MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 11/4: Giá đồng cao nhất hơn 3 tuần, sắt và thép đều tăng

11-04-2020 - 08:18 AM | Thị trường

Các thị trường London, New York và Chicago nghỉ lễ Phục Sinh, hoạt động giao dịch thị trường châu Á trở nên trầm lắng, trong bối cảnh đại dịch virus corona. Chốt phiên giao dịch ngày 10/4, đồng có tuần tăng giá mạnh nhất gần 2 năm, quặng sắt và thép đều tăng, cao su diễn biến trái chiều, dầu cọ giảm trở lại.

Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ giảm mạnh nhất 5 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm trong tháng 3/2020 và sẽ giảm hơn nữa, do virus corona bùng phát khiến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ suy giảm, lấn át một số mặt hàng giá tăng do thiếu hụt bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bộ Lao động Mỹ hôm thứ sáu (10/4/2020) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2020 của nước này giảm 0,4%, trong bối cảnh chi phí xăng dầu giảm và giá phòng khách sạn, hàng may mặc và giá vé máy bay giảm kỷ lục. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2015 sau khi tăng 0,1% trong tháng 2/2020. Trong 12 tháng tính đến tháng 3/2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,5%, đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2019, sau khi tăng 2,3% trong tháng 2/2020.

Các nhà kinh tế theo khảo sát của Reuters dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2020 giảm 0,3% so với tháng 2/2020, song tăng 1,6% so với tháng 3/2019.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn nền kinh tế suy yếu. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 3/2020 đã ký một gói hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp và người lao động trị giá 2,3 nghìn tỉ USD. Một kỷ lục 16,8 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần qua. Tỉ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ lên tới 10% trong tháng 4/2020.

Các nhà kinh tế cho rằng, nhiều khả năng các biện pháp kích thích lớn này sẽ không gây ra lạm phát và giá vẫn chịu áp lực giảm trong cuộc Đại suy thoái và sau khi ngân hàng trung ương Mỹ bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua trái phiếu mở rộng.

Đồng có tuần tăng giá mạnh nhất gần 2 năm

Giá đồng tại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất hơn 3 tuần và có tuần tăng mạnh nhất trong 22 tháng, do các dấu hiệu nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – hồi phục và nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Giá đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 2,6% lên 41.890 CNY (5.957,92 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/3/2020. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 3,7%, tuần tăng thứ 3 liên tiếp và đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 8/6/2018. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng giảm 17,1% chịu áp lực giảm bởi khủng hoảng virus corona.

Ngoài ra giá đồng tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ đồng tại Thượng Hải giảm 4,4% so với tuần trước đó xuống 317.928 tấn.

Sản lượng đồng catot của Trung Quốc trong tháng 3/2020 tăng 2,6% so với tháng 2/2020, nhà nghiên cứu Antaike cho biết.

Đồng thời, giá các kim loại cơ bản khác tại Thượng Hải đều tăng, giá nhôm tăng 1,8% sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/3/2020, giá kẽm tăng 0,3% và chì tăng 1%.

Giá quặng sắt và thép đều tăng

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp và có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, do hoạt động kinh tế dần hồi phục bởi tác động của khủng hoảng virus corona.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 600 CNY (85,29 USD)/tấn, cao nhất 3 tuần. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 5,5%.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 2,4% lên 3.373 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 2,3% lên 3.209 CNY/tấn và giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 1,7% lên 12.455 CNY/tấn.

Giá cao su giảm tại Tokyo, tăng tại Thượng Hải

Giá cao su tại Tokyo rời khỏi chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, chịu áp lực giảm bởi giá dầu giảm và lo ngại nền kinh tế suy yếu kéo dài bởi đại dịch virus corona, song giá cao su có tuần tăng đầu tiên trong 7 tuần.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn TOCOM giảm 1,5 JPY xuống 153 JPY (1,41 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 6%.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 30 CNY lên 10.140 CNY/tấn.

Giá dầu cọ giảm trở lại

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm trở lại do dự báo sản lượng dầu của nước này trong tháng 3/2020 tăng và xuất khẩu trong tháng 4/2020 sẽ duy trì vững, song giá dầu cọ có tuần tăng trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới bị gián đoạn.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 15 ringgit tương đương 0,65% xuống 2.289 ringgit/tấn, sau khi giảm hơn 2% trong phiên trước đó.

Ủy ban dầu cọ Malaysia cho biết, tồn trữ dầu cọ trong tháng 3/2020 tăng 1,67% so với tháng 2/2020, trong khi sản lượng tăng 8,4%.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên