MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị phần môi giới và cuộc chiến "mở"

Cuộc chiến thị phần của các công ty chứng khoán (CTCK) đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết khi các đối thủ ngày càng ngang sức ngang tài.

Vì vậy, cơ hội để chiếm lĩnh thị phần cũng chia đều cho nhiều công ty và ngay cả những công ty chiếm ưu thế cũng phải liên tục cố gắng để hoàn thiện mình.

Điều này đã được minh chứng rất rõ qua bảng xếp hạng thị phần môi giới quý II vừa được Sở GDCK Tp.HCM công bố. Có những "ông lớn" vẫn giữ được vị thế, nhưng cũng có những công ty kỳ cựu bị "văng" khỏi top 10, thay vào đó là sự xuất hiện của những đối thủ "trẻ trung" hơn.

Sơ sẩy là trả giá

Hai "ông lớn" HSC (12,57%) và SSI (11,47%) vẫn giữ rất vững 2 vị trí dẫn đầu với thị phần tổng cộng chiếm gần ¼ thị trường, vị trí thứ 3 là ACBS với sự chênh lệch khá xa (6,63%). CK Bảo Việt (BVSC) không còn xuất hiện trong top 10 nữa, thay vào đó là CK VPBank (VPBS).

Ở tốp giữa, Maybank KimEng (MBKE) một thời gian dài nằm trong top 5 thì quý II vừa qua đã lui về vị trí thứ 8 (4,51%), trong khi CK Rồng Việt (VDSC) bứt phá lên vị trí thứ 5 (5,16%). "Ngựa hay ăn ở đường dài", số liệu thị phần mới chỉ ở quý II và tính riêng ở HoSE nên khó lòng đánh giá được toàn cục, nhưng qua đây cũng có thể thấy được một số vấn đề quan trọng:

Thứ nhất, khoảng cách giữa các đối thủ ngày càng được thu hẹp, chẳng hạn như HSC vẫn dẫn đầu nhưng chênh lệch thị phần với SSI chỉ khoảng 1% trong khi quý I vẫn hơn đến 3%. Hoặc như MBKE, dù thị phần chỉ giảm khoảng 0,5% nhưng đã lui hẳn về vị trí thứ 8. Điều đó cho thấy chỉ cần công ty hơi chững lại, rất dễ để các đối thủ phía sau thu hẹp khoảng cách, thậm chí vượt mặt.

Trong 2 năm 2011 và 2012, VDSC đã bị lỗ, vậy nên muốn thoát khỏi việc bị hủy niêm yết, công ty sẽ phải có lãi, đây có lẽ cũng là một trong những động lực để VDSC gia tăng thị phần của mình. Trong khi đó, với việc đầu tư rất mạnh cho hoạt động môi giới, từ việc "chiêu nạp" nhiều nhân viên môi giới từ các đối thủ, đến việc đẩy mạnh các điều kiện hỗ trợ khách hàng trong giao dịch từ năm ngoái đến nay, VPBS đã có mặt trong top 10.

Khác biệt và tương đồng

Một điều dễ thấy là các "anh hào" trong top 10 đều có những thế mạnh riêng biệt cho mình. HSC có chiến lược môi giới rất năng động. SSI vẫn duy trì thế mạnh phục vụ cho nhà đầu tư tổ chức, có đội ngũ môi giới cá nhân thiện chiến. VN Direct và FPTS được đánh giá cao về hệ thống giao dịch…

Đây là một trong những yếu tố quan tạo nên lợi thế cạnh tranh và cũng là điểm khác biệt của các CTCK. Và đương nhiên, những CTCK nào không có "đường nét" rõ ràng trong hoạt động thường rất dễ bị tụt hậu. Lấy trường hợp như một số CTCK trước đây có tên tuổi, giữ vị thế lớn trên thị trường trong một thời gian dài, nhưng sau đó không kịp thay đổi để bị tụt hậu đến giờ cũng chưa gượng dậy được. Người dẫn đầu cũng không thể "ngủ quên trong chiến thắng", trong khi những đối thủ theo sau chỉ cần nỗ lực sẽ có cơ hội.

Điểm tích cực nữa cũng cần phải nói đến là chất lượng phục vụ của các CTCK ngày càng được nâng cao và san lấp về khoảng cách. Nhìn chung, chất lượng phục vụ của các CTCK trong top 10, chiếu theo những tiêu chí cơ bản như sự chăm sóc của nhân viên môi giới, hệ thống giao dịch, các sản phẩm hỗ trợ và tất nhiên có thể nói là tốt gần như nhau.

Tất nhiên là CTCK lớn thì an toàn thanh khoản sẽ ở mức cao. Sự khác biệt ở đây sẽ nằm ở từng chiến lược, từng thế mạnh của công ty, tùy vào sự lựa chọn và cách thu hút khách hàng của các CTCK. Điều này rõ ràng khiến cho các nhà đầu tư dễ dàng chọn lựa các CTCK hơn, đồng thời hạn chế được tối đa các loại rủi ro.

Có thể nói, thị trường những năm qua cũng có những thời điểm khó khăn, biến động thất thường, thanh khoản giảm mạnh, khiến cho thị phần không dễ gì mở rộng và ở trong trạng thái cạnh tranh gay gắt. Nhưng điều này cũng sẽ buộc các CTCK phải liên tục vận động tồn tại, để phục vụ khách hàng.

Nếu thị trường vẫn ở trạng thái như cách đây 6 - 7 năm, chen nhau đặt lệnh, thậm chí nhân viên môi giới còn "chảnh" với khách hàng thì sẽ khó lòng có nhiều CTCK như hiện nay. Như vậy, từ chỗ chênh lệch, tốt, khá tốt, khá, các công ty đang san lấp khoảng cách để tốt gần như nhau, như vậy xu hướng trong thời gian sắp tới sẽ là tốt hơn, tốt đi kèm với khác biệt, luôn làm mới mình.

Có như vậy, thị phần mới luôn được giữ vững, và đồng thời nhà đầu tư cũng được hưởng nhiều tiện ích hơn. Tất nhiên, cuộc chiến thị phần "mở" với các CTCK lớn, chịu đầu tư, cũng đồng nghĩa với việc sẽ dần "đóng" lại với những CTCK kém chất lượng, hoạt động theo kiểu ăn xổi.

Theo Khiêm An

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên