MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán sẽ chao đảo vì khối ngoại?

Dù thừa nhận hay không thì các nhà đầu tư (NĐT) vẫn cho rằng nguyên nhân đi xuống của thị trường là do khối ngoại đang có dấu hiệu rút vốn khỏi TTCKVN.

Liên tục rút vốn

Theo số liệu của IndexUniverse, NĐT ngoại liên tục rút vốn khỏi Market Vectors Vietnam ETF trong 3 phiên vừa qua với tổng lượng rút ròng 3,52 triệu USD. Cụ thể, lượng rút ròng trong 3 ngày từ 26.8 đến 28.8 lần lượt là 0,9 triệu USD, 0,89 triệu USD và 1,73 triệu USD.

Dù vậy, tổng lượng vốn thất thoát trong 3 phiên vừa qua cũng không bằng mức bốc hơi 5,43 triệu USD trong phiên giao dịch thứ 6 tuần trước. Tổng tài sản ròng và số chứng chỉ quỹ (CCQ) đang lưu hành của Market Vectors Vietnam ETF tiếp tục sụt giảm còn 319,1 triệu USD và 18.550.000 CCQ tại ngày 29.8. Giá trị tài sản ròng (N.A.V) và giá CCQ tại ngày này lần lượt là 17,20USD/CCQ và 17,03USD/CCQ. Từ đầu năm đến nay, N.A.V tăng 0,8% trong khi giá CCQ giảm 5,4%.

Nếu xét trong tháng 8, NĐT nước ngoài mua vào khoảng 2.300 tỉ đồng CK, bán ra khoảng hơn 3.000 tỉ đồng, nếu so với tháng 7, giá trị bán ra đã giảm. NĐT nước ngoài bán ra mạnh vào tháng 6 với 5.400 tỉ đồng. Tuy vậy, nếu tính về mức độ bán ròng thì tháng 8, NĐT bán ròng mạnh hơn, lên đến 700 tỉ đồng, so với mức 300 tỉ đồng của tháng 7.

Hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài chủ yếu là từ các quỹ ETF, bao gồm 2 quỹ lớn là Market Vector Vietnam ETF (VNM) và FTSE Vietnam ETF, bắt đầu xuất hiện từ tháng 6 với nguyên nhân từ những tiêu cực của nền kinh tế Trung Quốc. Việc này khiến NĐT lo ngại và rút vốn khỏi quỹ bằng cách bán lại CCQ cho các quỹ ETF, khiến các quỹ này bán lại CP tại các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Rất nhiều CP lớn nằm trong danh mục đầu tư của hai quỹ trên bị bán rất mạnh, trong đó có VIC, BVH, VCB... ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của NĐT trên toàn thị trường. Cũng vì vậy, chỉ số chính của Việt Nam là VN-Index đã mất 19,15 điểm (3,9%) trong tháng 8, về 472,7 điểm trong phiên cuối tháng, trong khi chỉ số này có lúc đã lên đến 511 điểm vào ngày 19.8. Vốn hóa toàn thị trường cũng giảm mất 30.000 tỉ đồng, xuống còn 787.600 tỉ đồng.

Trên thị trường trái phiếu, khối ngoại còn bán ròng mạnh mẽ hơn. Chỉ chưa đầy 2 tháng trở lại đây, họ đã bán gần 11.000 tỉ đồng, bằng 96% tổng lượng mua ròng trong 5 tháng đầu năm. Cùng với lượng bán ròng cao, mức giao dịch của khối ngoại giảm tới 30-40% so với những tháng trước đây. Điều này khiến thanh khoản trên thị trường trong nhiều phiên đạt chưa đến 1.000 tỉ đồng...

Bán để giữ giá?

Theo các chuyên gia, hiện tượng các NĐT nước ngoài liên tục bán ròng CP có thể xuất phát từ sự phục hồi khá rõ nét của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật và khu vực EU khiến dòng vốn nóng bắt đầu quay lại các thị trường phát triển để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ cắt giảm dần gói nới lỏng định lượng QE3 và dừng hẳn trong năm 2014, dòng vốn nước ngoài giá rẻ nhờ gói kích thích này đã ồ ạt rút khỏi các thị trường mới nổi trong vài tháng qua.

Hệ quả là hàng loạt tài sản như CP, trái phiếu, tiền tệ ở các quốc gia này bị nhấn chìm. Còn theo đánh giá của giới đầu tư CK ở TPHCM thì từ đầu tháng 8 NĐT nước ngoài đã bắt đầu bán ra. Các động thái mua vào của họ chỉ để giữ giá, không bán tháo để giá xuống như các NĐT không chuyên nghiệp trong nước, khi nào họ xả xong hàng của họ rồi thì giá các CP này mới rơi tự do. Về nguyên nhân của việc bán tháo thì theo giới đầu tư có thể các yếu tố kinh tế vĩ mô chưa phát huy hết tác dụng, hoạt động của DN và NH còn yếu khiến các NĐT nước ngoài không đủ kiên nhẫn chờ đợi thêm. Và chính vì động thái liên tục bán ròng của khối ngoại mà các NĐT trong nước chùn tay hạn chế mua vào làm cho thị trường tiếp tục ảm đạm.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, tỉ giá USD tăng là một trong những tác nhân tạo thêm áp lực bán ròng của khối ngoại. Chưa kể một vài yếu tố khác về kinh tế như: Tác dụng của các gói tín dụng, các chính sách vĩ mô khác vẫn chưa thể phát huy tác dụng lên nền kinh tế. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ rủi ro đang tăng lên trên thị trường thế giới nói chung và Châu Á nói riêng, làm cho kinh tế chậm phục hồi, CK tiếp tục èo uột. Chỉ số bảo hiểm vỡ nợ gần đây đã tăng lên mạnh tại Châu Á. Đó cũng là lý do khiến TTCK Châu Á tiếp tục giảm mạnh ở hầu hết các thị trường.

CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định rằng nếu chương trình nới lỏng định lượng của FED sớm kết thúc, TTCKVN có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định từ việc rút vốn của khối ngoại, đặc biệt là từ các quỹ ETF. Còn theo phân tích của Vietstock, nếu như tình trạng khối ngoại vẫn liên tục bán ròng như hiện nay thì khó có hy vọng giai đoạn cuối năm 2013 sẽ kết thúc lạc quan.

Theo Bảo Chương

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên