MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh 2014: Tính kế tiêu tiền?

Năm 2014 bắt đầu với tiền đề khá tốt: Doanh nghiệp đã có sẵn đống tiền cho hoạt động kinh doanh của mình!

Nếu 2011 được coi là năm những vấn đề ung nhọt trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu phát tác, năm 2012 là năm bắt tay tái cơ cấu thì năm 2013 là năm trọng điểm tái cơ cấu. Năm 2013 cũng là năm các doanh nghiệp hút được nhiều vốn đến bất ngờ. Nhiều khoản là do cổ đông hiện hữu dốc tiền cứu doanh nghiệp, nhiều khoản là nhờ cổ đông chiến lược nhảy vào, bắt đáy cơ cấu ở đáy chu kỳ khủng hoảng.

Năm 2014 bắt đầu với tiền đề khá tốt: Doanh nghiệp đã có sẵn đống tiền cho hoạt động kinh doanh của mình!

Năm 2013-Doanh nghiệp niêm yết hút được nghìn tỷ đồng

Thống kê cuối năm của UBCKNN cho thấy, thị trường chứng khoán năm 2013 đã khá thành công trong vấn đề huy động vốn. Dù kinh tế nhìn chung chưa thoát khó nhưng TTCK đã huy động được 194.800 tỷ đồng vốn qua kênh đấu thầu trái phiếu Chính phủ, tăng 10% so với năm trước và đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Riêng việc huy động vốn qua cổ phiếu và cổ phần hóa là 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ cũng tăng mạnh, đạt khoảng trên 24 nghìn tỷ đồng (gấp 5 lần so với cả năm 2012).

Con số thống kê cho thấy: nhà đầu tư đã đổ không ít tiền mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, 2013 không phải là năm hoạt động đầu tư được doanh nghiệp thực sự đẩy mạnh. Có chăng cũng chỉ mới là huy động vốn và xây dựng cơ bản bước đầu. Năm 2014 được kỳ vọng là năm tiêu tiền!

Tính chuyện tiêu tiền 2014

Với lượng tiền lớn huy động được năm 2013 và chưa tiêu được nhiều trong năm, năm 2014 là năm doanh nghiệp cần tính chuyện tiêu tiền. Thống kê của chúng tôi cho thấy, hầu hết những kế hoạch huy động vốn lớn trong năm 2013 đều có mục đích đầu tư xây dựng dự án cho công ty [Xem thêm: Những thương vụ tăng vốn khủng khiếp nhất thị trường chứng khoán năm 2013]

Tăng vốn thành công, không những OCH (Ocean Hospitality) bất ngờ vào top 5 thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp này còn có thêm hàng ngàn tỷ đồng tiền mặt. Kế hoạch đề ra ban đầu khi công ty đưa ra bản đệ trình tăng vốn là mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực M&A, một lĩnh vực vẫn đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng" trong điều kiện hiện nay, nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, mang lại lợi ích cho cổ đông công ty. Việc tăng vốn đã hoàn tất và cổ phiếu phát hành thêm cũng đã được đưa vào niêm yết bổ sung vào quý cuối của năm 2013. Tiền công ty thu hút được được dùng như thế nào thì cần thời gian một vài năm để biết, tuy nhiên, sau hút vốn khủng năm 2013, dự kiến năm 2014 công ty sẽ phải nghĩ phương án tiêu tiền hợp lý nhất để phù hợp với nguyện vọng của cổ đông.

Chẳng hạn như FLC, công ty sắp sửa chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:1. Nếu huy động thành công, FLC sẽ có thêm 772 tỷ đồng và dùng tiền cho các dự án của Tập đoàn.

Nhằm mục đích huy động gần 216 tỷ đồng, SEC (mía đường nhiệt điện Gia Lai) quyết định chào bán 21,6 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong bối cảnh ngành mía đường đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn do quy mô manh mún, năng suất thấp thì công ty lại huy động tiền từ thị trường chứng khoán và chính xác là từ cổ đông hiện hữu của công ty. Tiền sẽ được công ty sử dụng ra sao khi bản thông báo chỉ vỏn vẹn là nhằm phục vụ nhu cầu vốn lưu động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Nhà đầu tư dốc vốn và chờ đợi doanh nghiệp tìm phương án kinh doanh.

Địa ốc Đất Xanh (DXG) lại có kế hoạch huy động thêm hơn 220 tỷ đồng vốn điều lệ. Đối tượng công ty nhắm tới là cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 5:1) và đối tác chiến lược (11,64 triệu cổ phiếu) với giá bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 222 tỷ đồng sẽ được công ty sử dụng vào việc bổ sung nguồn vốn cho dự án Khu nhà ở Hiệp Bình Phước (Sunview Town).

Tận cuối năm 2013, Công ty Cổ phần Mirae (KMR) mới ra nghị quyết cuối cùng của năm về việc phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu tương đương 60 tỷ đồng. Dự tính của công ty là dùng tiền để cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất, phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Năm 2013 là năm Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN) đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh lớn. Sau khi huy động được hơn 230 tỷ đồng đầu năm, công ty đã dốc tiền M&A bằng cách mua 5,8 triệu cổ phiếu ABT (Thuỷ sản Bến Tre).

Tuy nhiên, năm 2014 công ty vẫn tiếp tục phải tính cách tiêu tiền khi mới đầu năm việc xúc tiến phát hành riêng lẻ cổ phần để huy động vốn đã được PAN đẩy nhanh. Lần này, lượng tiền dự kiến thu được trong đợt phát hành mới cũng lên đến 650 tỷ đồng. Và, đặc biệt là công ty cũng đang nhắm đến đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của công ty là để nâng cao năng lực tài chính, đầu tư vào một số công ty mục tiêu trong ngành nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm tiêu dùng có tình hình kinh doanh tốt và các chỉ số tài chính cơ bản hấp dẫn.

Bài học về bong bóng tài sản sau đầu tư nóng một thời vẫn còn đeo đẳng. Với số tiền đã huy động và dự kiến huy động được đầu năm 2014, một vấn đề lớn của doanh nghiệp là dùng tiền đầu tư sao cho phù hợp và đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông.
Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên