MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 22/1: Giá dầu, vàng quay đầu đi xuống, cao su lao dốc hơn 4%

22-01-2020 - 08:59 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa nguyên liệu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, thị trường có thêm một mối lo mới, đó là virus lạ ở Trung Quốc có thể gây suy yếu nền kinh tế này. Kỳ họp đầu tiên năm 2020 của FED cũng đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư.

Dầu giảm do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu

Giá dầu giảm trong phiên vừa qua, phớt lờ tình hình ở Libya, do dự báo thị trường thế giới sẽ dồi dào nguồn cung, trong đó có sản lượng của Mỹ cao kỷ lục.

Kết thúc phiên giao dịch, cả dầu Brent và dầu thô Mỹ (WTI) đều giảm 20 US cent xuống lần lượt 64,59 USD/thùng và 58,38 USD/thùng.

Gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Libya bị ngừng trệ do các đường ống dẫn dầu ở cả miền Đông và miền Tây đều bị phong tỏa. Nếu tình trạng này tiếp diễn thêm vài ngày thì toàn bộ các bể chứa dầu của nước này sẽ hết công suất chứa và sản lượng sẽ phải chậm lại. Trong khi đó ở Iraq, bạo loạn chống Chính phủ đang xảy ra. Tuy nhiên, sản xuất dầu ở các mỏ miền Nam nước này không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, bất cứ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể được bù đắp nhanh chóng bởi sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), làm hạn chế tác động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Công suất dự phòng của OPEC hiện đạt trên 3 triệu thùng/ngày.

Tại Mỹ, sự bùng nổ của dầu đá phiến đã khiến sản lượng đạt mức cao kỷ lục 13 triệu thùng/ngày, theo số liệu Chính phủ nước này đưa ra vào tuần trước. Sản lượng dầu và khí của Mỹ tháng 2/2020 dự b áo sẽ tăng thấp nhất trong 1 năm, nhưng vẫn đạt mức cao mới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 21/1 đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đi 0,1 điểm phần trăm xuống 3,3% do sự giảm tốc rõ rệt ở Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, IMF cũng lạc quan rằng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động thương mại và sản xuất trên toàn cầu có thể sớm chạm đáy.

Ngân hàng Barclays đã nâng dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2020 lên 1,4 triệu thùng/ngày, từ mức 50.000 thùng/ngày đưa ra trước đây, và cao hơn mức tăng 900.000 thùng/ngày của năm 2019. Ngân hàng này vẫn giữ dự báo về giá dầu Brent và WTI năm 2020 ở mức lần lượt là 62 và 57 USD/thùng.

Khí gas thấp nhất nhiều năm

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm trong phiên vừa qua, là dưới 4 USD/triệu đơn vị nhiệt lượng Anh (mmBtu). Lần gần đây nhất giá giao ngay giảm xuống dưới 4 USD (trên thị trường Đông Bắc Á) là năm 2016.

Tuần này, cơ sở xuất khẩu LNG của Brunei đã bán một chuyến hàng kỳ hạn giao 30-31/3/2020 với giá 3,9-3,95 USD/mmBtu. Ở Singapore, S&P Global Platts thuộc S&P Global Inc báo giá khí Japan-Korea-Marker (JKM) – tham chiếu cho giá khí gas giao ngay toàn Châu Á - ở mức thấp nhất hơn 3 năm, là 4,046 USD/mmBtu.

Mùa đông này thời tiết ôn hòa, trong khi Mỹ bổ sung sản lượng khí gas thương phẩm dự báo sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên giá mặt hàng này. Tuy nhiên, giá khí rẻ có thể thúc đẩy nhiều nước Châu Á như Nhật Bản chuyển từ sử dụng than đá sang khí gas.

Vàng giảm từ mức cao nhất 2 tuần, nhưng vẫn trên 1.550 USD

Giá vàng đã giảm 1% trong phiên vừa qua trong bối cảnh giao dịch nhiều biến động do các nhà đầu tư bán kiếm lời sau khi giá đạt mức cao nhất 2 tuần vào đầu phiên. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế bởi giá cổ phiếu cũng giảm do thị trường lo ngại về dịch bệnh do virus ở Trung Quốc giữa bối cảnh mối lo về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông vẫn còn đó.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.558,6 USD/ounce, đầu phiên có lúc đạt 1.568,35 USD – cao nhất kể từ 8/1/2020. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 0,2% xuống 1.557,9 USD/ounce.

Thị trường vàng đang dõi theo vào kỳ họp đầu tiên năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ sẽ diễn ra vào các ngày 28-29/1/2020.

Đường thô cao nhất 2 năm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 đã tăng 0,7% (10 US cent) lên 14,55 US cent/lb vào cuối phiên vừa qua, đầu phiên có lúc đạt 14,59 US cent – cao nhất 2 năm. Đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 0,2% (0,8 USD) lên 399,5 USD/tấn.

Thị trường tiếp tục được thúc đẩy bởi nguồn cung khan hiếm. Dự báo mức thiếu hụt trong niên vụ 2019/20 tiếp tục được điều chỉnh tăng, trong khi vụ thu hoạch ở cả Ấn Độ và Thái Lan đều bị chậm lại.

Tuy nhiên, đà tăng giá bị hạn chế do khả năng Brazil sẽ tăng sản xuất đường thay vì ethanol.

Cà phê thấp nhất 2 tháng

Giá cà phê arabica giảm trong phiên vừa qua do các nhà đầu tư bán mạnh bởi có một số dấu hiệu kỹ thuật cho thấy giá sẽ còn giảm nữa. Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1% (1,1 US cent) xuống 1,1105 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 2 tháng là 1,104 USD/lb. Các thương gia cho biết lượng arabica lưu trữ trên sàn New York đang tăng lên.

Trong khi đó, robusta cũng kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 2,3%, hay 30 USD, lên 1,335 USD/tấn.

Cao su giảm trên 4% do lo sợ virus lạ ở Trung Quốc

Giá cao su tại Tokyo giảm trên 4% trong phiên vừa qua, nhiều nhất trong vòng 22 năm, do lo ngại kinh tế Trung Quốc có thể sa sút hơn nữa do dịch cúm bởi virus lạ.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 6/2020 đã giảm 8,4 JPY, tương đương 4,2%, xuống 193 JPY (1,76 USD)/kg, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 3/2018. Đây là mức giá thấp nhất kể từ 23/12/2019.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 5/2020 cũng giảm 345 CNY xuống 12.620 CNY (1.827 USD)/tấn.

Với hàng triệu người dâu Á đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác nhận virus lạ có thể lan nhanh giữa người nọ và người kia. Được biết đã có 15 nhân viên y tế bị nhiễm virus này và đã có 4 ca tử vong vì virus này.

Sản lượng bưởi đỏ Trung Quốc tăng

Mùa bưởi mật ở Trung Quốc đã kết thúc. Tiêu thụ bưởi năm nay nhìn chung không mạnh. Những năm trước, nhiều nhà xuất khẩu bưởi Trung Quốc xuất khẩu được những đơn hàng lớn cho thị trường Nga vào cuối vụ. Tuy nhiên, tháng 1/2020, Nga đã cấm nhập khẩu quả có múi của Trung Quốc, bao gồm cả bưởi mật. Chính sách này có ảnh hưởng đàng kể đến xuất khẩu bưởi Trung Quốc trong mùa này. Giá do vậy cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bưởi Trung Quốc được xuất khẩu sang Châu Âu, Canada, Ukraina và Dubai.

Thị trường bưởi Trung Quốc những năm gần đây có sự thay đổi, nhất là về giống bưởi. Bưởi trắng không còn được ưa chuộng như trước nữa. Do đó, nhiều người trồng bưởi đã ghép giống bưởi đỏ lên cây bưởi trắng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Những cây này cho quả nhỏ hơn bưởi đỏ, vỏ cũng mỏng hơn. Xuất khẩu bưởi của một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã bị giảm khoảng 40% do sự thay đổi nhu cầu này. Sự cân bằng giữa cung và cầu của thị trường bưởi Trung Quốc không chỉ nằm ở giống bưởi đào hay trắng, mà còn bởi loạt cây bưởi trắng được ghép mắt bưởi đào theo trào lưu đến nay bắt đầu cho thu hoạch với năng suất cao nhất theo chu kỳ của cây. Nhu cầu bưởi thường tăng lên vào mùa Đông.

Sản lượng bưởi Trung Quốc đang tăng nhanh, nhưng bưởi vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng trái cây Trung Quốc, do đó giá vẫn cao, nhất là bưởi đỏ- giá cao gấp nhiều lần so với bưởi trắng.

Triển vọng thị trường bưởi Trung Quốc rất khó đoán. Nhiều khả năng giá sẽ ổn định cho đến Lễ hội mùa Xuân (25/1/2020) sau đó sẽ giảm xuống.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 22/1

Thị trường ngày 22/1: Giá dầu, vàng quay đầu đi xuống, cao su lao dốc hơn 4% - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên