MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cú đúp trước khi niêm yết

Việc tạo một diện mạo mới mẻ trước niêm yết là cần thiết, không ai có thể chối cãi. Tuy nhiên, duy trì tình trạng hoạt động kinh doanh khả quan sau niêm yết, không phụ niềm tin của nhà đầu tư, mới là điều mà thị trường và các cổ đông thực sự trông đợi.

- Các doanh nghiệp nhìn chung đều có những bước chuẩn bị chu đáo trước khi lên sàn, thông thường là tăng vốn và lợi nhuận nhảy vọt.

- Những chỉ tiêu lạc quan về quy mô vốn, kết quả kinh doanh có kéo dài sau niêm yết, đó mới là điều nhà đầu tư quan tâm.


Niêm yết là một mốc phát triển quan trọng đối với các doanh nghiệp. Sau cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán mở ra cơ hội huy động vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược, vay vốn… đối với một doanh nghiệp. Kể từ đây, doanh nghiệp không còn hoạt động trong thầm lặng nữa. Mọi động tĩnh của doanh nghiệp sẽ được cả nghìn con mắt dõi theo, và đánh giá, bình phẩm.

Chính vì thế, không khó hiểu khi các doanh nghiệp thường có bộ mặt cực kỳ mới mẻ trước khi lên sàn. Thông thường là tăng vốn, và biến chuyển về kết quả kinh doanh.

Còn nhớ, đầu năm 2013, cổ phiếu HAR của An Dương Thảo Điền chính thức niêm yết trên HSX. Trước đó, trong vòng 5 năm kể từ khi thành lập đến lúc chuẩn bị niêm yết, vốn điều lệ của HAR tăng lên 10 lần. HAR được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ vỏn vẹn 32 tỷ đồng. Qua 2 lần tăng vốn vào năm 2010 và năm 2012, vốn điều lệ của công ty tăng lên mức 350 tỷ đồng, trở thành một công ty bất động sản có quy mô ở mức khá.

Sau niêm yết, ý định tăng vốn của An Dương Thảo Điền dường như vẫn chưa chịu dừng lại. Cuối năm 2014, tức sau 2 năm lên sàn, ĐHCĐ bất thường của công ty đã thông qua phương án phát hành thêm 54,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt mức 1.092 tỷ đồng.

Tăng vốn, kết quả kinh doanh của An Dương Thảo Điền chưa có bước phát triển tương ứng. Năm 2014, HAR lãi ròng 28 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với 12,3 tỷ đồng năm 2013. Tuy nhiên, so với quy mô vốn đang có (546 tỷ đồng vốn điều lệ) thì 28 tỷ đồng lợi nhuận vẫn là con số cực kỳ khiêm tốn. Đấy là chưa kể, việc tăng vốn của An Dương Thảo Điền chủ yếu là huy động vốn từ thị trường (phát hành riêng lẻ, bán cho cổ đông hiện hữu) với số tiền huy động hàng trăm tỷ đồng. Nếu thành công ở đợt phát hành tiếp theo (tăng vốn lên gấp đôi theo Nghị quyết ĐHCĐ bất thường 2014), số tiền huy động của An Dương Thảo Điền có thể lên tới 546 tỷ đồng.

Nếu như An Dương Thảo Điền dồn dập tăng vốn chuẩn bị cho ngày chào sàn, Thế giới di động lại trang bị một bộ mặt tươm tất hơn về hoạt động kinh doanh trước niêm yết. Cổ phiếu MWG niêm yết vào tháng 7/2014. Năm 2013, gần 1 năm trước niêm yết, MWG báo lãi 255,6 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty lúc đó chỉ vỏn vẹn 109,6 tỷ đồng. Không khó hiểu khi cổ phiếu MWG nhanh chóng gây sốt trên sàn HSX. Sau đó, công ty này dồn dập tăng vốn qua nhiều hình thức. Đến cuối năm 2014, chỉ sau gần 5 tháng niêm yết, vốn điều lệ của MWG đã đạt con số gần 1.120 tỷ đồng. Lợi nhuận của MWG cũng tăng vọt từ 255,6 tỷ đồng năm 2013 lên 668 tỷ đồng năm 2014 nhờ việc mở rộng hệ thống phân phối toàn quốc.

Trong thời gian tới, ngày 20/5, 10 triệu cổ phiếu FID của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam sẽ chính thức được niêm yết trên sàn Hà Nội.

10 triệu cổ phiếu không phải là một con số ấn tượng. Tuy nhiên, nếu so với vốn điều lệ vỏn vẹn 10 tỷ đồng lúc mới thành lập (2010), 100 tỷ đồng là một mức tăng ấn tượng.

Được biết, để chuẩn bị cho việc niêm yết vào thời gian sắp tới, năm 2014, FID bất ngờ phát hành thêm 9 triệu cổ phần cho 3 cổ đông hiện hữu (đồng thời là cổ đông sáng lập), tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng như hiện nay. Kết quả kinh doanh năm 2014 của FID cũng khởi sắc so với năm 2013, đạt 13,6 tỷ đồng (năm 2013 đạt vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng).

Trong cuộc họp báo gần đây, đại diện FID cho biết định hướng phát triển chính và là nhóm ngành mang lại lợi nhuận cho công ty nhất là phát triển thương hiệu doanh nghiệp với công việc tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán, thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Với định hướng này, không ngoại trừ việc tăng vốn của FID một cách nhanh chóng trong thời gian tới, như cách một số doanh nghiệp trên thị trường đang tiến hành với định hướng tương tự.

Việc tạo một diện mạo mới mẻ trước niêm yết là cần thiết, không ai có thể chối cãi. Tuy nhiên, duy trì tình trạng hoạt động kinh doanh khả quan sau niêm yết, không phụ niềm tin của nhà đầu tư, mới  là điều mà thị trường và các cổ đông thực sự trông đợi.

Hoàng Dũng

Minh Thư

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên