay đầu tư chứng khoán.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục cho phép ngân hàng thương mại được mua cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu của các thành phần tại các tổ chức tín dụng, cho phép ngân hàng nước ngoài được cho vay đầu tư chứng khoán.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Đa số các ý kiến đại biểu tham gia thảo luận chiều 16/11 đều tập trung kiến nghị về việc nâng tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tại các tổ chức tín dụng, cũng như việc nới quy định đầu tư của chính các ngân hàng thương mại.

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Tp.HCM), Điều 55 dự án Luật quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân là 5% và tổ chức là 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng là quá thấp so với một số nước trong khu vực. Ở một số nước, tỷ lệ đó là 20% đối với cá nhân và 30% đối với các tổ chức. Do đó quan điểm của đại biểu này là ủng hộ ý kiến của Ủy ban ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị quy định tỷ lệ trên lần lượt là 10% và 20%.

Đó cũng là quan điểm của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), khi cho rằng tỷ lệ sở hữu dự thảo đưa ra là quá thấp. “Theo tôi nghĩ chúng ta nên giữ ít nhất như quy định của Luật hiện hành là cổ đông là cá nhân tối đa không quá 10% và cổ đông là tổ chức thì tối đa không quá 20%. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, tôi đề nghị đối với cổ đông là tổ chức thì chúng ta cân nhắc là không quá 30%. Nếu như vậy chúng ta mới có thể huy động được vốn từ các tổ chức, các ngân hàng, có thể từ những ngân hàng hay tổ chức tín dụng của nước ngoài” bà Loan nói.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) lại đề cập đến yêu cầu đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Điều 55 của dự thảo Luật giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa 5% đối với cá nhân và 10% đối với tổ chức, nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài lại do Chính phủ quy định.

“Theo cam kết của WTO thì tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 30%. Theo tôi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần phải được quy định ngay trong luật, thể hiện sự công khai bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Nếu tại thời điểm này chưa quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tạm thời chưa sửa điều này và giữ nguyên theo quy định hiện hành”, bà Hảo kiến nghị.

Theo Minh Đức
VnEconomy

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên