MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản bước vào chu kỳ mới chuyên nghiệp hơn?

Theo giới chuyên môn, chu kỳ ấy đã bắt đầu và năm 2014 được xem như một năm bản lề cho chu kỳ mới của thị trường BĐS.

Thị trường bất động sản đã, đang và sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn thanh lọc, sau giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2012, đến nay thị trường đã nhen nhóm khởi sắc và bước vào chu kỳ mới và năm 2014 được xem như một năm bản lề cho chu kỳ này.

Với nhiều thay đổi về các văn bản quy phạm pháp luật quản lý về lĩnh vực đất đai, thị trường bất động sản đã được các cơ quan quản lý nhà nước ban hành thời gian qua, cùng với những định hướng thay đổi trong thời gian tới, cho thấy thị trường BĐS sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn.

Điều dễ nhận thấy đó là định hướng trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo hai loại hình sản phẩm chính trên thị trường đó là nhà xã hội và nhà thương mại. Trong đó, nhiều chính sách ưu tiên phát triển đang được tập trung cho mảng nhà ở xã hội, các sản phẩm bất động sản có sự hỗ trợ từ nhà nước như thuế đất, thuế VAT,…vốn tín dụng (gói 30.000 tỷ).

Nghị định 188 mà Chính phủ mới ban hành vào cuối năm 2013 riêng về phát triển nhà ở xã hội cũng đã cho thấy được tầm quan trọng của loại hình nhà ở này. Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu loại nhà ở bình dân này rất lớn, trong khi đó nguồn cung lại không có nhiều dẫn đến việc khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu nguồn cung nhà ở. Đến nay, quy mô thị trường này mới chỉ có khoảng 80.000 căn, trong khi đó nhu cầu lên đến cả triệu căn hộ.

Những điểm tích cức khác từ chính sách mới sắp tới được ban hành như việc sửa luật kinh doanh bất động sản quy định lại đối các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh bất động sản thì buộc phải thành lập doanh nghiệp với vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng, trong khi quy định cũ là 6 tỷ đồng. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản, thị trường đầu tư dàn trải kiểu “tay không bắt giặc”, điều này sẽ phần nào được hạn chế trong tương lai.

Bỏ giao dịch qua sàn: Trong Dự thảo Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) Bộ Xây dựng cũng đang thảo quy định bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch qua sàn. Điều này sẽ hạn chế bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn trong giao dịch bất động sản, và phù hợp với tình hình thị trường BĐS không “nóng” ở giai đoạn hiện nay.

Một vấn đề khác cũng sẽ tạo tính minh bạch cho thị trường, đó là vấn đề nhập nhèm về cách tính diện tích căn hộ cũng đã được điều chỉnh lại bằng cách áp dụng duy nhất một cách đo theo phương pháp “Thông Thủy”, để tránh việc khiếu nại, khiếu kiện ở nhiều dự án suốt thời qua.

Ngoài ra, những quy định mở trong vấn đề khuyến khích người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đã tạo thêm một “cú hích” cho thị trường, thêm cơ hội để các doanh nghiệp BĐS huy động dòng vốn mới, thúc đẩy thị trường phát triển.

Yếu tố khác cũng sẽ là nhân tố quyết định thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững hay không, đó là vốn tín dụng. Một cơ chế chính sách khuyến khích dòng vốn trung và dài hạn sẽ là một bước đột phá cho thị trường. Chính vì thế, ngoài gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang hỗ trợ phát triển nhà ở thu nhập thấp với chương trình giải ngân trong 3 năm từ 2013 -2016 đang triển khai, thì gần đây đã có những thông tin về một dòng vốn khác để hỗ trợ thị trường BĐS như mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, liên minh ngân hàng tạo dòng vốn với lãi suất ưu đãi quy mô có thể lên tới 100.000 tỷ đồng,…

Trên thực tế, thị trường BĐS đang bước vào hoạt động quy củ hơn, những đơn vị yếu kém, tiềm lực yếu đã dần bị đào thải khỏi thị trường. Để tồn tại trên thị trường, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này còn phải tạo dựng mô hình hoạt động mới, họ đã phải liên minh, liên kết để vực dậy các dự án, tạo dựng niềm tin cho người mua nhà, nhằm “phá băng” bất động sản, giúp thị trường phục hồi dần trong thời gian gần đây. Đưa sản phẩm đến tận tay người dùng cuối cùng với nhiều chính sách bán hàng có lợi cho người mua như chiết khấu, giảm giá, tặng quà khuyến mãi,….

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên