MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp hồi sinh trở thành siêu cổ phiếu

Các doanh nghiệp có tiền sử hoạt động kinh doanh không tốt, sau đó với một số thuận lợi đã có sự hồi phục nhất định. Nhưng từ trước đó, giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, bên cạnh việc đầu tư vào những doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt thì nhà đầu tư cũng không ngừng tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng đem lại lợi nhuận rất lớn từ việc “hồi sinh” của doanh nghiệp. Nói là hồi sinh, bởi vì các doanh nghiệp này đã có tiền sử hoạt động kinh doanh không tốt, thể hiện qua các mức lỗ không nhỏ nhưng sau đó, với một số thuận lợi đã có sự hồi phục nhất định. Thống kê trên thị trường trong 6 tháng đầu năm, có thể nhận thấy những doanh nghiệp hồi sinh như vậy đều nằm trong top cổ phiếu tăng mạnh nhất.

TSC: Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ

Công ty này có lịch sử kinh doanh khá tốt cho đến năm 2012 thì lỗ gần 56 tỷ do doanh thu sụt giảm trong khi giá vốn tăng vọt. Năm 2013, ngoại trừ quý I, các quý còn lại đều chìm trong cảnh lỗ ròng. Tính chung cả năm, hoạt động kinh doanh thuần bị lỗ nhưng nhờ có khoản lợi nhuận khác 13 tỷ từ việc thanh lý tài sản nên TSC đạt được con số 3 tỷ LNST.

Theo công ty, nguyên nhân chính dẫn đến việc không hoàn thành được kế hoạch là do thị trường phân bón quá xấu, giá cả giảm liên tục nên phải thận trọng trong kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo còn tương đối thuận lợi thì công ty không thể ký hợp đồng trực tiếp xuất khẩu được vì không có giấy phép, sau đó sang tháng 10, khi đã được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo thì thị trường bắt đầu diễn biến theo chiều hướng xấu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản quá trầm lắng khiến cho việc chuyển nhượng các mảnh đất tại phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ và tại tỉnh Hậu Giang theo kế hoạch ĐHCĐ giao phó chưa thực hiện được.

Lịch sử kinh doanh là vậy nhưng tính trong khoảng thời gian 6 tháng đến nay, TSC đứng đầu trong danh sách các mã có mức tăng trưởng giá cao nhất với mức tăng 246%. Ngay cả giai đoạn tháng 5, khi thị trường rơi mạnh do những thông tin xấu, cổ phiếu này vẫn không bị ảnh hưởng gì. Kế hoạch kinh doanh năm 2014 đề ra là 349,6 tỷ đồng doanh thu và 14,5 tỷ lợi nhuận sau thuế nhưng trong quý I/2014, công ty mới lãi 1,2 tỷ - bằng 8,3% kế hoạch. Vậy tiềm năng gì cho TSC?

Với những thông tin được công khai, khó có thể thấy bước đột phá nào trong hoạt động kinh doanh của TSC dù điểm mạnh của công ty vẫn là một bề dày kinh nghiệm hoạt động trong ngành. Tuy nhiên, sự “thay máu” của TSC đã xuất hiện, được đánh dấu bằng sự thay đổi các nhân sự chủ chốt. Ông Nguyễn Văn Sang trở thành chủ tịch HĐQT. Ông Phan Minh Sáng được bổ nhiệm làm TGĐ thay ông Phạm Văn Tuấn từ 23/05/2014, đồng thời giữ chức phó chủ tịch HĐQT.

Mới đây, TSC công bố thông tin dự kiến chào bán 7,5 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đ/CP để tăng vốn điều lệ từ 83,13 tỷ đồng lên gần 158,13 tỷ đồng. Công ty sẽ tiến hành chào bán số cổ phiếu trên cho các đối tác chiến lược và FIT đã được lựa chọn.

MHC: Công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội

Cổ phiếu này đang ở trong diện kiểm soát do LNST năm 2009 và 2010 lỗ. HĐKD thuần năm 2011, 2012 cũng lỗ nhưng nhờ có khoản lợi nhuận khác và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết nên công ty lãi được một chút. Năm 2013, MHC bất ngờ đổi vía, lãi 15,5 tỷ. Quý I/2014, MHC tiếp tục làm một bước đột phá với 12 tỷ LNST – tăng 2,6 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân của sự đột phá này một phần là do tỷ lệ giá vốn/doanh thu của hoạt động vận tải giảm nhưng đóng góp nhiều hơn là nhờ khoản doanh thu tài chính hơn 7 tỷ (chủ yếu từ cổ tức, lợi nhuận được chia) và khoản lợi nhuận khác 5,2 tỷ nhờ ngân hàng MB giảm lãi vay.

Từ cuối năm 2013, nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng doanh nghiệp này bởi những khoản đầu tư tài chính dài hạn. MHC bán cổ phần tại công ty gây lỗ như Công ty TNHH một thành viên vận tải phía Nam, tăng tỷ lệ sở hữu tại những công ty sinh lời lớn như CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An, Công ty TNHH Hàng Hải Wallem và do đó thu được hơn 9 tỷ lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Các khoản đầu tư dài hạn khác vào CTCP Dược phẩm trung ương 3, CTCP Dịch vụ Hàng hải HAS và Công ty TNHH và Tiếp vận Hải An cũng đã đem lại khoản doanh thu tài chính khả quan thể hiện trong BCTC quý I/2014.

Được sự hỗ trợ của Ngân hàng MB, chưa thể kết luận hoạt động kinh doanh chính của MHC trong năm 2014 có sự khởi sắc nhưng với sự sống lại của doanh nghiệp này, giá cổ phiếu MHC đã tăng 223% từ đầu năm đến nay.

Dường như đánh giá cao về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp này, ngày 15/05, công ty quản lý quỹ MB đăng ký mua thêm 1 triệu CP MHC để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 12%. Trước đó, quỹ này nắm 6,1% vốn của MHC.

HT1: Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1

Cổ phiếu HT1 đã tăng 174% từ đầu năm đến nay.

Do vay nợ nhiều và một phần lớn vay nợ bằng ngoại tệ nên chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá luôn là gánh nặng cho HT1. Năm 2011, công ty lỗ gần 9 tỷ. Năm 2012, 2013 hoạt động kinh doanh thuần của công ty đều thua lỗ, nhưng nhờ có lợi nhuận khác từ nhận bồi thường vi phạm hợp đồng nên HT1 mới thoát lỗ.

Nhà đầu tư có thể thấy tiềm năng gì từ cổ phiếu này? Theo thông tin từ VICEM, sản lượng tiêu thụ xi măng trong dài hạn được dự báo sẽ tăng, ngay trong quý I/2014 sản lượng này đã tăng 6,7%. Giá xi măng VICEM được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập giữa HT1 với CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) cũng là một thuận lợi. Trước khi sáp nhập với HT2, HT1 có nhiều bất lợi về nguồn nguyên liệu sản xuất vì phải nhập khẩu clinker từ nước ngoài và một phần vận chuyển từ phía Bắc vào nên giá cao và nhiều rủi ro. Do phân chia thị trường tiêu thụ giữa 2 công ty, HT1 chỉ tiêu thụ xi măng tại một số vùng ở phía Nam nên hiệu quả không cao và lợi nhuận khá thấp. Sau sáp nhập, HT1 đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào của HT2 đồng thời có thể mở rộng thị trường ra cả khu vực phía Nam.

Những thuận lợi này được thể hiện ở kết quả kinh doanh quý I/2014 của HT1 với LNST gần 2 tỷ (trong khi LNST năm 2013 là 2,5 tỷ) mà nguyên nhân chính là nhờ doanh thu tăng. Ngoài ra, cuối năm 2013, HT1 phát hành 120 triệu cổ phiếu cho công ty mẹ là VICEM để cấn trừ khoản nợ 1.200 tỷ đồng thành vốn góp. Gánh nặng chi phí lãi vay của HT1 được giảm nhẹ.

PPI: Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương

PPI có lịch sử kinh doanh lùi dần rõ rệt, cũng bởi sự khó khăn của thị trường bất động sản nói chung. Năm 2013, PPI có 4,5 tỷ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng do lỗ 3,3 tỷ từ công ty liên doanh liên kết nên LNST chỉ còn 106,6 triệu đồng.

Quý I/2014, theo công ty thì nhờ thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp kinh doanh, tài chính và quản trị công ty nên chi phí tài chính, chi phí quản lý chung đã giảm rất mạnh. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng giúp cho công ty có một kết quả kinh doanh bất ngờ: gần 5 tỷ lợi nhuận sau thuế. Kết quả này cùng với làn sóng chung trong 4 tháng đầu năm đã đưa PPI từ mức giá 4.7 lên 12.5 vào ngày 31/3, tức tăng 166%. Sau những đợt giảm giá, tính đến ngày 17/6, cổ phiếu này đã tăng 113% so với đầu năm.

Ngày 23/04/2014 PPI đã ký kết chuyển nhượng dự án Water Garden choTập đoàn Đất Xanh. Theo PPI, việc hợp tác đầu tư này nhằm cơ cấu tài chính, giảm dư nợ. Cùng với việc đạt được thỏa thuận với Công ty Tài chính Cao su (RFC) về việc xử lý toàn bộ dư nợ bằng cấn trừ tài sản, PPI cho biết sẽ đạt được mục tiêu đến 30/6/2014 giảm dư nợ từ 40 – 50%. Những yếu tố này tạo nên kỳ vọng cho nhà đầu tư rằng doanh nghiệp có thể có một kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp này đã thực sự hồi sinh hay chưa? Thật không chắc chắn được. Chỉ có một điều rõ ràng là giá cổ phiếu của họ đã tăng rất cao và nhiều nhà đầu tư hạnh phúc vì điều đó.

>>> Dòng sự kiện: Lỗ quý I/2014

Duy Hiếu

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên