MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước sang chu kỳ mới

27-11-2023 - 14:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Khối ngân hàng được nhận định sẽ là động lực cho phát hành mới cho thị trường khi lượng phát hành luôn lớn, chiếm khoảng 30-40% thị trường.

Ngày 24/11 vừa qua, CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) tổ chức Hội thảo "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và dịch vụ xếp hạng tín nhiệm", và lễ ra mắt VIS Rating tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cho biết, thời gian qua, đặc biệt là trước khi có Nghị định 08/2023/NĐ-CP, cung trái phiếu ra thị trường nhiều nhưng không minh bạch. Nhiều doanh nghiệp còn không có cả website. Cầu trái phiếu chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, lên tới 480 nghìn tỷ vào thời điểm cuối năm 2021, tương đương 32,6% tổng thị trường.

Trái phiếu chậm trả gốc, lãi chủ yếu đến từ nhóm bất động sản, xây dựng, năng lượng tái tạo cùng với các công ty được thành lập chỉ để huy động vốn.

Nhà nước đã làm việc quyết liệt để xử lý các vấn đề bất cập của thị trường trái phiếu.

Sau khi có Nghị định 08 ra đời, việc xử lý nợ xấu được tăng lên đáng kể. Cụ thể, trước đó chỉ có 16% trái phiếu có vấn đề được đàm phán xử lý, nhưng thời điểm tháng 10 năm nay thì có tới 59% các khoản trái phiếu có vấn đề được đàm phán xử lý. Các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào phương thức gia hạn nợ trong quy định mới, đây cũng là lựa chọn khả thi nhất để giải quyết vấn đề. Hầu hết các khoản gia hạn nợ tối đa 2 năm.

Trước khi có nghị định 08 (tại thời điểm tháng 2/2023), phát hành trái phiếu gần như dừng lại, nhưng đến khi Nghị định 08 ra đời, thị trường trái phiếu đã hồi phục với việc phát hành mới tăng trở lại, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng.

Tổng giám đốc VIS Rating đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung đã bước vào chu kỳ mới, khi giá trị trái phiếu có rủi ro cao giảm dần trong vòng 12-18 tháng tới. Cụ thể, quý 4/2023, giá trị trái phiếu có độ rủi ro cao là 19.000 tỷ đồng; quý 1/2024 còn 8.000 tỷ đồng; quý 2/2024 là 13.000 tỷ đồng; quý 3/2023 là 13.000 tỷ đồng và quý 4/2024 là 9.000 tỷ đồng. Như vậy, năm 2024, tổng giá trị của rủi ro cao khoảng 43.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1 quý trong năm 2023.

Ông Minh chỉ ra, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát tín hiệu ổn định từ tháng 7/2023. Toàn bộ quy định mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024 là điểm cốt yếu giúp thị trường nhận thức đúng mức hơn về tính kỷ luật, mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới. Các quy định bắt đầu có hiệu lực bao gồm khung pháp lý giám sát chặt chẽ hơn, yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm…

"Toàn bộ quy định trong Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các bên liên quan, khôi phục niềm tin của thị trường và mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới bền vững hơn", ông Minh nói.

Theo ông Simon Chen, Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu VIS Rating, trong 2 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp cú sốc về thanh khoản khi nhiều nhà phát hành trả gốc và lãi đúng hạn.

Bước sang năm 2024, ông Simon cho rằng, thị trường trái phiếu sẽ có 3 điểm dẫn dắt.

Thứ nhất là tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc và lãi phát sinh mới sẽ giảm dần. Việc này đến từ môi trường lãi suất thấp, khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 4 lần lãi suất điều hành năm 2023, giúp việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn. Thứ 2, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với hoạt động kinh doanh và kích cầu nền kinh tế giúp cho doanh nghiệp sẽ dần hiệu quả trong năm 2024, giúp hoạt động kinh doanh, dòng tiền của doanh nghiệp tốt hơn.

Từ đó, khả năng huy động vốn, trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành cải thiện dần. Cuối cùng, chuyên gia VIS Rating cho rằng, những thay đổi thị trường gần đây đã giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện dần. Khối ngân hàng sẽ là động lực cho phát hành mới cho thị trường khi lượng phát hành luôn lớn, chiếm khoảng 30-40% thị trường.

Thảo Phương

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên