MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 04/08: Sự bán tháo có thể còn tiếp tục?

CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) nhận định sự bán tháo trong phiên qua đến từ sự thất vọng của thị trường, và có thể còn tiếp tục trong những ngày tới. Điều này đặc biệt đúng đối với những mã tăng mạnh như HVG hay TCM.

Sau tin vòng đàm phán TPP tại Hawaii thất bại, thị trường mở cửa với việc giảm sàn hàng loạt các cổ phiếu dệt may và thủy sản như TCM, HVG, TNG, KMR, IDI. Nhưng chưa dừng lại ở đó, áp lực giảm điểm càng lan rộng ra về cuối phiên, sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử. VNIndex kết phiên giảm  mạnh 11,59 điểm còn 609,47 điểm tương đương giảm 1,87%. HNIndex còn mất điểm mạnh hơn khi giảm 1,82 điểm còn 83,31 điểm tức giảm 2,13%. Thanh khoản hai sàn có tăng nhẹ khi giá trị giao dịch trên HOSE đạt 2.707 tỷ đồng và trên HNX là 601 tỷ.

Những tưởng trong những phiên giảm điểm mạnh như thế này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua vào đột biến. Khối ngoại đã mua ròng phiên thứ 3 trên HOSE nhưng giá trị chỉ gần 30 tỷ chủ yếu qua thỏa thuận. Tại sàn Hà Nội, khối này lại bán ròng hơn 11 tỷ trên HNX.

CII là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với khối lượng 408.400 đơn vị, tương ứng tổng giá trị 10,79 tỷ đồng.

Tiếp đó, NT2 được mua ròng 417.730 đơn vị, trị giá 10,4 tỷ đồng và VIC được mua ròng 231.810 đơn vị, trị giá 10,1 tỷ đồng. Trong đó, khối này đã giao dịch thỏa thuận lượng lớn cổ phiếu VIC với khối lượng mua vào 6,3 triệu đơn vị, trị giá 270,2 tỷ đồng và bán ra gần 6 triệu đơn vị, trị giá 250,5 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại bán ròng chủ yếu là bán 500.000 cổ phiếu PVS, giá trị 12,4 tỷ đồng trong phiên thỏa thuận.

CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) nhận định sự bán tháo trong phiên qua đến từ sự thất vọng của thị trường, và có thể còn tiếp tục trong những ngày tới. Điều này đặc biệt đúng đối với những mã tăng mạnh như HVG hay TCM. Trong vài ngày tới, chỉ số có thể hồi phục phần nào khi các nhà đầu tư quen với diễn biến hiện tại. Tuy nhiên liền sau đó là khoảng thời gian được xem là không thuận lợi cho thị trường; ít nhất điều này cũng đã thể hiện trong 6 năm gần đây. Với diễn biến hiện tại, những phiên tăng điểm có lẽ phù hợp với chiến lược bán ra hơn là mua vào.

Cổ phiếu đáng chú ý

HAG: Ngày 31/07/2015, Đại hội cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG ) đã thông qua việc sửa đổi một số điều khoản và điều kiện của trái phiếu HAG-CB2011.

Đây là số trái phiếu đã được HAG phát hành cho Northbrooks Investments Pte Ltd theo phương án phát hành trái phiếu đã được ĐHCĐ thông qua ngày 18/08/2010 với lãi suất tiền gửi cộng 3%/năm. Nghị quyết mới này thông qua việc mức lãi suất nói trên áp dụng kể từ ngày 01/09/2015. Nghị quyết cũng điều chỉnh giá chuyển đổi từ 25.000 đồng/cp xuống còn 19.645 đồng/cp.

HSG: HĐTQ của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) đã thông qua chủ trương xét duyệt bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư. Theo đó, nhóm nhà đầu tư có liên quan do ông Lê Phước Vũ là đại diện (gồm ông Lê Phước Vũ, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen, Công ty TNHH MTV Tam Hỷ) được mua 2.977.692 cổ phiếu. Vietnam Enterprise Investments Limited được mua 1,5 triệu cổ phiếu. Giá bán dự kiến từ 36.000 – 44.000 đồng/cp.

LGC: CTCP Cầu đường CII (mã: LGC ) thông báo về việc hủy thực hiện chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2015.

Ngày 27/07/2015, LGC đã nhận được công văn của Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) về việc tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, theo đó công ty phải cung cấp thông tin tài liệu chứng minh việc điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ và chỉ thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2015 sau khi đam bảo nguồn tiền theo quy định. Ngày 30/07, LGC đã có văn bản giải trình về nguồn chi trả cổ tức với HOSE và kèm theo các văn bản thông báo chia lợi nhuận từ các công ty con. HOSE sẽ có văn bản trình lên Ủy ban chứng khoán để xem xét quyết định. Do đó, việc chi trả cổ tức năm 2015 sẽ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của UBCKNN.

VNM - FPT: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) vừa công bố thông tin giao dịch liên quan đến cổ phiếu FPT của CTCP FPT và cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Theo đó, ngày 31/7/2015, SIC đã bán hết 822.700 cổ phiếu VNM (tương đương 0,08% vốn điều lệ) mà tổ chức này đang nắm giữ.

Cùng ngày 31/7, SIC cũng đã bán ra 124.650 cổ phiếu FPT trong tổng số 997.210 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 0,3%) mà SIC đăng ký bán. Nguyên nhân không bán hết là do biến động thị trường.

Tin kinh tế đáng chú ý

Mặc dù không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) tại Hawaii của Mỹ lần này đã ghi nhận những bước tiến đáng kể. Phát biểu với báo giới tại Hawaii ngày 31/7 sau khi đàm phán TPP kết thúc, Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản Akira Amari khẳng định các bên đã tiến rất gần một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là các bộ trưởng có thể hoàn tất công việc. Theo ông, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám này.

Nikkei vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam. Theo đó, chỉ số này đã tăng nhẹ từ 52,2 điểm của tháng 6 lên 52,6 điểm trong tháng 7 cho thấy các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Hải Long

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên