MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Ý kiến luật sư] Đạo đức của người hành nghề chứng khoán: Có bột mới gột nên hồ

Khi số lượng người có chuyên môn còn chưa đáp ứng đủ (chỉ 50% nhân viên chứng khoán có chứng chỉ hành nghề) thì khó có thể đòi hỏi ở họ cả về mặt đạo đức.

Ngày 27/5/2011 một nhân viên môi giới VIP của Công ty Chứng khoán Sacombank bị khởi tố vì tội làm giá chứng khoán. Cuối năm 2011 Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Hà Thành biến mất cùng khoản nợ hơn 100 tỷ đồng.

Gần đây thì nguyên Tổng Giám đốc của Công ty Chứng khoán Liên Việt bị bắt vì những vì những sai trái trong khi tại vị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME bị bắt tạm giam, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Viễn Đông bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản … và còn nhiều vụ việc bỏ trốn, khởi tố, bắt giữ khác trong lĩnh vực chứng khoán mà báo chí đã nêu.

Nhà nghề phá nghề nghiệp

Nguyên nhân chủ yếu của hầu hết các vụ việc trên đều là chủ quan từ phía những người dựa vào vị trí, công việc của mình để lợi dụng, kiếm lợi bất chính, bất chấp đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.

Vậy mô hình quản lý những người hành nghề chứng khoán phải chăng còn nhiều kẽ hở? Pháp luật chưa thật sự tạo ra được sự răn đe cần thiết? Và phải chăng đạo đức nghề chứng khoán không đáng coi trọng? Bài viết này chỉ xin bàn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của những người làm nghề chứng khoán.

Thị trường chứng khoán ở nước ta hình thành và bùng nổ trong một thời gian ngắn, đã có những thời điểm mà nhà nhà, người người đều chơi chứng khoán. Để phục vụ cho các hoạt động giao dịch mới mẻ này là việc ra đời của một loạt các tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, kèm theo đó là những cá nhân hành nghề trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên do nhu cầu tại thời điểm bấy giờ cũng như chưa hề có một chuẩn mực rõ ràng về đạo đức hành nghề chứng khoán, cho nên không mấy công ty quan tâm đến yêu cầu về tư cách đạo đức của người hành nghề chứng khoán khi tuyển dụng nhân sự.

Như vậy có thể nói các công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán đã không quan tâm nhiều đến đạo đức nghề nghiệp cần phải có ở nhân viên của mình.

Trong bối cảnh mà chỉ có khoảng 50% những người hành nghề chứng khoán có chứng chỉ hành nghề (theo ước lượng từ phía UBCKNN) thì điều này cũng không quá khó hiểu, bởi khi mà số lượng người có chuyên môn còn chưa đáp ứng đủ thì khó có thể đòi hỏi ở họ cả về mặt đạo đức.

Khi mà đạo đức của những người hành nghề chứng khoán không được xem là một yêu cầu bắt buộc khi hành nghề cộng với việc buông lỏng việc xem xét, giám sát về tư cách đạo đức của các tổ chức hành nghề đối với cán bộ, nhân viên của mình thì đương nhiên đây là một cơ hội thuận lợi cho những người chôn vùi đạo đức nghề nghiệp. Điều này mà một phần nguyên nhân tạo ra những hệ lụy xấu, hậu quả nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Vai trò đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề

Việc công ty chứng khoán buông lỏng, thiếu giám sát tư cách đạo đức của người hành nghề chứng khoán đã dẫn đến việc lạm dụng, lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư. Đã xảy ra quá nhiều vụ không những gây thiệt hại cho nhà đầu từ mà còn gây họa cho cả công ty chứng khoán.

Các quy tắc đạo đức có vai trò điều chỉnh nhiều hành vi mà pháp luật không thể với tới. Trong lĩnh vực hoạt động chứng khoán, điều này cũng không phải là ngoại lệ. Nếu đạo đức nghề nghiệp trong việc hành nghề chứng khoán được coi trọng, đề cao, thì những người có đạo đức nghề nghiệp tốt không lẫn với những kẻ cơ hội, lắt léo.

Khi ấy, một ai đó hành nghề chứng khoán nếu có ý định thực hiện một hành vi sai trái thì bên cạnh nỗi lo sợ về những hình phạt của pháp luật, còn phải đối mặt với nỗi sợ bị cộng đồng lên án, chỉ trích, thậm chí đào thải và tất nhiên sẽ không ít những hành vi sai trái được ngăn chặn bởi vách chắn là đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy trong nhiều trường hợp đạo đức nghề nghiệp không những là sự vươn tới những gì tốt đẹp mà còn là việc ngăn chặn được những điều sai trái.

Kinh nghiệm từ một số công ty chứng khoán cho thấy việc tuyển chọn nhân sự trong đó có yêu cầu khắt khe về tư cách đạo đức nghề nghiệp sẽ đem lại một sự an toàn, vững chắc trong hoạt động đồng thời loại bỏ những rủi ro phát sinh từ bên trong.

Làm sao để nâng cao đạo đức?

Việc đòi hỏi tất cả mọi người hành nghề chứng khoán đều có tư cách đạo đức nghề nghiệp tốt là điều quá khó. Tuy nhiên hoàn toàn có thể đòi hỏi nâng cao tư cách đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực đặc thù này. Tại sao không có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề chứng khoán, để làm chuẩn mực cho nghề?

Cần đến điều đó, vì những hành xử chuẩn mực được xác định rõ thành quy tắc mới có thể khiến người ta tuân thủ và lặp đi lặp lại nhiều lần thì những quy tắc này mới thấm sâu vào con người, trở thành đạo đức nghề nghiệp.

Cần đến điều đó, vì nghề chứng khoán luôn gắn chặt với may rùi, tác động đến sự được thua đáng kể của khách hàng. Ngành nghề đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ của các khâu và cơ quan chức năng, thì chỉ dựa vào quy phạm pháp luật không thôi là chưa đủ.

Để có thể giảm thiểu những vụ việc như đã nêu ở đầu bài viết cần, bên cạnh mô hình quản lý khoa học, các chế tài pháp luật đủ mạnh để răn đe, thì không thể vắng bóng đạo đức nghề nghiệp của những người hành nghề chứng khoán.

Chuyên mục hợp tác với Công ty luật Ngân hàng Chứng khoán Đầu tư (BASICO)

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên