MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong vòng xoáy tồn tại

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung, các DN đều phải lựa chọn những phương án khác nhau để chèo lái công ty hợp lý nhất.

Nỗ lực cải thiện tình hình kinh doanh, song quý I/2014, CTCP Vận tải Biển Vinaship (VNA) vẫn còn lỗ 9 tỷ đồng. Theo ông Vương Ngọc Sơn, Tổng giám đốc VNA, với nhu cầu vận tải biển sụt giảm, cung vượt cầu lớn nên dù giá cước có tăng nhưng thu vẫn không đủ bù chi. Bên cạnh đó, VNA còn chịu áp lực trả lãi cho những khoản vay đầu tư mua tàu từ các năm trước. Với những lý do này, kết quả kinh doanh ở VNA tiếp tục âm.

Tương tự, lãnh đạo của CTCP Thép Nam Kim (NKG) cho biết, suy giảm lợi nhuận là do chi phí khấu hao tài sản tăng, cộng với giá cả thị trường, chi phí nguyên vật liệu, cước vận chuyển đều tăng so với cùng kỳ, trong khi giá bán khó tăng tương ứng do thị trường thép tồn kho nhiều và cạnh tranh gay gắt.

Với nhiều DN khác, dù không thua lỗ thì mức lãi cũng rất thấp. Nhìn chung, phần lớn những khoản lợi nhuận ít ỏi đều do các công ty thu được từ những hoạt động đầu tư khác. Vì thế, một số DN như CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG) đã phải “cay đắng” công bố với cổ đông: hướng tới mục tiêu giảm lỗ chứ không mong thoát lỗ trong năm nay. Trong báo cáo thường niên 2013, ông Nguyễn Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành SSG chia sẻ: “Với tình hình kinh doanh năm 2014 dự báo khó khăn hơn năm 2013, SSG sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn hàng, tuyến khai thác và chi phí khai thác”.

Nhìn chung, để giải thích cho sự thua lỗ trong quý I vừa qua, phần lớn các DN đều lý giải vì sức cầu sụt giảm, trong khi chi phí tăng cao. Với họ, kết quả kinh doanh trong năm dự báo vẫn u ám. Từ đây, một số DN đang phải tìm cách trì hoãn và không muốn đầu tư để giảm gánh nặng chi phí. Lên đối sách cho vấn đề này, một số DN cho biết, bên cạnh việc tiếp tục tái cơ cấu hoạt động để giảm thiểu gánh nặng tài chính, DN phải “tạm bợ” đầu tư ngoài ngành để kiếm thêm lợi nhuận…

Song song đó, phương án được nhiều công ty lựa chọn lúc này là giảm số lượng công ty con, phát hành thêm cổ phiếu và lên kế hoạch chuyển nhượng một số dự án và tìm kiếm nhà đầu tư mới cùng tham gia. Ngay như trường hợp của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, những dự án như The Everich từng là niềm tự hào của họ. Nhưng, sau thời gian trì hoãn và gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, vừa qua, bằng cách thông qua CBRE, công ty đã thống nhất chọn Tập đoàn BĐS lớn của Trung Quốc là Country Garden để hợp tác cùng phát triển dự án. “Đầu tiên, việc cần làm ngay của công ty là phải co cụm lại hoạt động sản xuất bằng cách chuyển từ chiến lược phát triển sang chiến lược tồn tại”, lãnh đạo của Phát Đạt nói.

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung, các DN đều phải lựa chọn những phương án khác nhau để chèo lái công ty hợp lý nhất. Theo các chuyên gia, mỗi phương án lựa chọn đều là chiến lược hợp lý. Chẳng hạn, để giảm chi phí, việc làm ngay của người lãnh đạo là co cụm hoạt động sản xuất bằng cách chuyển từ chiến lược phát triển sang tồn tại. Nhưng việc co cụm này sẽ làm DN mất đi cơ hội cạnh tranh khi nền kinh tế thoát đáy và có những tín hiệu sáng sủa hơn. Hay chuyện tìm kiếm đối tác góp vốn, thậm chí nương nhờ lợi nhuận bằng những khoản đầu tư khác… cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Bỏ chỗ có kinh nghiệm và quan hệ lâu năm để nhảy sang một lĩnh vực đầu tư mới luôn là chuyện chẳng đặng đừng. Rõ ràng, cái được, cái mất trước mắt rất khó để cân nhắc thiệt hơn. Nhưng chắc chắn một điều, nhà đầu tư và đối tác sẽ chỉ nhìn vào chiến lược dài hạn và tiềm năng, thế mạnh của DN để quyết định hợp tác.

Theo KIM


thunm

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên