MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ đầu tư do cá nhân tự lập: Rủi ro thấy ngay trước mắt cho “cổ đông” (Kỳ 2)

Loại hình này không được pháp luật thừa nhận. Tất cả tài sản của quỹ đều đứng tên cá nhân Chủ tịch quỹ. Do đó khi có rủi ro đối với người này, tài sản của cổ đông sẽ không được pháp luật bảo trợ.

Như đã phản ánh trong bài viết trước, trong năm 2014, trên thị trường chứng khoán xuất hiện “mốt” cá nhân đứng ra thành lập một quỹ đầu tư và phát hành cả chứng chỉ quỹ. Có thể thấy ngay trước mắt những sự bất ổn về tính pháp lý của loại hình này, nhưng rõ ràng “quỹ” vẫn hoạt động được với nhiều quy mô. Có những quỹ huy động được từ vài tỷ tới vài chục tỷ, thậm chí còn hơn.

Mua chứng chỉ quỹ, cần một niềm tin lớn lao vào “Chủ tịch”

Website của quỹ Tr*** Fund công bố công khai những rủi ro mà cổ đông phải đối mặt khi tham gia quỹ. Thứ nhất là rủi ro về tính pháp lý bởi vì loại hình này không được pháp luật thừa nhận. Tất cả tài sản của quỹ đều đứng tên cá nhân Chủ tịch quỹ. Do đó khi có rủi ro đối với người này (vỡ nợ, ôm tiền chạy trốn…), tài sản của cổ đông sẽ không được pháp luật bảo trợ.

Quả thực hiện tại luật pháp Việt Nam chưa hề có quy định nào về loại hình “quỹ” do cá nhân tự đứng ra thành lập. Mọi quỹ đầu tư đều được thành lập bởi pháp nhân và chịu sự quản lý của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.

Khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường thể hiện sự ngạc nhiên trước sự tồn tại của một loại quỹ như vậy và cho biết: “Nếu có quỹ này thì đó là một đơn vị không hợp pháp vì theo quy định pháp luật phải xin phép lập quỹ và được cơ quan quản lý cấp phép. Một vài cá nhân đứng lên lập thành thì quỹ đó không theo chuẩn mực của Ủy ban”.

Rủi ro thứ hai có thể thấy là thất thoát tài sản. Do mọi tài sản đều đứng tên Chủ tịch quỹ nên có thể xảy ra tình huống cá nhân này rút tiền từ tài khoản mà cổ đông không phát hiện ra.

Bên cạnh đó, NAV của quỹ chỉ được báo cáo thông qua các ảnh chụp màn hình tài khoản chứng khoán của quỹ. Các hình ảnh này hoàn toàn có thể làm giả được. Để hạn chế rủi ro này, ngoài việc thường xuyên theo dõi danh mục đầu tư, cổ đông có quyền yêu cầu Chủ tịch cung cấp user/pwd để vào tài khoản thực kiểm tra.

Không những thế, do Chủ tịch hay người quản lý quỹ là người toàn quyền quyết định việc đầu tư nên rất có thể các giao dịch của Chủ tịch sẽ không xuất phát từ lợi ích của cổ đông.

Sau khi công khai những rủi ro, “Chủ tịch quỹ” Tr*** Fund kết luận: Cổ đông cần cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia và cần một niềm tin lớn lao vào Chủ tịch quỹ.

Nhưng niềm tin là một thứ quá đắt đỏ

Nếu nhìn vào những quy định nói trên thì dường như rủi ro thuộc hết về “cổ đông”.

Một nhân viên từng làm trong quỹ do cá nhân lập ra cho biết, nếu thuận lợi, đương nhiên cả Chủ tịch và cổ đông đều có lợi từ kết quả đầu tư. Còn nếu không, Chủ tịch vẫn là người có lợi hơn cả.

Trước hết là khoản hoa hồng được nhận từ Công ty chứng khoán. Chủ tịch quỹ, nếu không là môi giới của CTCK đang mở tài khoản thì có thể hoạt động như cộng tác viên, hưởng hoa hồng trên giao dịch của khách hàng.

Thực chất “tài khoản của quỹ” cũng chỉ là một tài khoản được đăng ký bằng tên cá nhân với giá trị tài sản lớn nên được xếp vào tài khoản VIP và được hưởng ưu đãi về phí. Do được chủ động toàn quyền sử dụng, Chủ tịch quỹ có thể dùng các mánh khóe để thực hiện các giao dịch có lợi cho tài khoản riêng.

Ngoài ra còn có trường hợp lợi dụng sự hạn chế trong hiểu biết của nhà đầu tư về các quỹ đầu tư, có một số môi giới tại công ty chứng khoán đã mập mờ thông tin về chứng chỉ quỹ do cá nhân mình thành lập khiến nhà đầu tư hiểu lầm rằng quỹ này do công ty chứng khoán thành lập.

Dù vậy, vẫn có người mua

Với hình thức ủy thác đầu tư (cá nhân với nhau), tài khoản chứng khoán, tài khoản giao dịch chuyển tiền, số điện thoại để thông báo giao dịch vẫn mang tên người ủy thác. Người được ủy thác được cung cấp mật khẩu đăng nhập và giao dịch trực tuyến nhưng không thể chuyển hay rút tiền khỏi tài khoản. Và khi người được ủy thác mua bán cổ phiếu nào thì người chủ tài khoản vẫn kiểm soát được.

Với hình thức đầu tư thông qua mua chứng chỉ quỹ nói trên, nhà đầu tư không có một biện pháp kiểm soát nào ngoài việc thường xuyên theo dõi danh mục đầu tư và yêu cầu Chủ tịch cung cấp user/pwd để vào tài khoản thực kiểm tra.

Như vậy, so với ủy thác đầu tư thì việc mua “chứng chỉ quỹ” rủi ro hơn quá nhiều. Nhưng tại sao vẫn có người lựa chọn mua chứng chỉ quỹ mà không ủy thác đầu tư?

Trường hợp thứ nhất, đó là những người thân quen như anh em, bạn bè của chủ tịch quỹ. Dù sao, là người thân thì vẫn dễ tin tưởng nhau hơn.

Trường hợp thứ hai là khách hàng lâu năm của môi giới. Những môi giới này thực sự đã chứng minh được sự đáng tin và hiệu quả đầu tư của mình với khách hàng qua nhiều năm làm việc cùng nhau.

Trường hợp thứ ba, có những quỹ đảm bảo trả một mức lãi suất tối thiểu cho cổ đông dù kết quả đầu tư bị lỗ. Trong khi đó, khi ủy thác đầu tư, người ủy thác phải chấp nhận lỗ nếu người “chơi hộ” bị thua.

Xa hơn, có thể nghĩ đến việc xuất hiện một thị trường thứ cấp để cổ đông mua bán chứng chỉ quỹ dạng này vì đã có thị trường sơ cấp trái phép thì cũng có thể xuất hiện một thị trường thứ cấp trái phép.

Nở rộ “mốt” cá nhân đứng ra lập quỹ đầu tư Kỳ 1

Hải Đường

trangntm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên